Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng ngành... "ngủ đông"

Thanh Thuỷ| 20/08/2017 07:32

(HNM) - Thiếu đầu tư về trưng bày, thiếu kết nối với lữ hành du lịch, không đẩy mạnh công tác truyền thông… là những nguyên nhân khiến hầu hết bảo tàng ngành trên cả nước vắng khách.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong số ít các bảo tàng hoạt động có hiệu quả. Ảnh: Bá Hoạt


Đơn điệu, thiếu hấp dẫn

Khác với khung cảnh tấp nập, đông đúc của con phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), Bảo tàng Hàng không hầu như lúc nào cũng trong tình trạng vắng lặng. Ông Hoàng Quý (phường Gia Thụy, Long Biên) cho biết, đây là chuyện bình thường đã nhiều năm của bảo tàng này. Chỉ khi nào có kỳ cuộc gì mới thấy có các đoàn đến tham quan và chủ yếu là cán bộ, nhân viên trong ngành.

Tương tự như Bảo tàng Hàng không là Bảo tàng Bưu điện (Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa), dù nằm ở vị trí thuận lợi cho việc tham quan, nhưng vẫn thường xuyên chịu cảnh thưa vắng khách. Lý do thì có nhiều, song chủ yếu là do nội dung trưng bày của bảo tàng chưa phong phú, chưa kể ra được câu chuyện ngành; hiện vật, tư liệu... trưng bày còn nghèo nàn...

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều bảo tàng ngành trên cả nước, khi mô hình này ngày một nở rộ với đa dạng lịch sử các ngành nghề được giới thiệu, như: Ngân hàng, công an, điện lực, hải quân... Lượng khách tham quan mỗi năm, thước đo chất lượng hoạt động ở nhiều bảo tàng, chỉ dừng ở con số vài nghìn lượt người, chủ yếu là thuộc các đơn vị trong ngành huy động đến học tập vào những dịp nhất định. Tình trạng thưa vắng khách cũng khiến không ít bảo tàng tự chuyển đổi công năng một số hạng mục trong công trình để cho thuê tổ chức sự kiện, bán hàng, làm sân chơi thể thao..., nhằm tránh lãng phí cơ sở vật chất cũng như tăng thêm thu nhập. Điều này, vô hình trung làm ảnh hưởng tới hình ảnh, tính chuyên nghiệp của bảo tàng trong mắt công chúng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà văn hóa cho rằng, do lối tư duy cũ, thiếu đầu tư chuyên nghiệp mà tổ chức trưng bày trong nhiều bảo tàng ngành nghèo nàn, khô cứng, không thu hút được người xem. Tâm lý ỷ lại do được bao cấp, chưa bị đặt trong một cơ chế thị trường với những áp lực về nguồn thu, cũng dẫn tới tình trạng nhiều mô hình bảo tàng hoạt động èo uột như hiện nay.

Nếu có cách đi đúng...

Bảo tàng Hàng không hầu như trong tình trạng vắng lặng.


Tham quan Bảo tàng Hải quan nằm trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) mới thấy nhận xét của PGS.TS Nguyễn Văn Huy hoàn toàn có cơ sở. Là một bảo tàng chỉ mới thành lập hơn 2 năm nay, song Bảo tàng Hải quan đã thực sự tạo nên những ấn tượng bất ngờ, xúc động với người xem. Với không gian trưng bày hạn hẹp chưa đầy 200m2, nhưng được sắp đặt sinh động theo một phong cách riêng biệt, khách tham quan được chiêm ngưỡng hơn 4 nghìn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật đắt giá, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Điển hình là: Chiếc áo của một cán bộ hải quan ở Quảng Ninh với vết thủng do dao đâm khi tham gia bắt giữ đối tượng buôn lậu; hung khí đối tượng buôn lậu làm hỏng mắt một cán bộ hải quan ở An Giang; sừng tê giác, ma túy, kim cương... những tang vật cán bộ hải quan thu giữ được... Cùng với đó, là hơn 100 cuộc phỏng vấn, ghi lại những câu chuyện đẫm nước mắt và nụ cười của những người làm công tác giữ yên biên giới, bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia qua các thời kỳ.

Thành viên nhóm nghiên cứu không gian trưng bày Bảo tàng Hải quan, chuyên viên đồ họa Phạm Đàm Ca cho biết, đưa được ra ý tưởng tổ chức trưng bày là điều kiện quan trọng, quyết định sức hấp dẫn của bảo tàng. Với cách giới thiệu những hiện vật lồng ghép khéo léo qua các câu chuyện, Bảo tàng Hải quan đã cho công chúng thấy không chỉ lịch sử, chặng đường phát triển của ngành, mà còn cho công chúng những cảm nhận sâu sắc về những cuộc chiến khốc liệt giữa thời bình.

Sự đón nhận của công chúng, với hơn 10 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm là lời khẳng định cho hiệu quả hoạt động của đơn vị. Bảo tàng đang nghiên cứu để tiếp tục mở rộng không gian trưng bày, phát triển các chuyên đề hiệu quả hơn.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực bảo tàng, di sản khẳng định, sự ra đời của các mô hình bảo tàng ngành là rất cần thiết khi góp phần đáng kể phản ánh một phần lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, do cách làm “chưa tới” khiến nhiều bảo tàng vẫn trong tình trạng “ngủ đông”, chưa phát huy được tiềm năng sẵn có. Trên thực tế, nếu tổ chức tốt, đầu tư bài bản, có chiều sâu, mô hình bảo tàng ngành hoàn toàn có thể có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Theo chuyên gia bảo tàng, di sản Mã Thanh Cao, cùng với việc đổi mới phương pháp trưng bày cho gần gũi, hấp dẫn công chúng, các bảo tàng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, chủ động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành du lịch, giúp đưa du khách tới bảo tàng cũng như nắm bắt tâm lý, nhu cầu tham quan của du khách, từ đó không ngừng đổi mới, phát triển.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà văn hóa): Bảo tàng ngành không phải phòng truyền thống, không phải nơi trưng bày thành tích, biểu dương cá nhân, mà là nơi kể câu chuyện lịch sử của ngành với những con người, sự kiện làm nên chuỗi lịch sử ấy. Các bảo tàng ngành cần thay đổi lối tư duy cũ để tích cực học hỏi, sáng tạo, đầu tư thích đáng cả về chất xám và cơ sở vật chất, đưa ra những nội dung trưng bày chất lượng, gợi cảm xúc, kích thích sự tò mò, tìm hiểu ở người xem. Có như vậy mới mong kéo chân du khách đến với bảo tàng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng ngành... "ngủ đông"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.