Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui Tết Trung thu: Tìm về truyền thống

Hoàng Lân| 27/09/2017 13:18

(HNMO) - Tết Trung thu đang đến gần. Dịp này, Hà Nội rộn ràng các hoạt động nghệ thuật, sân chơi hướng tới văn hóa truyền thống...


Những năm gần đây, các hoạt động về Tết Trung thu truyền thống luôn hấp dẫn công chúng.


Hướng về cội nguồn

Từ lâu, Tết Trung thu được coi là Tết của thiếu nhi, bởi thế khoảng một tháng trước đêm trăng tròn, rất nhiều hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi được diễn ra.

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, vào dịp Tết Trung thu, Hà Nội đẹp thêm bởi rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống hấp dẫn không chỉ với trẻ nhỏ, người lớn mà cả những du khách thập phương, những vị khách nước ngoài. Trên nhiều con phố, các cửa hàng, những địa chỉ văn hóa, không khí Trung thu với những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ ông địa, đầu sư tử… được treo lên rực rỡ.

Phố Hàng Mã - địa chỉ quen thuộc của người Hà Nội nườm nượp khách đến. Họ dạo quanh con phố để ngắm không khí rộn ràng, rực rỡ sắc màu của những cây đèn Trung thu truyền thống chỉ treo và bán một lần trong năm.

Các trò chơi, đồ chơi dân gian đang dần trở lại trong Tết Trung thu nay. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cho trẻ nhỏ.


Những năm gần đây, Tết Trung thu Hà Nội có xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về những giá trị truyền thống nguyên bản. Rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức luôn cố gắng hướng tới những vẻ đẹp mộc mạc của Trung thu truyền thống xưa. Các trò chơi dân gian, những món đồ chơi của trẻ nhỏ như làm đèn ông sao, đèn con thỏ, vẽ mặt nạ, làm con giống bột… được tổ chức thường xuyên, hướng cộng đồng tới việc tự trải nghiệm không khí của Tết Trung thu. Những hoạt động này rất có ý nghĩa trong thời hiện đại, khi mà mọi thứ đồ chơi công nghiệp luôn có sẵn, những đồ chơi không rõ nguồn gốc bày bán nhan nhản trong các cửa hàng tạp hóa…

Nhớ lại Trung thu xưa, nghệ nhân Trịnh Bách tâm sự: “Ngày xưa, mỗi năm gần đến ngày rằm tháng Tám, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng thấy háo hức khi những cửa tiệm quanh chợ bắt đầu trang trí, bày biện các mặt hàng để sửa soạn cho Tết Trung thu. Mặc dù đồ chơi Tây phương đã phổ biến trong nước từ lâu, trẻ em Việt Nam thời tôi còn bé vẫn bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này. Những đầu lân, các đèn lồng nan tre phết giấy bóng kính, làm theo các hình con thỏ, con cá, ông sao, bánh ú... Ngoài ra, còn đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn kéo quân… Rồi những con giống, làm bằng bột cắm lông gà nhuộm màu sặc sỡ, cũng là nét đặc thù của Tết Trung thu của người Việt”.

Hiện nay, chưa có tư liệu lịch sử nào ghi chép về nguồn gốc Tết Trung thu ở Việt Nam, nhưng từ bao đời nay Tết Trung thu trở thành một nét văn hóa gắn bó với nền văn minh lúa nước, với đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Ngày này, với sự nỗ lực của những người làm văn hóa, Tết Trung thu ngày càng có ý nghĩa hơn với nhiều hoạt động truyền thống gắn với văn hóa dân gian.

Khi “tâm” hướng về truyền thống

Tết Trung thu 2017, Hà Nội diễn ra rất nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa hấp dẫn. Có sự kiện văn hóa thu hút sự tham gia vào cuộc của gần 500 nghệ sĩ, nhà văn hóa… với ý thức giúp cộng đồng hiểu hơn về văn hóa cội nguồn như chương trình “Thu vọng nguyệt” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội; hay hoạt động vui chơi trung thu với những trò chơi dân gian như đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố… diễn ra tại di tích Hoàng thành Thăng Long.

Tại một số địa chỉ văn hóa trong khu vực phố cổ Hà Nội như đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) còn tổ chức triển lãm tranh, ảnh về Trung thu xưa, hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy…

Nghệ nhân Trịnh Bách, nghệ sĩ Chiều Xuân cùng Ban tổ chức chương trình "Thu vọng nguyệt" nghiên cứu việc tái hiện mâm cỗ Trung thu truyền thống của Hà Nội.


Nói về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đậm chất truyền thống cho ngày Tết Trung thu, bà Hạnh Phạm - Trưởng Ban tổ chức chương trình “Thu vọng nguyệt” cho biết, sở dĩ chương trình nhận được sự tham gia, hưởng ứng rất nhiệt tình của những tên tuổi trong giới nghệ thuật như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Quốc Trung, nghệ sĩ Chiều Xuân, Xuân Bắc, Tự Long, các nhà thiết kế nổi tiếng và rất nhiều nghệ sĩ khác… là bởi ai cũng có cái “tâm” cùng xây dựng một chương trình đậm chất văn hóa, mang đến giá trị không chỉ về tinh thần cho cộng đồng mà còn xây dựng nên một thương hiệu nghệ thuật cho Hà Nội trong dịp Tết Trung thu.

“Trước khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã phải tìm đến các nhà văn hóa để tìm hiểu những tư liệu về Tết Trung thu, đặc biệt là những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Ba đêm diễn ra chương trình là ba mảng màu sắc khác nhau để cả người lớn và trẻ em đều tìm thấy niềm vui ở sự kiện này. Chúng tôi hy vọng công chúng sẽ có được cái nhìn toàn diện về nét văn hóa truyền thống xưa và hội nhập ngày nay”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ khi thực hiện dàn dựng “Thu vọng nguyệt”.

Cùng tâm sức thực hiện một không gian vui Tết Trung thu truyền thống, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) bày tỏ, trong thời đại trẻ nhỏ bị chi phối nhiều vào các trò chơi điện tử thì những không gian đậm giá trị truyền thống sẽ giúp thế hệ măng non hôm nay hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Đó là lý do, Hoàng thành Thăng Long những năm gần đây tổ chức vui Tết Trung thu với nhiều hoạt động thiết thực và gần gũi hơn.

Theo kế hoạch, từ cuối tuần này, nhiều hoạt động Trung thu truyền thống sẽ diễn ra trên địa bàn Hà Nội. Công chúng sẽ có những lựa chọn khác nhau để đưa con trẻ vui chơi trong dịp này. Điều đáng ghi nhận rằng, với những nhà tổ chức có “tâm” với văn hóa truyền thống, Tết Trung thu đang dần trở lại với những nét đẹp dân gian, đúng mực.

Những địa điểm vui chơi trong dịp Tết Trung thu 2017


- Hoàng thành Thăng Long (từ ngày 28-9 đến 4-10) có các hoạt động: triển lãm ảnh về Tết Trung thu trong bộ tranh khắc của Henri Oger; trưng bày đồ chơi Trung thu cổ được phục chế lại thông qua tư liệu ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp Al Kant; các trò chơi dân gian được tổ chức ngoài trời như: đi cầu tre gánh lúa, bập bênh, kéo co, ném vòng, ngựa gỗ, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, pháo đất, bịt mắt đánh trống và nhảy bao bố... Ngoài ra, Ban tổ chức bố trí không gian để các nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Đỗ Văn Kỳ, Đỗ Thị Xuân, Hoàng Bá Nhất, Lê Thị Hà cùng gần 200 tình nguyện viên tương tác với người tham gia bằng những hoạt động làm chong chóng, nặn tò he, đèn kéo quân...

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra chương trình “Thu vọng nguyệt” (từ ngày 29-9 đến 1-10) với 3 đêm nghệ thuật: đêm nghệ thuật truyền thống (29-9), đêm nhạc trẻ (30-9) và đêm nhạc thiếu nhi (1-10). Trong chương trình, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: nu na nu nống, ô ăn quan, bắn bi, rồng rắn lên mây, nhảy dây... cùng những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với các nghệ nhân như: làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị... Ban tổ chức sẽ tái hiện một không gian của Trung thu xưa với việc bày mâm cỗ Tết Trung thu truyền thống. Bên cạnh những hoạt động văn hóa có tính tương tác, trong chương trình “Thu vọng nguyệt” sẽ có những màn trình diễn nghệ thuật làm điểm nhấn như màn trình diễn "Dòng sông ánh sáng" của những nghệ sĩ sắp đặt, phần trình diễn áo dài truyền thống của 3 nhà thiết kế tên tuổi của Hà Nội là Anh Thư - Hà Linh Thư - Đức Hùng. Tại đây, các nhà văn hóa sẽ trò chuyện về những nét đẹp của Trung thu xưa và nay.

- Lễ hội Trung thu phố cổ diễn ra từ nay đến hết ngày 4-10 với khu vực trung tâm là chợ Trung thu truyền thống Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân - Hàng Giấy và không gian đi bộ mở rộng. Tại ngôi nhà cổ di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, Trung tâm Di sản Phố cổ Hà Nội, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội... cũng diễn ra nhiều hoạt động giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi cổ truyền như: trưng bày giới thiệu đồ chơi Trung thu truyền thống (con giống bột, các loại đèn Trung thu, trống Đọi Tam…); hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy, tàu thủy…

- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Chương trình Trung thu với chủ đề “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” diễn ra từ ngày 30-9 đến 1-10. Các hoạt động trong chương trình gồm: Giới thiệu điệu hò, nghề dệt truyền thống, cách làm các sản phẩm thủ công… Trong đó, điểm nhấn của chương trình là sự kết hợp giữa văn hóa Nam Bộ và văn hóa Bắc Bộ qua các tiết mục múa lân sư, trải nghiệm làm Cốm làng Vòng, làm bánh Trung thu, chơi trò chơi dân gian, làm đồ chơi dân gian khám phá Trung thu Việt.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui Tết Trung thu: Tìm về truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.