Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đinh Nho Khôi: Nhà báo tài năng, đức độ

Trần Thu Hằng| 19/10/2017 10:34

(HNM) - Không còn cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với ông nhưng tôi vẫn hình dung rất rõ về nhà báo Đinh Nho Khôi qua những câu chuyện của con gái ông, qua những hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp. Tham gia cách mạng từ sớm, ông là một nhà báo tài năng và đức độ, sống khiêm tốn, trung thực...



“Vạn sự khởi đầu nan”

Sau ngày Thủ đô được giải phóng (10-1954), Hà Nội bước vào một thời kỳ mới. Nhu cầu của Đảng bộ thành phố về một tờ nhật báo “chính thống” cho Hà Nội ngày càng cấp thiết. Trước thực tế đó, ngày 26-2-1957, Thành ủy Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 93-NQ/ĐBHN “Về việc xuất bản báo hằng ngày ở Thủ đô”. Việc chuẩn bị cho tờ báo ra đời được gấp rút tiến hành. Tháng 3-1957, nhà báo Đinh Nho Khôi, nguyên Trưởng ban Quốc tế Báo Nhân Dân được cấp trên điều về làm Tổng Biên tập. Ông cùng các cộng sự lo toan mọi vấn đề “bếp núc” cho tờ báo.

Nhà báo Doãn Chiêm, một trong những người đầu tiên về công tác ở báo Thủ đô nhớ lại: “Công việc chuẩn bị thật bộn bề, phức tạp. Tôn chỉ, mục đích thì đã rõ ràng, nhưng kết cấu nội dung tờ báo làm sao cho phù hợp với đối tượng bạn đọc Thủ đô thì phải bàn? Nên có các chuyên mục gì? Lúc đầu ra ngay hằng ngày hay cứ để mỗi tuần hai ba kỳ? Khuôn khổ tờ báo to hay nhỏ?... Bao nhiêu câu hỏi cần được quyết đáp.

Là người đặt viên gạch đầu tiên cho tờ báo đang "thai nghén", đồng chí Đinh Nho Khôi đã đem những hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp của hàng chục năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám qua tờ Cứu quốc... trong kháng chiến chống Pháp là tờ Giết giặc đến tờ Nhân Dân sau ngày Thủ đô được giải phóng để cùng Ban Biên tập vừa được thành lập, bàn bạc, xây dựng đề án xuất bản báo. Vượt qua hàng loạt khó khăn, cuối cùng tờ báo hằng ngày Thủ đô ra mắt bạn đọc kịp thời vào ngày 24-10-1957”.

Hơn 10 năm làm Tổng Biên tập là thời kỳ cực kỳ khó khăn: Cơ sở vật chất thiếu thốn, chắp vá, phương tiện làm báo thô sơ, cán bộ chưa được đào tạo cơ bản..., với trọng trách của người đứng đầu, nhà báo Đinh Nho Khôi tập hợp anh em, đoàn kết và truyền ngọn lửa say nghề cho đội ngũ cán bộ, phóng viên. Ông thường nhắc nhở: “Cách làm việc của người phóng viên phải khác xa cách làm việc của anh công chức cũ “sớm vác ô đi tối vác về”. Một bài, tin viết ra cho hàng vạn, hàng triệu người đọc, muốn có tác dụng thì phải được người đọc hiểu và tin theo”. Điều tưởng như đơn giản đó vẫn là bài học thiết thực đối với mỗi phóng viên ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của ông, đi liền với việc mở rộng khổ báo, từ khổ nhỏ 30x40cm (1957) lên khổ nhỡ 32,5x47cm (1958), rồi khổ lớn 40x60cm (1959) là sự khẳng định sự vững vàng, chững chạc trong nội dung từng số báo. Trụ sở báo cũng chuyển từ số 6 Hai Bà Trưng về ngôi nhà 44 Lê Thái Tổ trông ra hồ Hoàn Kiếm khang trang, bề thế, lại có nhà in ngay bên cạnh.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn khó khăn, khốc liệt, một số phóng viên vào chiến trường, có người đã hy sinh. Lúc này, ngoài nhiệm vụ làm báo, tổ chức lại tòa soạn, ông và Ban Biên tập còn phải lo thêm đời sống cho cán bộ, phóng viên như lập nhà trẻ và đưa đi sơ tán, phân công nuôi lợn để Tết có thịt chia cho mọi người...

Nhà báo Đinh Nho Khôi luôn mong muốn xây dựng một tờ báo tiêu biểu cho Hà Nội, giới thiệu được lịch sử nghìn năm văn hiến, tiềm năng kinh tế của Thủ đô với bạn bè khắp năm châu. Nhưng ước muốn ấy chưa thể thực hiện được trong thời chiến. Năm 1968 ông chuyển về công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam, là Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 3) cho đến lúc nghỉ hưu.

Vị Tổng Biên tập bình dị

Nhà báo Đinh Nho Khôi (1910 - 1988) sinh ra tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một trong những vùng được coi là “đất học” của xứ Nghệ. Ngay trên ghế nhà trường, Đinh Nho Khôi đã tham gia phong trào yêu nước trong giới học sinh. Ông tìm đọc sách báo tiến bộ bằng tiếng Pháp, liên hệ với những nhà yêu nước, những nhà cách mạng và sớm giác ngộ...

Sinh thời, khi nhớ về người thủ trưởng đầu tiên của mình, nhà báo Hàm Châu kể với tôi: “Ông Khôi là người chân thành đến chất phác, giản dị đến xuềnh xoàng. Xuềnh xoàng trong đời thường, nhưng ông “khó tính” trong nghề. Một bài báo viết ra, ông đọc đi sửa lại nhiều lần, cân nhắc từng ý, từng câu tỷ mỉ. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho tôi biết: Thời trẻ, ông Khôi nổi tiếng “hay chữ”, từng được cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, thân phụ bác sĩ Viện, mời làm gia sư để kèm cặp về tiếng Pháp. Thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông Khôi viết nhiều bài bằng tiếng Pháp trên các báo công khai của Đảng, do các nhà báo Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Ông là một tấm gương lớn về đạo đức chí công vô tư mà tôi luôn kính trọng noi theo”.

Trong ký ức nhà báo Doãn Chiêm, Tổng Biên tập Đinh Nho Khôi là “một người hiền khô, giản dị, không có cái bề ngoài hoạt bát nhưng rõ ra vẻ vững vàng, chín chắn". Là người được làm việc gần gũi với Tổng Biên tập Đinh Nho Khôi từ những ngày đầu thành lập báo, ông Doãn Chiêm nhớ lại: "Dạo ấy, lớp phóng viên trẻ chúng tôi từ các chiến trường trở về, từ khắp nơi được tập hợp lại, mỗi người có chút ít vốn liếng viết báo, làm thông tin... nhưng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ trong việc làm tờ báo của một thành phố lớn và đa dạng vừa được giải phóng. Chưa ai có thể nói là đã có tay nghề. Nhìn vào đồng chí Tổng Biên tập của mình, được sự dìu dắt, giúp đỡ cụ thể trong công việc thực tế, ai nấy đều thấy yên tâm, vững bước. Căn phòng làm việc của đồng chí ở tầng hai tòa soạn đêm đêm sáng đèn đến tận khuya truyền cho chúng tôi một tình cảm gắn bó với sản phẩm tinh thần mình làm ra, sự tận tụy và lòng yêu nghề đến mức say mê”.

Phó Tổng Biên tập, nhà báo Thanh Thủy cũng đồng tình: "Tổng Biên tập Đinh Nho Khôi là một chiến sĩ cách mạng lão thành, nhà báo kỳ cựu tận tụy với nghề, chân thành với đồng nghiệp, thân ái với mọi nhân viên. Hầu như suốt ngày đồng chí chăm lo cho tờ báo, từ viết xã luận, đọc và chữa bài đến duyệt maket, ký “bông” in báo lúc nửa đêm rồi mới chịu đi nằm. Nếu có trục trặc gì cần giải quyết thì cứ gọi, khuya khoắt mấy ông cũng có mặt ngay”.

Ông Khôi sống mẫu mực và giản dị. Đi công tác, anh phóng viên đi xe đạp thì Tổng Biên tập cũng đạp xe. Hồi cơ quan báo còn ở số 6 Hai Bà Trưng, gia đình ông được sắp xếp một phòng hơn 10m2 trên tầng 2, nóng như rang. Đến khi cơ quan chuyển về 44 Lê Thái Tổ, ông cũng chuyển gia đình về ở một phòng nhỏ trên tầng hai của tòa soạn. Khi ấy, Thành ủy đặt vấn đề cho ông một chỗ khá hơn, vậy mà ông chối đây đẩy, còn viện lý do: “Mình ở liền cơ quan báo để hễ có chuyện chi đêm hôm dễ bề trở tay”.

Nhà báo Lê Việt viết mảng quốc tế nhận xét: “Làm việc bên ông, chúng tôi học tập được nhiều điều hữu ích đối với một người làm báo hằng ngày. Tính nhanh nhạy và làm việc cẩn trọng là hai tố chất nổi bật ở ông. Nhìn bề ngoài ông giống một nông dân đất Nghệ hơn là Tổng Biên tập một tờ báo lớn. Thường thì khoảng 1h30 sáng ông mới lui về phòng. Lắm đêm 4-5 giờ sáng ông Khôi mới về chợp mắt bởi ông có cái “bệnh” bao giờ cũng phải coi qua số báo ra ngày hôm sau còn thơm mùi mực in, thấy không có sai sót gì, mới chịu lui về. Ông sống công bằng, không thiên lệch với bất cứ người nào”...

Sau này, khi đã nghỉ hưu, hằng ngày ông Khôi vẫn đạp xe mấy cây số từ nhà ở Giảng Võ đến tòa soạn, đều đặn chăm chỉ như khi còn làm việc, xem tờ báo, gặp gỡ bạn bè cũ hoặc chị em phóng viên trẻ mới vào nghề, thân tình nói vài ba câu chuyện, giống như người làm vườn cũ gắn bó với hàng cây, luống đất mình đã dành bao tâm huyết, công sức gieo hạt, vun trồng...

60 năm đã trôi qua kể từ ngày tờ Thủ đô, tiền thân của Báo Hànộimới do nhà báo Đinh Nho Khôi làm Tổng Biên tập ra đời, tờ báo Đảng của Thủ đô đã qua nhiều chặng đường phát triển và đang tiếp tục phát triển để làm tròn nhiệm vụ được giao. Thế hệ làm báo sau ông hiểu rằng những gì đạt được ngày hôm nay đều bắt nguồn từ những bước đi chập chững buổi ban đầu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đinh Nho Khôi: Nhà báo tài năng, đức độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.