Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo Nguyễn Xuân Trình: Một giai đoạn sôi động với nhiều dấu ấn

Hai Lúa| 20/10/2017 10:17

(HNM) - Nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới từ năm 1998 đến năm 2005 - ông Nguyễn Xuân Trình sinh năm 1946, vào thời điểm cận kề 60 ngày đêm lịch sử của quân và dân Thủ đô Hà Nội thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, làm nên bản hùng ca mùa Đông bất tử trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Người ta thường nói “bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”, ý chỉ hai năm (bốn chín và năm ba tuổi ta - tính theo âm lịch) trong cuộc đời mỗi người thường gặp phải những điều không may mắn. Duy tâm là vậy! Nhưng khoa học đã chỉ ra rằng, ở những thời điểm như đã nêu, với mỗi người, tâm sinh lý và nhận thức có những sự thay đổi cơ bản tác động tới sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt. Tuy nhiên, với ông Nguyễn Xuân Trình thì đó lại là những thời điểm đảm nhận các cương vị quan trọng ở Báo Hànộimới. Năm 1994, ông Nguyễn Xuân Trình được đề bạt làm Phó Tổng Biên tập phụ trách Tòa soạn (bốn chín tuổi ta). Năm 1998, ông đảm nhận cương vị Tổng Biên tập (năm ba tuổi ta). Đặc biệt, vào thời điểm đó, sau hàng chục năm kể từ khi thành lập, Báo Hànộimới có người đứng đầu là người… của báo. Có lẽ cho đến nay cũng là vậy!

Những điểm nêu trên khá thú vị. Nhưng điều đáng nói hơn, là người đi lên từ báo nhà, trong khoảng thời gian ông Nguyễn Xuân Trình làm Tổng Biên tập, Báo Hànộimới có khá nhiều dấu ấn đáng nhớ. Cụ thể, từ tháng 1-2001, dù vẫn in 4 trang như những năm trước đó nhưng Báo Hànộimới hằng ngày bắt đầu in màu các trang 1 và 4. Họa sĩ trình bày được cử đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Các ban chuyên môn nghiệp vụ bắt đầu làm quen với việc chủ động đề xuất cơ cấu trang về số lượng bài tin, nội dung và cách thức trình bày. Tờ báo đẹp và hấp dẫn hơn khi chất lượng có bước chuyển rõ nét.

Tiếp đó, từ ngày 10-10-2002, tức là đúng dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2002), Báo Hànộimới hằng ngày chính thức tăng trang, từ 4 trang lên 8 trang với trang 1 và trang 8 in màu. Báo Hànộimới Cuối tuần chuyển từ 8 trang khổ 42 x 58cm sang 16 trang khổ 29 x 42cm, toàn bộ in màu. Nguyệt san Hà Nội ngàn năm đổi từ khổ 13 x 18cm trên giấy thường sang khổ 20 x 28cm trên giấy Coucher. Và vào dịp 21-6-2003, Hànộimới Điện tử chính thức hòa mạng với ba nhiệm vụ chủ yếu: Giới thiệu Thủ đô Hà Nội (văn hiến, tinh hoa văn hóa, thành phố Anh hùng, Vì hòa bình...); giới thiệu môi trường đầu tư; kêu gọi từ thiện cho các đối tượng chính sách, xã hội.

Đặc biệt, dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2004) và Kỷ niệm 47 năm Báo Hànộimới ra số hằng ngày đầu tiên, đúng ngày 24-10-2004, Hànộimới Tin chiều phát hành vào 12 giờ 30 hằng ngày chính thức ra mắt bạn đọc. Vào thời điểm đó, Hànộimới là báo Đảng địa phương duy nhất và là tờ báo đầu tiên trong làng báo nước nhà có hai ấn phẩm ra hằng ngày, đó là Hànộimới hằng ngày và Hànộimới Tin chiều.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, trong những năm đó, Báo Hànộimới đã tổ chức 3 kỳ thi tuyển, gần 70 phóng viên đã được tuyển dụng vào công tác. Lớp người ấy đến giờ đều đã ở cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, đủ độ chín để phục vụ các yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan.

Những dấu mốc nêu trên đều nằm trong lộ trình xây dựng Báo Hànộimới thành Tập đoàn báo chí theo xu hướng phát triển chung được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện vào thời điểm đó.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả tích cực của thời kỳ đổi mới trong giai đoạn nhà báo Hồ Xuân Sơn làm Tổng Biên tập, khi ông Nguyễn Xuân Trình đảm nhiệm cương vị này, Báo Hànộimới không chỉ chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác chuyên môn, xây dựng vị thế trong làng báo chí cũng như đông đảo bạn đọc của Thủ đô và cả nước, mà thời kỳ này, cơ sở vật chất của cơ quan cũng không ngừng được củng cố.

Trong các năm từ 2000 đến 2005 có 4 đề án phục vụ nhu cầu làm báo hiện đại được thực hiện: Cải tạo, sửa chữa được tiến hành đồng bộ với việc mở rộng trụ sở; xây dựng mạng nội bộ trong toàn cơ quan, áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình làm báo; bố trí ca-bin cho từng phóng viên, biên tập viên làm việc; trang bị phương tiện tác nghiệp cho cá nhân như máy tính, máy ảnh, máy ghi âm… Cùng với đó, đời sống cán bộ, phóng viên, công nhân viên không ngừng được cải thiện.

Đặc biệt, Báo đã để ra được hàng chục tỷ đồng làm quỹ, dành cho những dự định phát triển trong tương lai - Một chuyện mà trước đó và cả sau này không dễ làm được.

Chỉ tiếc rằng, sau khi ông Nguyễn Xuân Trình tham gia cùng đoàn cán bộ của thành phố đi Trung Quốc để tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình Tập đoàn báo chí trở về thì bạo bệnh ập đến hành hạ ông. Ấy là ngày 27-11-2005. Sau dịp ấy, ông không còn đủ sức khỏe để biến những dự định, ấp ủ về sự phát triển của Báo Hànộimới trở thành hiện thực…

Tôi đến thăm Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Trình với mong muốn được hỏi thêm một số chuyện về một giai đoạn sôi động của Báo Hànộimới với nhiều dấu ấn, nhưng dường như ông không muốn nói về những gì đã qua. Ông bảo, vừa rồi tại Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc tới hình ảnh “lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Điều ông mong muốn là những thế hệ làm Báo Hànộimới hôm nay ở “cái lò” 44 Lê Thái Tổ phải “đốt” lên được tinh thần đổi mới và nhiệt huyết nghề nghiệp, dám nghĩ dám làm, chung sức đồng lòng, đưa tờ báo phát triển xứng đáng với công sức đóng góp của những lớp người đi trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Nguyễn Xuân Trình: Một giai đoạn sôi động với nhiều dấu ấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.