Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

Nhóm phóng viên| 23/10/2017 17:30

(HNM) - 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Hànộimới luôn là kênh thông tin đáng tin cậy, luôn nhận được sự quan tâm, yêu mến của các cấp lãnh đạo cơ sở cũng như các tầng lớp ­bạn đọc trong và ngoài nước.

Ông Shim Won Hwan (quốc tịch Hàn Quốc), Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam:
Báo Hànộimới cung cấp thông tin quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp

Trong chặng đường 60 năm hình thành và phát triển kể từ khi ra số báo đầu tiên vào ngày 24-10-1957, Báo Hànộimới đã luôn là nguồn thông tin hết sức quan trọng và cần thiết không chỉ với các cấp chính quyền, người dân thành phố, mà còn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung. Đồng hành với Samsung Việt Nam trong chặng đường phát triển, Báo Hànộimới thực sự là kênh thông tin quan trọng, giúp chúng tôi cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách của chính quyền TP Hà Nội cũng như của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhờ đó, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, tới nay Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng hơn 17 tỷ USD. Đây cũng là minh chứng cho cam kết phát triển lâu dài, bền vững và đồng thịnh vượng của Samsung tại Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm trọng đại của Báo Hànộimới, thay mặt cho ban lãnh đạo của Samsung tại Việt Nam, tôi xin gửi tới Báo lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc toàn thể ban lãnh đạo và các bạn phóng viên liên tục đổi mới và sáng tạo, để đưa tờ báo mang tính biểu tượng của Thủ đô tiếp tục phát triển, đưa tiếng nói của mình đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố Hà Nội và đất nước Việt Nam xinh đẹp.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Việt kiều Đức:
Nhịp cầu của những người con Hà Nội sống xa quê hương

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Cửa Bắc, Hà Nội, xa quê đã ngót 30 năm. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn dõi theo những thông tin về Thủ đô. Dù không được trực tiếp cầm trên tay các ấn phẩm báo in của Báo Hànộimới, nhưng qua Báo Hànộimới Điện tử, tôi có thể cập nhật được thông tin đang diễn ra tại thành phố quê hương. Bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa… tôi rất quan tâm tới chuyên mục Nhịp sống Hà Nội. Đặc biệt, chuyên trang Quốc tế có những bài viết về hoạt động, đời sống của người Việt ở nước ngoài phần nào là nguồn động viên rất lớn với bà con người Việt xa quê. Có thể nói, Báo Hànộimới đã và đang trở thành một nhịp cầu thông tin đối với những người con Hà Nội sống nơi đất khách quê người. Nhân dịp Hànộimới kỷ niệm 60 năm ra số hằng ngày đầu tiên, tôi chúc Báo luôn phong phú về thông tin, tiếp tục có những bài viết sắc bén và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thủ đô và kiều bào ở khắp nơi trên thế giới.

Ông Nguyễn Sĩ Thành Vinh, kiều bào Việt Nam tại Ukraine:
Món quà cho những người xa quê

Bạn bè, người thân mỗi lần về Việt Nam sang thường mang theo chút gì đó của quê hương để làm quà. Tôi nhớ, cách đây khá lâu rồi, một người bạn của tôi đã mang sang một số tờ báo trong đó có Báo Hànộimới... Thật sự là một niềm vui đặc biệt khi cầm tờ báo Hànộimới bằng giấy trên tay để đọc tin về quê hương. Thế rồi những trang báo “vàng” ấy được truyền tay nhau, đọc kỹ càng, thậm chí cả những mục tưởng chừng như chẳng liên quan đến cuộc sống xa quê như quảng cáo, rao vặt... bởi lẽ đó là một kênh tin tức hiếm hoi về những gì đang diễn ra nơi đất mẹ.

Xã hội ngày một phát triển, ngoài báo in giờ đây còn có báo điện tử... Thế nhưng những tờ báo in vẫn được “đặt hàng” mỗi khi có người từ Việt Nam sang công tác hay trở lại Ukraine. Một tờ báo ấn tượng đặc biệt với tôi là Hànộimới bởi một lẽ rất bình dị là nhà mình ở Hà Nội. Mọi tin tức thường nhật diễn ra tại Thủ đô và cả nước đều được phản ánh khá đầy đủ. Thời gian gần đây, tôi thường truy cập Báo Hànộimới Điện tử. Báo có giao diện đơn giản với các mục rõ ràng, trong đó có đủ tin tức từ văn hóa, thời sự, thể thao... Ngoài thời sự xã hội trong nước, tôi đặc biệt thích các mục Phóng sự - nơi có các bài viết về những vấn đề xã hội rất quan tâm; mục Quốc tế với các bài phân tích về các vấn đề nóng bỏng đang diễn ra trên thế giới. Cho dù thường ngày, vẫn có thể cập nhật tình hình thời sự quốc tế qua báo chí nước ngoài nhưng tôi cũng quan tâm tới góc nhìn từ quê nhà, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu.

Ông James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ), người sáng lập nhóm Keep Hanoi Clean - Xanh lên:
Báo có nhiều thông tin kịp thời về người tốt, việc tốt

Đã sống và làm việc tại Hà Nội được hơn 4 năm, bản thân tôi luôn quan tâm tới các tin tức trên báo chí. Đây vừa là một hình thức rèn luyện tiếng Việt, vừa giúp tôi có thêm hiểu biết sâu sắc hơn về thành phố xinh đẹp này. Cảm ơn Báo Hànộimới đã có nhiều thông tin kịp thời, bổ ích về những tấm gương người tốt việc tốt trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, những đóng góp của họ được nhiều người biết tới ủng hộ và những hành động đẹp ấy được nhân rộng, trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ để xây dựng TP Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

Nhà văn Lê Phương Liên:
Phát huy chất văn chương, văn hóa sâu đậm của Hànộimới

Tôi may mắn là người Hà Nội, sống ở trung tâm Thủ đô, ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi biết đến Hànộimới từ ngày Báo còn mang tên Thời mới, Hà Nội hằng ngày, đến khi tờ báo được ghép tên thành Hànộimới. Trong ký ức của tôi, những chuyện dài kỳ đăng trên Báo Hànộimới thuở ban đầu thực sự rất thích thú. Mục "Mỗi ngày một chuyện" rất hấp dẫn và gần gũi với đời sống, phóng viên hoặc bạn đọc đều có thể tham gia góp ý, viết bài... Khi tôi công tác ở Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi cũng rất gắn bó với Hànộimới, rất thích đọc những bài giới thiệu sách trên tờ báo Đảng của Thủ đô. Bản thân tôi cũng viết cho Hànộimới và được đăng khá nhiều bài. Những bài giới thiệu sách của Hànộimới thực sự rất có tác dụng phát triển văn hóa đọc. Hơn nữa, tờ báo Đảng của Thủ đô luôn là kênh thông tin chuẩn, giúp bạn đọc tìm ngay được thông tin đúng, kịp thời về các sự kiện, vấn đề nóng của xã hội…

Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin tràn ngập trên các trang mạng, người đọc bị phân tán, bị nhiễu bởi nhiều luồng thông tin, các ấn phẩm báo in bị cạnh tranh gay gắt về thông tin. Song, tôi nghĩ Hànộimới vẫn có thương hiệu, vị thế riêng, được rất nhiều người tin cậy. Hànộimới luôn có đường đi vững chắc, chững chạc, nhưng nếu tờ báo Đảng Thủ đô có thể phát huy tốt hơn chất văn chương, văn hóa người Hà Nội, dành thời lượng đậm đà cho nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, tôi nghĩ bạn đọc sẽ càng yêu mến và tin cậy Hànộimới nhiều hơn. Với những vấn đề được dư luận quan tâm, tôi nghĩ Hànộimới không nên né tránh, mà cần chủ động tham gia để định hướng cho bạn đọc, thể hiện bản lĩnh của cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Mỹ:
60 năm trọn niềm vui

Tháng 8-1964, tôi có bài báo đầu tiên được đăng trên tờ Thủ đô, tiền thân của Báo Hànộimới. Thấm thoắt hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây, khi đã bước vào tuổi thất thập, mỗi khi nhớ lại “thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy”, tôi vẫn hình dung rõ các nhà báo lớp trước đã dìu dắt mình trong những bước đi chập chững đầu tiên. Ngày đó, ở Hà Nội chưa có trường lớp dạy viết báo quy mô như bây giờ, anh em viết báo ở cơ sở gửi tin bài đến tòa soạn, biên tập viên sửa chữa rồi in. Qua việc cắt xén, biên tập, các cộng tác viên như tôi đối chiếu rồi rút kinh nghiệm cho bài viết sau. Bấy giờ, tình cảm giữa các biên tập viên, phóng viên và cộng tác viên thật sâu đậm. Mỗi khi đi công tác ngoại thành, các anh lại đến tận nhà tôi trao đổi bài viết, nói lời động viên và tiện lĩnh hộ luôn cả nhuận bút.

Từ năm 1992, tôi cộng tác chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa. Hằng tuần, trong mục “Thủ đô ta”, in vào ngày thứ hai, tôi đều có bài giới thiệu di tích danh thắng ở Hà Nội. Được đà, tôi giới thiệu cả phong tục và những nét thanh lịch của người Hà Nội xưa trên Báo Hànộimới cuối tuần và Hà Nội Ngày nay. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi tập hợp phần lớn các bài viết này, sửa chữa, bổ sung tư liệu và in sách “Hà Nội văn vật”.

Do có thâm niên gắn bó với Hànộimới, nên tôi có duyên may được chứng kiến sự trưởng thành của Báo. Có thể nói, trong 60 năm phát triển, Hànộimới đã tạo được “thương hiệu” riêng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Giờ đây, trước bước phát triển mới của Thủ đô và cả nước, chỉ viết cho đúng, cho đĩnh đạc thôi chưa đủ, những người làm Báo Hànộimới cần tiếp tục đổi mới, làm cho các bài báo “mềm mại” hơn mới dễ thấm vào người đọc. Báo nên có thêm nhiều bài viết giới thiệu những phát hiện mới về khảo cổ, kiến trúc, những giá trị độc đáo của các danh lam thắng cảnh để bạn đọc gần xa hiểu thêm về đất Hà Nội nghìn năm, hoặc mở chuyên mục “Nhìn ra các nước” trên Báo Hànộimới hằng ngày để bạn đọc hiểu thêm nét đẹp, nét hiện đại của thủ đô các nước... Mong rằng những người làm Báo Đảng Thủ đô tiếp tục phát huy và giữ vững thế mạnh!

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long:
Tạo niềm tin cho bạn đọc

Tôi là bạn đọc của Hànộimới từ cuối thập niên 1990, khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Là dân văn nghệ, một nghệ sĩ, nên tôi thích đọc các bài về văn hóa, các số báo Tết, các số báo đặc biệt và các số báo cuối tuần. Những số báo đó dành nhiều cho văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là văn hóa người Hà Nội, đề cao nét đẹp của mảnh đất và con người Hà thành.

Bất ngờ hơn khi khoảng 5 năm trước, tôi được mời tham gia cộng tác thường xuyên cho Hànộimới Cuối tuần ở mục “Cà phê cuối tuần”. Báo cho tôi tự chọn đề tài, cách tiếp cận và triển khai theo đúng phong cách của mình. Tôi thường xuyên có những bài viết về âm nhạc cả nước, đặc biệt là những giá trị âm nhạc, nghệ thuật của Hà Nội trong chuyên mục này. Không chỉ dừng ở đó, đôi khi tôi còn viết chuyên đề âm nhạc. Có những bài trở thành bài “đinh” được đăng tải trên trang nhất của báo.

Trong xu thế mới của báo chí, thời đại xã hội truyền thông và sự lấn át của báo điện tử, thậm chí cả những trang mạng cá nhân mang dáng dấp báo chí, chắc chắn đặt ra nhiều thử thách cho những tờ báo in chính thống như Hànộimới. Từ góc độ độc giả, tôi đã nhìn thấy sự chuyển động tích cực trên trang điện tử của báo. Mặt khác, tôi vẫn rất mong những ấn phẩm báo in giữ vững phong cách chính thống, góp phần cân bằng đời sống báo chí, cung cấp những thông tin tin cậy cho độc giả.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng:
Đội ngũ nhà báo tâm huyết, say nghề

Báo Hànộimới là một thương hiệu uy tín trong lòng bạn đọc Thủ đô và bạn đọc cả nước. Mình yêu và đặc biệt ấn tượng với Hànộimới, trước hết vì Báo có một đội ngũ nhà báo tâm huyết, say nghề. Nội dung của Báo đảm bảo sự chính xác, tin cậy, mang tính định hướng - yêu cầu quan trọng của Báo Đảng, song cách chuyển tải thông tin luôn mềm mại, hấp dẫn, tính văn hóa cao.

60 năm xây dựng và phát triển, Hànộimới đã có đóng góp lớn trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội thông qua việc đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống một cách gần gũi với người dân. Đặc biệt, Báo đã làm tốt việc phản ánh và cập nhật đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa của Thủ đô và cả nước.

Công tác trong ngành Xuất bản, tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao Hànộmới là một trong số rất ít tờ báo dành thời lượng cho các bài viết giới thiệu sách với nội dung phong phú, là địa chỉ tin cậy của cộng đồng văn hóa đọc và trí thức Thủ đô, nhất là trong việc mở rộng tri thức, phát triển văn hóa.

Kỳ vọng với tờ báo Đảng Thủ đô, tôi mong với đội ngũ nhà báo tâm huyết, yêu nghề, Hànộimới sẽ ngày càng lớn mạnh, Báo ngày càng có nhiều cây bút lớn, uy tín, xứng đáng với sự yêu quý của độc giả. Những cây bút này sẽ "xông pha" trên mọi mặt trận chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa để có được nhiều bài viết mang tính chuyên sâu, định hướng dư luận và luôn đồng hành cùng bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn:
Hànộimới ngày càng mới hơn

Rõ nét nhất ở Báo Hànộimới những năm gần đây là hơi thở cuộc sống xã hội luôn nóng hổi trên từng trang báo, các bài báo có tính tương tác cao… thể hiện khả năng cập nhật, xử lý thông tin nhanh nhạy của người làm báo. Đội ngũ cộng tác viên của Báo cũng không ngừng lớn mạnh với sự tham gia của không chỉ những cây bút chuyên nghiệp, mà cả những người viết không chuyên, tạo nên sự phong phú, mới mẻ trong cách thể hiện các tác phẩm báo chí.

Việc Báo Hànộimới duy trì các cuộc thi viết và các chuyên mục: Người tốt việc tốt, Mỗi ngày một chuyện, Luận bàn và Hành động, Suy ngẫm đầu tuần, Vì sức khỏe cộng đồng…, thu hút được lượng lớn người viết tham gia, góp phần tạo nên không khí sôi động cho hoạt động báo chí; đồng thời thu hút sự chú ý của người dân vào vấn đề xã hội đang quan tâm. Nhân dịp Báo Hànộimới đón tuổi mới, tôi xin chúc những người làm báo của Báo Đảng Thủ đô ngày càng vững vàng, mạnh giỏi, chúc Báo Hànộimới ngày càng mới hơn.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền:
Đi sâu vào đời sống cộng đồng

Là độc giả lâu năm của Hànộimới, tôi nhận thấy Báo đã có những bước chuyển mình đáng kể, đáp ứng kịp thời yêu cầu tuyên truyền trong tình hình mới cũng như nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của bạn đọc. Tôi thích cách tổ chức trang, mục rõ ràng, cách trình bày mạch lạc xuyên suốt cũng như cách tổ chức các chuyên đề, chủ điểm đi sâu vào những vấn đề nóng hổi của đời sống đang được xã hội quan tâm của Báo thời gian gần đây. Điển hình như đợt thông tin về sự kiện ở Đồng Tâm (Mỹ Đức), tuyên truyền về dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ…, Báo Hànộimới làm rất tốt, để lại nhiều ấn tượng.

Đặc biệt, Báo có nhiều bài viết với lối hành văn mềm mại cùng cách tiếp cận mới, nhiều tính phản biện, nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng…, góp phần xóa đi ấn tượng Báo Đảng thường khô cứng, một chiều. Mong rằng, Báo Hànộimới có thêm nhiều bài điều tra, chống tham nhũng sắc bén hơn; các bài viết về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đi sâu vào đời sống cộng đồng với những ví dụ thực tế, sinh động hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.