Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện ảnh khơi lên vẻ đẹp người Hà Nội

Mai Hoa| 19/11/2017 07:29

(HNM) - Sáng 20-11, các nghệ sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn thuộc Hội Điện ảnh Hà Nội sẽ lên đường đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc) tham dự Hội trại sáng tác kịch bản về đề tài

"Sẵn bột, gột hồ"

Bốn ngày trước khi đến trại sáng tác, trong khuôn khổ lễ phát động sáng tác kịch bản "Người Hà Nội văn minh, thanh lịch", ông Đan Thiết Thụ cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã chọn được 15 đề cương kịch bản phim để "sẵn bột, gột hồ" tại trại sáng tác Tam Đảo. Đó đều là những đề cương, ý tưởng hay, hướng về chủ đề tôn vinh, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc, phê phán những hành vi sai trái, phát huy lối sống văn hóa, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội".

Lễ phát động sáng tác kịch bản về chủ đề “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch”.


Trong 15 đề cương kịch bản phim được tuyển chọn dự hội trại, có 7 đề cương phim truyện, bao gồm "Một gia đình và hai chiến tuyến" (trong tổ hợp phim "Nghĩa tình đất Rồng bay", tác giả Nguyễn Thọ Ninh); "Những nàng dâu Hà Nội" (tập 1 của Nguyễn Thị Thoa, tập 2 của Nguyễn Trung Hậu), "Có một điệu xòe - Nhớ" (Nguyễn Hiếu); "Tìm nơi bình yên" (Tống Phương Dung), “Tình Cao Bằng” (Nguyễn Thiên Việt), "Bài ca không còn dang dở" (Đặng Hiển). Còn lại là các kịch bản phim tài liệu, gồm "Tổ quốc trong tim" (Mai Vũ), "Sắc hương Hà Nội" (Nguyễn Sỹ Chung), "Một góc thu Hà Nội" (Trần Trọng Kỳ), "Không được lãng quên" (Nguyễn Thị Thanh Loan), "Ngõ nhỏ sâu lắng" (Nguyễn Hà Bắc), "Con đường đã chọn" (Phạm Minh Lợi); cùng hai đề cương thuộc thể loại khác của tác giả Vũ Kim Dũng và Đặng Thu Hà.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhà văn, nhà biên kịch Mai Vũ nói: "Là một người con của Hà Nội, tôi thực sự lưu luyến với giá trị tinh hoa của văn hóa Hà Nội. Nét tinh hoa ấy vẫn ẩn chứa đâu đó mỗi ngày, trong những câu chuyện đời thường, nhưng nếu được khơi lên qua ngôn ngữ điện ảnh, tôi nghĩ sẽ có tác động rất tích cực".

Nói thêm về ý tưởng của mình, nhà biên kịch Mai Vũ kể một câu chuyện cụ thể. Tại khu phố ông ở có những điểm vứt rác được hình thành một cách tùy tiện, lâu ngày thành "núi rác", rất mất vệ sinh. Thấy vậy, có người đề biển: "Chỉ có chó mới vứt rác ở đây", kết quả là... rác càng nhiều hơn. Tấm biển được đổi lần nữa, thành "Chỗ này là chỗ cho chó đổ rác". Tình hình vẫn không khác gì. Cuối cùng, có một người cao tuổi chuyển nhà từ phố cổ về ở ngôi nhà gần đống rác đó. Ông quan sát, rồi mang ra một tấm biển có dòng chữ: "Đừng vứt rác! Hãy giữ sạch môi trường, giữ phúc đức cho con!". Từ đó, người ta không đổ rác ở đó nữa. Sự tinh tế trong ngôn ngữ, lời ăn, tiếng nói bao giờ cũng có giá trị!

Không thể "sáng tác cho vui"

Đau đáu sáng tác rồi tác phẩm bị... xếp tủ, đó là mối lo có thật của nhiều nhà biên kịch, đạo diễn. Nhà quay phim, đạo diễn Đan Thiết Thụ bày tỏ: "Sáng tác kịch bản với chủ đề "Người Hà Nội văn minh, thanh lịch" là một cách để hiện thực hóa chủ trương lớn của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng con người Hà Nội luôn giữ được nếp sống văn hóa, đậm tình người trong dòng chảy cuộc sống gấp gáp thời công nghệ số. Với đội ngũ hội viên đông đảo, tài năng, chúng tôi đang có rất nhiều kịch bản hay, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn đầu tư sản xuất. Đừng để xảy ra tình trạng sáng tác… cho vui, tiếc lắm!".

Chung nỗi niềm "viết ra mà không được sử dụng, khó chịu lắm!", nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Sĩ Chung, tác giả đề cương kịch bản "Sắc hương Hà Nội" bộc bạch: "Có những câu chuyện vô cùng tuyệt vời về sự lan tỏa tinh hoa văn hóa Hà Nội. Như câu chuyện về dấu ấn người Hà Nội làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt, góp phần mang hình ảnh đẹp của Việt Nam ra thế giới. Ít ai ngờ rằng ở buổi đầu quy hoạch Đà Lạt thành "Thành phố ngàn hoa", chính những nghệ nhân trồng hoa tài năng của làng hoa Nghi Tàm - Quảng Bá đã được lựa chọn, được nhận chế độ đãi ngộ đặc biệt để đến Đà Lạt lập nghiệp, nghiên cứu trồng hoa, trồng rau, góp công đưa hương sắc Hà Nội lan tỏa khắp cả nước. Nếu câu chuyện ấy được đưa lên phim, hiệu ứng sẽ rất tích cực, để ta thêm hiểu, thêm tự hào về những con người Hà Nội tài hoa".

Ở một góc độ khác, đạo diễn Đào Duy Phúc nói: "Là thành viên của Hội đồng Thẩm định kịch bản điện ảnh, tôi nghĩ Cục Điện ảnh cũng như các đài truyền hình - ví dụ như Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, đang rất cần những kịch bản hay, những tư liệu quý, ý nghĩa, mang đậm hơi thở cuộc sống như vậy. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho những người viết kịch bản, bởi sựa lựa chọn chỉ đến với những tác phẩm hay".

Đó là cách đặt vấn đề xác đáng bởi từ "rất cần" đến biến kịch bản thành tác phẩm điện ảnh là một câu chuyện khác. Điều kiện tiên quyết vẫn phải là giá trị thực sự, tính nhân văn, tình người được thể hiện trong tác phẩm. Sau nữa là sự năng động, linh hoạt "tiếp thị" để những kịch bản hay tìm được đúng địa chỉ đầu tư - như các “nhà đài” vốn cần nhiều phim hay để đáp ứng nhu cầu của khán giả, hoặc tìm được nơi đặt hàng với nguồn kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn vốn xã hội hóa dồi dào. Trong bối cảnh ấy, việc TP Hà Nội đề ra kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những chỉ tiêu rõ ràng về phát triển công nghiệp điện ảnh chắc chắn góp phần khích lệ, khơi dậy tiềm năng sáng tác của văn nghệ sĩ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh khơi lên vẻ đẹp người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.