Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để “dẹp loạn” thi sắc đẹp?

Thụy Du| 05/12/2017 06:49

(HNM) - Liên tiếp các cuộc thi hoa hậu, người đẹp diễn ra trong những tháng cuối năm. Thế nhưng đáng tiếc là

Đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa khi bão số 12 đổ bộ.


- Ông nhận định thế nào về việc "nở rộ" các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu hiện nay?

- Đúng là hiện nay có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp. Ngoài các cuộc thi ở địa phương, cấp quốc gia hay mang tính quốc tế, còn có những cuộc thi qua ảnh, trên mạng, trên truyền hình... Ngay như Sở VH-TT Hà Nội là đơn vị tiếp nhận các cuộc thi sắc đẹp tổ chức trên địa bàn và cấp phép các cuộc thi hoa khôi, cũng gặp không ít hồ sơ của các đơn vị tư nhân dưới nhiều hình thức tổ chức. Nếu cơ quan quản lý không xem xét kỹ hồ sơ, thủ tục, không sát sao kiểm tra năng lực thì số lượng các cuộc thi còn “bung nở” hơn nữa.

Điều này không chỉ kéo theo cảm giác “bội thực” nhan sắc, mà còn dẫn tới những ồn ào không đáng có do công tác tổ chức không tốt. Điển hình như việc Hoa hậu Đại dương đã chỉnh sửa nhan sắc mà vẫn được phép thi hay vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn tiến hành trong khi tại nơi tổ chức, địa phương đó đang phải chịu nhiều mất mát của cơn bão lớn...

- Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, nơi có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức những năm qua, nhưng ít khi xảy ra ồn ào không đáng có; vậy Hà Nội có bí quyết gì không, thưa ông?

- Được sự chỉ đạo, định hướng của Thành ủy, UBND thành phố, Sở VH-TT Hà Nội đã xác định, mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra trên địa bàn Thủ đô phải đúng chuẩn mực. Đối với các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, hoa khôi diễn ra trên địa bàn, Sở đều xem xét hồ sơ kỹ lưỡng, phải đầy đủ thủ tục mới được tổ chức. Quá trình cuộc thi diễn ra, Sở luôn có người giám sát, nếu vi phạm, sẽ yêu cầu dừng ngay lập tức.

- Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu trong những vụ việc vi phạm thi sắc đẹp gần đây?

- Hiện nay, các văn bản pháp luật đã quy định, hướng dẫn việc tổ chức và phân cấp quản lý các cuộc thi sắc đẹp ở từng quy mô. Nhưng các điều khoản còn thiếu chi tiết, không theo kịp thực tế nên khi xảy ra sự cố, cơ quan quản lý khá lúng túng. Một điều quan trọng nữa là các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương còn thiếu sát sao trong quá trình diễn ra các cuộc thi, chưa có sự phối hợp trong việc giám sát, quản lý các cuộc thi sắc đẹp nói riêng và hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung. Nhiều nơi còn đùn đẩy trách nhiệm. Lẽ ra, khi có sự cố, địa phương phải biết và báo cáo ngay với cơ quan quản lý trung ương là Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), sau đó, Cục sẽ thông báo đến tất cả địa phương khác để ngăn chặn những sự việc tương tự, nhưng dường như ít có quy trình chính thống như vậy. Nhiều sự việc do báo chí, truyền thông phát hiện và cơ quan quản lý “chạy theo” giải quyết.

- Vậy ông có đề xuất gì để xóa bỏ các cuộc thi sắc đẹp tổ chức không tốt?

- Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần nêu cao trách nhiệm trong quản lý, giám sát. Đối với cuộc thi sắc đẹp thuộc thẩm quyền cấp phép thì ngoài yêu cầu đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nên xem xét mục đích tổ chức. Nếu cuộc thi chỉ đem lại lợi ích cho một cá nhân hoặc nhóm cá biệt, ít ý nghĩa với xã hội thì thuyết phục đơn vị thôi tổ chức. Khi đã cấp phép thì cơ quan quản lý phải sát sao từ đầu đến cuối, nắm bắt mọi hoạt động của cuộc thi để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cơ quan tiếp nhận cuộc thi tổ chức trên địa bàn cũng cần quản lý tốt hơn, vận dụng linh hoạt chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất các phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Thứ hai, các đơn vị tổ chức thi sắc đẹp nên có trách nhiệm hơn với xã hội, đừng vì lợi ích cá nhân mà cố tình gây ra sự cố, ảnh hưởng tới sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nói chung và ý nghĩa các cuộc thi sắc đẹp nói riêng.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể, chi tiết những vấn đề trên. Tôi đề xuất, Bộ VH-TT&DL cần tổ chức hội thảo chuyên đề về thi sắc đẹp hằng năm, để các địa phương và đơn vị liên quan đóng góp ý kiến, xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, góp phần đưa lĩnh vực này hoạt động tốt hơn.

- Có ý kiến cho rằng, những cuộc thi này chỉ là hoạt động giải trí, không nên khoác “tấm áo” quá nặng cho người đăng quang. Ông có đồng tình với quan điểm ấy?

- Theo tôi, với các cuộc thi cấp quốc gia hoặc có yếu tố quốc tế thì nên đòi hỏi ở mức độ nào đấy ý nghĩa nó mang lại cho xã hội như hoạt động từ thiện, tuyên truyền bảo vệ môi trường, quảng bá vẻ đẹp địa phương hoặc đất nước… Nhưng đó phải là trách nhiệm của Ban Tổ chức và toàn bộ lực lượng tham gia chứ không phải chỉ riêng người đoạt ngôi vị cao nhất. Còn các cuộc thi sắc đẹp khác nên coi như một hoạt động giải trí, người đăng quang là người đẹp nhất, tốt nhất của cuộc thi ấy thôi. Chúng ta không nên áp cho người được đăng quang là đại diện cho nhan sắc, phẩm chất, tính cách phụ nữ Việt Nam hay đại sứ của một ngành nghề, vùng miền nào đấy… Điều này gây áp lực cho các cô gái trẻ thường nhận vương miện khi đang ngồi trên ghế nhà trường, có khi lại phản tác dụng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để “dẹp loạn” thi sắc đẹp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.