Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cương quyết di dời linh vật ngoại lai: Cần hiểu biết để tránh "lệch chuẩn" văn hóa

Hoàng Lân| 20/12/2017 13:15

(HNMO) – Sáng nay (20-12), Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã sơ kết 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL – MTNATL của Bộ VH,TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vấn đề này đã được xới lên từ nhiều năm nay khi mà tại nhiều di tích của Việt Nam đã sử dụng những linh vật lạ như sư tử đá, tỳ hưu… do hiểu biết sai lệch của cả những người quản lý di tích.


* Hà Nội từng “báo động đỏ” về linh vật ngoại lai trong di tích

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ VH,TT&DL, năm 2014, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Di sản văn hóa thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên với 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Kết quả, có 22 di tích sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam (Sư tử đá, nghê đá, đèn đá, lọ hoa, đèn thờ, tượng quan âm bạch y, lọ lục bình, cá chép nhả ngọc...) như: Chùa Gia Quất (Hà Đông, Hà Nội); Đền Tiên La (Thái Bình), Đền Trần (Thái Bình); Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương, - Quần thể Di tích Phủ Dày (Nam Định), đền Thánh Nguyễn (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình)...

Hà Nội cương quyết di dời sư tử đá ra khỏi khu di tích.


Riêng tại Hà Nội, địa phương có khối lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích, từng là “điểm nóng” của vấn đề sử dụng linh vật ngoại lại. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, những năm trước đây, nhất là hơn 10 năm trở lại đây, ở nước ta đã có phong trào cung tiến ồ ạt các hiện vật lạ vào các chùa chiền, đền miếu... Năm 2014, theo khảo sát của Sở, số quận, huyện có hiện vật “lạ” là: 28/30, tổng số sư tử đá có ở di tích: 435 sư tử đá và hiện vật.

Sở VH-TT Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện di dời những linh vật này ra khỏi di tích. Đến tháng 10-2017, thì mới có 21/30 quận, huyện, thị xã về việc tổ chức di dời hiện vật không phù hợp ra khỏi khuôn viên di tích. Trong đó có 3 quận, huyện: Mỹ Đức, Long Biên và Thanh Trì đã hoàn thành việc di chuyển các hiện vật theo thống kê ra ngoài khuôn viên di tích. Các quận huyện: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Thường Tín, Sơn Tây, Ứng Hòa đã tổ chức vận động, di dời được 180 linh vật lạ, hiện vật không truyền thống, cụ thể: 104 sư tử đá; 12 nghê đá; 12 tượng Quan Âm bạch y và 67 hiện vật không truyền thống.

Không chỉ tại Hà Nội mà tại các địa phương khác có di tích đặc biệt có nhiều di tích đền chùa như Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh… cũng từng gặp hiện tượng “loạn” linh vật trong di tích. Tại Lào Cai, công tác kiểm tra 14 di tích trên địa bàn 4 huyện của tỉnh đã phát hiện 115 hiện vật đưa vào bài trí trong di tích khi chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tại Thanh Hóa, kiểm tra tại 19 di tích trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện 471 hiện vật lạ; tại Bắc Ninh sau khi kiểm tra địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố, có 85 di tích với 199 hiện vật lạ chủ yếu là sư tử đá…

Thực trạng này đã dấy lên nhiều mối lo ngại về việc “lệch chuẩn” văn hóa trong các di tích, những nơi thờ tự của Việt Nam mà theo như lời của ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội thì đó là sự “quan ngại về một cuộc xâm lăng, lai căng văn hóa”.

* Nghê Việt với chuẩn mực về tín ngưỡng Việt


Sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL – MTNATL của Bộ VH,TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, việc di dời những linh vật ngoại lai ra khỏi di tích đã có nhiều chuyển biến, số lượng lớn linh lạ được chuyển đi. Đặc biệt, trào lưu sử dụng sư tử đá để trang trí nội, ngoại thất ở các gia đình, trụ sở công ty, nơi làm việc… gần như không còn nữa.

Mẫu nghê Việt đã được nhiều nơi áp dụng thay thế.


Dù vậy, các cơ quan quản lý văn hóa tại nhiều địa phương vẫn nhận định, công tác phát hiện, di dời, xử lý những sinh vật ngoại lại trong di tích còn nhiều bất cập, khó khăn. Một trong những lý do căn bản nhất là những người quản lý di tích chưa phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai với các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Trong buổi thảo luận diễn ra vào ngày 20-10, đại diện Sở VH-TT các tỉnh cùng chung đề nghị Bộ VH,TT&DL sớm cung cấp tài liệu nhận diện về linh vật “chuẩn” của Việt Nam. Hiện nay Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Việt Nam đã có hình ảnh hướng dẫn linh vật chuẩn của văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam là mẫu “Nghê Việt”. Ngày 19-12 vừa qua, TS Trần Hậu Yên Thế, người có nhiều năm nghiên cứu linh vật Việt đã cho ra mắt bộ sách ảnh về Nghê Việt, đây được xem là nguồn tài liệu chuẩn mực về hình ảnh linh vật Việt để các nhà quản lý di sản có thể đối chiếu với những linh vật ngoại lai.

Theo TS Trần Hậu Yên Thế, đầu sư tử Trung Quốc phần nhiều cúi gằm xuống, trái lại, tuyệt đại đa số Nghê Việt là ngước lên hoặc ghếch mặt lên trời. Cách bài trí của nghê và sư tử cũng rất khác nhau. Tượng sư tử hướng ra ngoài, mặt đối diện với hướng người đi vào, hướng của nghê chầu hai con luôn ngoảnh mặt vào nhau. Tư thế ngồi chầu của nghê Việt khá nhất quán trong tuyệt đại đa số các di tích từ Bắc vào Nam.

TS Trần Hậu Yên Thế khẳng định, việc sử dụng linh vật tại các di tích, di sản cần phải được chuẩn chỉnh lại bởi nó không chỉ thể hiện tinh thần, hồn cốt của văn hóa Việt mà còn tránh sự lệch lạc trong hiểu biết văn hóa đối với người dân.

Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và cương quyết hơn trong việc di dời linh vật ngoại lai, sản phẩm lạ ra khỏi các di tích, thay thế vào đó là những mẫu linh vật Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cương quyết di dời linh vật ngoại lai: Cần hiểu biết để tránh "lệch chuẩn" văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.