Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự chuyến biến đáng ghi nhận

Thanh Thủy| 01/01/2018 06:49

(HNM) - Được lựa chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu của TP Hà Nội năm 2017, sau một năm đi vào cuộc sống, Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội đã tạo nên sự chuyển biến đáng ghi nhận.

Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Ảnh:Viết Thành


Việc tốt lan tỏa

Ông Nguyễn Thế Lợi, trú tại tập thể Quỳnh Mai (Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng), kể câu chuyện mà ông được chứng kiến trên chuyến buýt số 30 (tuyến Mai Động - Bến xe Mỹ Đình) vào ngày 15-9-2017. Đó là khi thấy một hành khách lớn tuổi quên mang vé tháng, lại quên mang cả tiền, nhân viên bán vé đã chủ động ứng tiền cho khách với thái độ nhã nhặn.

Ông Lợi nói: “Hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện văn hóa, lối ứng xử nhân văn của người nhân viên khiến tôi không thể không cảm động. Tôi đã liên hệ với Tổng công ty Vận tải Hà Nội để khen ngợi và xác định được đó là nhân viên Nguyễn Tiến Hiển ở Xí nghiệp Vận tải Thăng Long. Tôi nghĩ, những hình ảnh, việc làm như thế không chỉ gây thiện cảm cho người đối diện, mà còn góp phần nhân thêm nhiều việc làm hay, hành động tốt trong xã hội, như những gì mà chúng ta đang hướng tới”.

Nhận nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm), anh Lê Văn Chung (nhân viên phòng Thống kê) luôn giữ thái độ hòa nhã, tinh thần trách nhiệm khi tiếp xúc với người dân. Vừa tận tình với công việc, vừa có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, anh Chung được nhiều người ghi nhận tinh thần làm việc tại sổ góp ý của phường.

Chị Kiều Thu Anh (thôn Đình Quán, phường Phúc Diễn) nhận xét: “Anh Chung rất nhiệt tình. Nhiều người không hiểu, hỏi lại, anh Chung luôn nhẫn nại, nhẹ nhàng giải thích. Mong rằng thành phố có nhiều cán bộ tốt như thế, góp phần lan tỏa văn hóa ứng xử trong các cơ quan hành chính”.

Trong những ngày này, Đoàn Thanh niên Công an quận Tây Hồ bắt đầu lên phương án trông giữ xe miễn phí tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An) vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Đây là hoạt động đã được duy trì trong nhiều năm qua, tạo được ấn tượng tốt trong dư luận. Từ một điểm di tích có hoạt động trông xe lộn xộn và quá tải, nhờ sáng kiến này, tình trạng trên đã cơ bản chấm dứt, tạo tâm lý thoải mái cho người dân du xuân, hành lễ.

Đại úy Nguyễn Văn Thành, Đội phó Đội Tham mưu, Công an quận Tây Hồ chia sẻ: Dù phải căng sức thay phiên nhau giám sát tại bãi xe, lúc cao điểm có khi lên tới hàng chục nghìn đầu xe nhưng mọi đoàn viên đều phấn chấn bởi cảm nhận rõ sự hài lòng của người dân. Đó cũng chính là mục đích ban hành quy tắc ứng xử của TP Hà Nội.

Tạo sức bền cho phong trào

Sau một năm triển khai, có thể thấy, cụm từ “quy tắc ứng xử” đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Ý thức giữ gìn, chấn chỉnh hành vi từ gia đình, công sở tới ngoài xã hội được nâng lên. Những “bún mắng, cháo chửi” được kịp thời chấn chỉnh. Hành vi ném rác bừa bãi được cộng đồng tích cực nhắc nhở… Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều việc làm tốt, hành động đẹp. Điều này cho thấy quy tắc ứng xử đã thực sự bước đầu phát huy tác dụng.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhận xét: “Việc triển khai hệ thống quy tắc ứng xử đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị ở tất cả các cấp, ngành trong thành phố. Sau một năm, tất cả các địa phương, sở, ngành đều có báo cáo về công tác triển khai quy tắc ứng xử với kết quả bước đầu, dù còn một vài “hạt sạn” nhưng cơ bản đã tạo nên chuyển biến rõ rệt từ ý thức đến hành động của mỗi người. Để có được kết quả bền vững thì cần phải có thời gian để mọi người “ngấm” và làm theo. Quan trọng nhất là phải kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền, vận động".

Trong năm mới 2018, Sở VH-TT sẽ triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể để quy tắc ứng xử tới từng người dân, đồng thời tham mưu với UBND TP Hà Nội giao trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, từng tổ chức, đoàn thể. Ví dụ: Các hội phụ nữ lo triển khai ứng xử văn minh ở các khu chợ; nhà trường lo giáo dục, tuyên truyền cho học sinh; đoàn thanh niên phụ trách xây dựng văn hóa giao thông, xóa bỏ thói quen nói tục trong giới trẻ…

Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức kiến nghị: Thành phố Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó có kế hoạch tuyên truyền quảng bá phù hợp, tập trung vào định hướng nếp sống đô thị, ứng xử vì lợi ích cộng đồng, khai thác hiệu quả yếu tố giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khen thưởng người tốt, việc tốt cũng như kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống; thường xuyên đối thoại với người dân, nghiên cứu sự chuyển dịch giá trị và hành vi giữa các thế hệ để tìm giải pháp hiệu quả.

Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, để tạo được chuyển biến trong nhận thức thì trước hết phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền, hình thành nếp làm gương từ người lớn trong gia đình, nhà trường, cộng đồng. Cần có giải pháp cụ thể, đồng bộ giữa các ngành, xác định đâu là vấn đề rường cột của văn hóa người Hà Nội mà xây dựng những tiêu chí, hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu để người dân thực hiện. Với quyết tâm của chính quyền, ý thức trách nhiệm của nhân dân, tin rằng truyền thống hào hoa, lối ứng xử thanh lịch, văn minh sẽ tiếp tục được bồi đắp, nhân lên cùng chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự chuyến biến đáng ghi nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.