Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận thêm hiện vật, tài liệu cho phương án trưng bày

Hoàng Lân| 04/01/2018 12:00

(HNMO) – Sáng nay (4-1), Bảo tàng Hà Nội tổ chức lễ tiếp nhận thêm các hiện vật, tài liệu do các tổ chức cá nhân trao tặng. Đây là hoạt động ý nghĩa phục vụ cho mục đích trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội vào năm 2019.

Nhạc sĩ Đỗ Lập tặng lại Bảo tàng Hà Nội chiếc xe máy đã cùng ông rong ruổi trong 3 năm đến các vùng, miền để sưu tầm chữ ký của nhiều người dân Việt Nam thắp lên tình yêu biển đảo quê hương.


Trong số hiện vật này, nhạc sĩ Đỗ Lập, quê huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang đã trao tặng lại Bảo tàng bản gốc 12 cuốn sổ thu thập 100.000 chữ ký và chiếc xe máy đã đồng hành cùng ông trong suốt hành trình trên mọi miền đất nước. Đây là những hiện vật được nhạc sĩ thực hiện trong 3 chuyến xuyên Việt để xin chữ ký người dân khắp mọi miền Tổ quốc thể hiện tình yêu và chủ quyền biển đảo của người dân Việt Nam, qua đó lan tỏa hơn nữa ý nghĩa chủ quyền “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”. Sau khi trao tặng bản gốc 12 cuốn sổ này, nhạc sĩ Đỗ Lập sẽ thực hiện sao 10 bản để gửi tặng cho các chiến sĩ hải quân Việt Nam.

Ông Quách Văn Địch (Long Biên, Hà Nội), một người sưu tập đồ cổ ở Hà Nội trao tặng Bảo tàng đôi mỏ neo được trục vớt từ đáy sông Hồng sau 20 năm gìn giữ và bảo quản. Đôi mỏ neo này từng được trả giá gần 3 tỉ đồng nhưng ông Quách Văn Địch vẫn quyết định tặng cho Bảo tàng với mong muốn đóng góp thêm giá trị văn hoá cho Hà Nội.

Tại buổi trao tặng, ông Địch cho biết, giá trị của những hiện vật không thể tính được, nhưng cái mà những nhà sưu tầm muốn gửi gắm là để cho con cháu mai sau hiểu hơn giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội. Đôi mỏ neo gợi nhớ rằng, Hà Nội từng có thương cảng lớn ở sông Hồng.

12 cuốn sổ lưu lại chữ ký, bút tích của gần 100.000 người dân Việt Nam do nhạc sĩ Đỗ Lập sưu tập.


Những hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội lần này còn có 12 bức phù điêu Thập diện Diêm Vương niên đại thế kỷ 19 của ông Nguyễn Hải Triều – Hội sưu tầm nghiên cứu gốm và cổ vật Thăng Long – Hà Nội; 83 cổ vật của ông Nguyễn Thanh Nam – Trưởng Ban Quản lý tôn tạo di tích lịch sử văn hoá Tể tướng – Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài; 24 hiện vật của ông Nguyễn Quý Hằng, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm.

Trả lời HNMO, ông Nguyễn Thanh Nam tâm sự rằng, đối với một nhà sưu tầm, chưa bao giờ đo đếm được hết giá trị của những hiện vật mà mình sở hữu. Bởi có những hiện vật, ông phải mất cả tháng trời lăn lộn tìm kiếm thậm chí thương thuyết để mua lại; có những hiện vật gặp duyên lại sở hữu được; có những hiện vật được trả giá hàng trăm triệu nhưng không bán…

“Nay tôi quyết định tặng lại Bảo tàng Hà Nội 83 cổ vật, chủ yếu là đồ gốm trải dài từ thời Lý, Trần, Lê đến thời nhà Nguyễn với mong muốn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của cha ông cho thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Thanh Nam chia sẻ.

Những cá nhân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội.


Đại diện Bảo tàng Hà Nội cho biết, để thực hiện tốt công tác trưng bày theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã tiến hành các cuộc vận động trao tặng hiện vật từ năm 2010. Trong 5 năm (từ 2010 – 2015) với hai cuộc vận động, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận được 5.000 hiện vật, tài liệu của các cá nhân, tổ chức trao tặng. Trong hai năm 2015 – 2016, Bảo tàng Hà Nội tiếp tục tiếp nhận 254 tài liệu, hiện vật do cá nhân, tổ chức trao tặng; 725 tài liệu, hiện vật do các cơ quan bàn giao.

Năm 2017, Bảo tàng tiếp nhận được thêm các hiện vật, tài liệu quý từ Bảo tàng lịch sử công an (5 hiện vật), các cá nhân gồm: ông Nguyễn Thanh Nam (83 cổ vật), Quách Văn Địch (2 mỏ neo cổ), Vương Tuấn Thân (15 hiện vật, một cá nhân trao tặng 120 hiện vật trong bộ sưu tập cổ liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của người nông dân vùng ven đô ngoại thành Hà Nội, GS Ejima Akijoshi (Nhật Bản) với mô hình cổng làng Mông Phụ…

Tại buổi trao tặng hiện vật, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến năm 2019, Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành xong công tác trưng bày. Việc trao tặng, đóng góp các hiện vật của các tổ chức, cá nhân đối với Bảo tàng Hà Nội đều rất đáng quý. Bảo tàng Hà Nội dự định sẽ tổ chức thành những chuyên đề để trưng bày trong đó sẽ có chuyên đề về biển đảo quê hương, nhằm giáo dục thế hệ trẻ thêm tình yêu quê hương đất nước, ý thức về chủ quyền biển đảo dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận thêm hiện vật, tài liệu cho phương án trưng bày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.