Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người trẻ giữ gìn tranh dân gian

Thụy Du| 14/01/2018 07:27

(HNM) - Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống tưởng chỉ có trong ký ức của những người đứng tuổi, việc gìn giữ những dòng tranh dân gian ấy lâu nay là nỗi trăn trở của những gia đình tâm huyết ở các làng nghề.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam bên một tác phẩm vẽ lại tranh dân gian.


Dịp gần Tết Nguyên đán năm ngoái, chàng sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Xuân Lam mở triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” gồm những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống được nhìn qua lăng kính mới. Nghệ sĩ trẻ cho biết, những bức tranh dân gian có họa tiết, tạo hình rất đẹp, chứa đựng nhiều giá trị, nhưng do công nghệ in thô sơ và chỉ tồn tại dưới một dạng duy nhất nên khó có được sự chú ý. Xuân Lam vẽ lại tranh bằng công nghệ đồ họa hiện đại, táo bạo thay đổi màu sắc, thậm chí là kích cỡ để bức tranh "níu" chân người xem.

Những hình ảnh “Gà trống và hoa hồng”, “Cá đàn”, “Quan võ”, “Bà Triệu”, “Thánh Gióng”, “Ngũ hổ”… tươi mới khi ấy không chỉ đưa những người đứng tuổi trở về với ký ức xưa mà còn thu hút nhiều bạn trẻ tìm hiểu, khám phá. Trong số đó có Nguyễn Việt Nam, Giám đốc Công ty Tired City. Là một người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang phục, tranh in đáp ứng thị hiếu của khách du lịch và giới trẻ, Nguyễn Việt Nam cũng ấp ủ dự định về những bộ sản phẩm vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Hai người đã cùng bắt tay nhau để thổi hồn xưa vào trong đời sống hôm nay.

Sau một năm hợp tác, Nguyễn Xuân Lam cùng Nguyễn Việt Nam đã ứng dụng thành công đồ họa từ bộ “Vẽ lại tranh dân gian” trên chất liệu vải, giấy, bìa... Những chiếc áo khoác, áo phông thời trang có in hình “Ngũ hổ”, “Chim hạc”, “Thánh Gióng”, “Cá đàn”, “Thần tướng”, "Gà trống và hoa hồng"… trở thành sản phẩm thời thượng, được các bạn trẻ săn lùng trong hơn một tuần qua. Bên cạnh đó, những cuốn sổ tay, túi xách, bưu thiếp, phong bao lì xì… có họa tiết tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ cũng đang dần xuất hiện trên tay những người trẻ.

Giống như Nguyễn Xuân Lam, trong quá trình đi thực tế tìm chất liệu, nhà thiết kế trẻ Trịnh Thu Trang - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đã được nhìn thấy những bức tranh tại nhà nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên. Ngay lập tức Thu Trang bị chinh phục bởi màu sắc, họa tiết và cách tạo hình vô cùng sống động của dòng tranh này.

“Là do hiếm người được biết đến tranh thật, được nhìn từng đường nét, sự hòa quyện màu sắc trong tranh nên chưa mê đắm”, Thu Trang nói. Nhà thiết kế trẻ cũng nhận ra rằng, chỉ còn truyền nhân duy nhất thì dòng tranh này sẽ dần mai một…

Như có gì đó thôi thúc phải hành động, Thu Trang cùng một số bạn bè, đồng nghiệp trẻ thực hiện dự án “Họa sắc Việt”. Với sự giúp đỡ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê, Trịnh Thu Trang đã từng bước số hóa, tư liệu hóa màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Chúng có thể dễ dàng ứng dụng vào các thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất, thủ công, mỹ nghệ hiện đại.

Trịnh Thu Trang đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng để cho ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”. Dự kiến, “kho nguyên liệu truyền thống dành cho ngành thiết kế” này sẽ ra mắt vào tháng 3 tới.

Trước đó, dự án “Hoa văn Đại Việt” sưu tầm, xuất bản và cung cấp hoa văn cổ Việt Nam dưới dạng số hóa cho những người làm thiết kế cũng do những bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống thực hiện. Và, khi nghe Nguyễn Việt Nam tâm sự “khác những dự án trước, với tranh dân gian, mình cảm thấy được kết nối nhanh chóng, càng làm càng hứng khởi và tự hào”, có thể tin rằng sẽ còn nhiều người trẻ tha thiết với nét đẹp văn hóa dân gian, tiếp tục tìm cách lưu giữ, quảng bá giá trị truyền thống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người trẻ giữ gìn tranh dân gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.