Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi cán bộ văn hóa phải là một “thuyết phục viên”!

Mai Hoa thực hiện| 14/01/2018 08:15

(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động lại nhấn mạnh thông điệp trên, bởi trên thực tế không phải ai cũng đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa như một nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Đặng Thị Bích Liên cùng lãnh đạo TP Hà Nội và cán bộ văn hóa tham quan các di tích tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


- Ông có thể nói rõ hơn về thông điệp “Mỗi cán bộ văn hóa phải là một thuyết phục viên”?

- Tôi mong muốn mỗi cán bộ văn hóa luôn năng động, sáng tạo, thực sự là một “thuyết phục viên” trong việc huy động sự quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất rõ, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, xếp yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế và các lĩnh vực quan trọng khác. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhưng thực tế cho thấy còn có người, có nơi chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa.

Chúng ta tăng cường công tác xã hội hóa nhưng đừng coi nhẹ vai trò của văn hóa. Nếu mất một doanh nghiệp, ngày mai có thể có nhiều doanh nghiệp khác ra đời. Nhưng nếu mất đi nền tảng văn hóa, hậu quả về lâu dài khó có thể đong đếm được. Các cán bộ văn hóa cần kiên trì, bền bỉ vận động các cấp, ngành, nhân dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa, chung tay huy động nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

- Nói đến việc huy động nguồn lực, không thể không nói đến nguồn lực xã hội hóa, thưa ông?

- Hơn ai hết, mỗi “thuyết phục viên” cần phải hiểu đúng về xã hội hóa. Như với các thiết chế văn hóa, xã hội hóa không đồng nghĩa với việc để nhà đầu tư biến thiết chế thành thứ khác, mà phải là dùng nguồn lực từ nhà đầu tư để hỗ trợ thiết chế đó hoạt động hiệu quả hơn. Không thể thấy thiết chế văn hóa hoạt động thiếu hiệu quả thì xóa sổ nó và thay bằng trung tâm thương mại hay những công trình kinh tế... Đáng mừng là trong thời gian qua, Hà Nội đã từng bước thực hiện tốt chủ trương giữ gìn, nâng cấp các thiết chế văn hóa, mời gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa.

- Chúng ta đang trong giai đoạn cần tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhân câu chuyện về thiết chế văn hóa, ông có thể cho biết hướng triển khai thực hiện nhiệm vụ này của ngành Văn hóa Hà Nội?


- Chủ trương “sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu” rất chuẩn xác, nhưng việc xác định như thế nào là tiêu biểu đòi hỏi vai trò định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bởi thực tế ở Hà Nội có 6 nhà hát, chúng tôi thấy cái nào cũng quan trọng, cần thiết cả. Xác định cái nào tiêu biểu để giữ lại, rồi tính việc hợp nhất các đơn vị còn lại với trung tâm văn hóa thành một đầu mối. Đây là vấn đề cần phải tính toán kỹ càng. Bởi trung tâm văn hóa chuyên về nghệ thuật quần chúng, còn các nhà hát chuyên về nghệ thuật chuyên nghiệp. Hai lĩnh vực khác hẳn nhau, nay đưa vào một mối thì phải tính toán kỹ mới được.

- Triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông có đề cập đến việc số hóa các món ăn đặc sản của Hà Nội…?

- Đúng vậy. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên tiến hành kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể một cách bài bản, trong đó có hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê và số hóa hoàn chỉnh. Quy trình kiểm kê được tổ chức theo hướng dẫn của UNESCO, là xuống tận nơi, gặp trực tiếp người thực hành di sản, huy động họ cùng vào cuộc chứ không phải là đếm số lượng. Hồ sơ các di sản này được in thành sách và chúng tôi đang số hóa toàn bộ tài liệu này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát huy giá trị di sản.

Trước mắt, chúng tôi tập trung vào việc số hóa 81 món ăn đặc sản của Hà Nội đã được kiểm kê. Sắp tới, Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực kết hợp lễ hội trái cây để giới thiệu rộng rãi các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, coi đây như một nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể. Lễ hội này sẽ diễn ra vào quý I năm 2018...

- Ông nghĩ gì về việc tạo ra những sản phẩm văn hóa đặc sắc, qua đó hỗ trợ du lịch phát triển?

- Những sản phẩm du lịch tạo dấu ấn bền vững chính là các sản phẩm xuất phát từ văn hóa. Trong bối cảnh điều kiện hạ tầng du lịch của nước ta chưa bằng nhiều quốc gia khác, điểm tạo nên sự khác biệt chính là các sản phẩm văn hóa riêng có của Thủ đô, của Việt Nam. Tại Hà Nội, ngành Văn hóa đang tập trung vào một số sản phẩm văn hóa - du lịch có tiềm năng. Ví như quy hoạch khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một sản phẩm du lịch nhưng vẫn bảo tồn được giá trị văn hóa. Hay như di tích Hỏa Lò khi được nâng cấp, hướng mạnh về du lịch thì lượng khách đến rất đông, doanh thu đã tăng gấp rưỡi. Đền Ngọc Sơn cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp nhằm phục vụ khách du lịch...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi cán bộ văn hóa phải là một “thuyết phục viên”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.