Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng chảy văn hóa Hà Nội: Luôn được gạn đục, khơi trong!

Thanh Thủy| 14/02/2018 07:14

(HNM) - “Tôi tin bộ quy tắc ứng xử sẽ là hướng đi đúng cho mọi người dân biết yêu thương, có trách nhiệm với việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa, cốt cách, tinh thần Hà Nội”...

Thăng Long - Hà Nội tụ hội bốn phương

- Thưa bà, có thể hình dung sự bồi đắp, định hình nên vẻ đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội với những phẩm chất hào hoa, thanh lịch… như thế nào?

- Kể từ cuộc dời đô lịch sử cách đây hơn nghìn năm, Hà Nội được nhận diện là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị đặc sắc của nhiều vùng, miền trên cả nước. Thăng Long - Hà Nội với một dòng chảy của lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, danh nhân, nghề truyền thống, thi ca, nghệ thuật… Quá trình ấy đã góp phần bồi đắp, hình thành nền tảng văn hóa, tạo nên cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, trong đó nổi bật là phẩm chất thanh lịch, văn minh, lối ứng xử hài hòa, tôn trọng thiên nhiên và cộng đồng xã hội...

Quy tắc ứng xử sau một năm triển khai góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân. Ảnh: Anh Tuấn


Có được như vậy là bởi, Thăng Long - Hà Nội, dẫu là đất kẻ chợ, nhưng là kẻ chợ thuần túy của nền văn hóa lúa nước với nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng trồng cấy, lấy sự hài hòa giữa trời, đất và con người làm gốc. Những tinh hoa ấy từ các vùng, miền theo người tứ xứ tụ hội về đây học hành, khởi nghiệp…, tiếp tục chịu sự chắt chiu, sàng lọc, dẫn dắt của môi trường văn hóa giàu nội lực, tạo nên nếp sống, cung cách ứng xử có phần yêu cầu cao hơn, chặt chẽ, khắt khe hơn so với cộng đồng thuần túy nông nghiệp. Nói vậy để thấy, nền tảng văn hóa Thăng Long - Hà Nội không tự nhiên mà có, cũng không có nghĩa nhất thành, bất biến. Nó luôn trong quá trình gạn đục, khơi trong, tiếp nhận và đào thải để chọn ra lối ứng xử phù hợp nhất.

- Những thách thức ấy dường như đang bộc lộ rõ nét hơn?

- Đúng vậy! Khoảng ba, bốn thập niên trở lại đây, cộng đồng và truyền thông lên tiếng nhiều về vấn đề văn hóa truyền thống đang có những dấu hiệu phôi pha do lối ứng xử xô bồ, lệch chuẩn, lối sống “trên tiền”, sự xem nhẹ giá trị đạo đức của một bộ phận người dân… Những hiện tượng chướng tai, nghịch mắt, như: “Bún mắng, cháo chửi”; xả rác bừa bãi; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; lộn xộn, chen lấn, tranh cướp tại nơi thờ tự… xuất hiện ngày một nhiều.

Những cung cách ứng xử như thế không được cảnh báo thường xuyên, qua thời gian tích tụ thành thói quen, thành chuyện bình thường... trong xã hội. Điều này rất nguy hiểm, dễ dẫn đến sự bào mòn nền tảng văn hóa, những giá trị tốt đẹp mà cộng đồng đang sở hữu.

- Nguyên nhân của những hiện tượng này là gì, thưa bà?

- Theo tôi, thực trạng này không bắt nguồn từ nguyên nhân đơn lẻ, mà đến từ nhiều phía: Thực tế phát triển với quá trình đô thị hóa kéo theo dòng chuyển cư ồ ạt; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; quá trình tiếp nhận văn hóa một cách dễ dãi trong xu thế hội nhập...

Có một cách kiến giải khác cũng đáng để suy nghĩ. Đó là sự lúng túng của cộng đồng trong giai đoạn có sự thay đổi về không ít giá trị. Văn hóa ứng xử vì vậy có nơi, có lúc bị xem nhẹ, cả ở trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Đây thực sự là vấn đề quan trọng và cấp bách, cần có sự định hướng, nhưng cũng không nên quá bi quan về điều này.

Văn hóa Hà Nội vẫn luôn được chắt lọc, đắp bồi


- Theo bà, vì sao không nên quá bi quan về điều này?

- Không phải tự nhiên mà nước ta với hơn nghìn năm Bắc thuộc vẫn giữ nguyên được ngôn ngữ và phong tục tập quán. Hà Nội trải qua hơn nghìn năm lịch sử với bao binh biến, thăng trầm, vẫn vang danh cốt cách “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”... Những giá trị được bảo toàn đến ngày hôm nay, chắc chắn cũng đã trải qua quá trình gạn đục, khơi trong dòng chảy văn hóa suốt chiều dài lịch sử.

Hà Nội vẫn như thuở nào với đặc trưng kết tinh, hội tụ và lan tỏa. Sự va đập, xung đột giữa những giá trị, quan niệm trong tính cách, lối ứng xử hiện giờ có thể tạo nên những tiếp biến văn hóa nhưng nền tảng, cái lõi văn hóa Hà Nội vẫn bền bỉ và đầy sức sống.

- Vậy, cần làm gì để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa, phẩm chất, tinh thần Hà Nội?

- Chưa bao giờ, cụm từ “quy tắc ứng xử” lại xuất hiện với tần suất nhiều như hiện nay, chứng tỏ những nỗ lực của Thủ đô trong xây dựng văn hóa ứng xử đã ít nhiều tác động lên ý thức, tình cảm của người dân.

Để hệ thống quy tắc ứng xử phát huy hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với những cách làm linh hoạt, sáng tạo và những cá nhân, tổ chức làm tốt cần được kịp thời khen thưởng. Ngược lại, nếu vi phạm phải nhắc nhở, xử lý nghiêm… Làm được như vậy, chỉ cần thêm yếu tố thời gian để người dân có độ ngấm, rèn luyện, hình thành nên thói quen. Khi nhiều người cùng làm việc tốt và việc tốt xuất hiện khắp nơi cũng là lúc hệ thống quy tắc ứng xử sẽ trở thành văn hóa ứng xử tự nhiên của mỗi người.

- Cơ sở nào để bà tin tưởng như vậy?


- Tìm một hình hài năng động và phù hợp thời đại cho văn hóa ứng xử của Hà Nội không phải là việc bất khả thi. Chẳng hạn, ở các ngã tư tôi thấy nhiều bạn trẻ cầm tấm biển nhắc nhở “Đèn đỏ tắt máy”; ngày lễ, Tết, tôi vẫn thấy họ lặng lẽ nhặt rác ở hồ Hoàn Kiếm. Những ấm trà, tủ bánh, quán cơm… miễn phí, điểm giao nhận quần, áo từ thiện… được đặt nhiều trong thành phố, có thể làm lay động cảm xúc bất kỳ ai.

Cũng trong giai đoạn này, tôi cảm nhận được sự bung nở những hành động vì cộng đồng như cành cây căng đầy chồi non mỗi dịp Xuân về. Không phải hành động cá biệt mang tính thời điểm, mà là những dự án dài hơi với sự tham gia của cộng đồng người trẻ tuổi ngày một lớn, mạnh hơn. Đó là những công trình “biến bãi rác thành vườn hoa” làm sạch, đẹp không gian công cộng; Dự án tái chế xà phòng, vải qua sử dụng cho người nghèo… Điều đó cho thấy, dù sống trong thời đại số hóa, những tấm lòng vì cộng đồng vẫn luôn được cổ xúy và cái đẹp, cái thiện vẫn luôn đứng vững trong xã hội.

Mỗi người, mỗi ngày cố gắng khơi lên cái tốt, xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn, bởi suy cho cùng, “hệ miễn dịch văn hóa” phụ thuộc vào độ bền chắc của những sợi dây gắn kết cộng đồng. Những điều này sẽ tiếp thêm niềm tin về một cái kết đẹp của hành trình bồi đắp nét đẹp văn hóa ứng xử của người Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy văn hóa Hà Nội: Luôn được gạn đục, khơi trong!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.