Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hương mùi già chiều cuối năm

Hoàng Lân| 14/02/2018 07:36

(HNMO) - Không biết phong tục tắm nước lá mùi già vào chiều 30 Tết có tự bao giờ nhưng nét đẹp truyền thống này đến nay vẫn được lưu giữ như một điều không thể thiếu trong ngày Tết.

Tắm nước lá mùi già ngày cuối năm trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hoá đón Tết truyền thống của người Việt.


Theo quan niệm của nhiều người, tắm nước lá mùi nhằm ý nghĩa xua tan đi những chuyện không hay, những bụi trần trong suốt một năm để chuẩn bị đón một năm mới đầy ý nghĩa. Trong Đông y, rau mùi có tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thực, chống mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe. Có lẽ, cùng vì những tác dụng như một vị thuốc dân gian, lại thêm hương thơm tinh khiết, nhẹ nhàng, có thể lưu giữ lâu nên bao đời nay, cây mùi già được các thế hệ người Việt Nam dùng để xông nhà cửa, tắm gội vào chiều cuối năm.

Mùi là cây rau của mùa đông. Thường cứ vào cuối đông, người nông dân reo hạt mùi, sau cây mùi nhanh chóng đơm những nụ hoa trắng li ti, kết những chùm quả nhỏ. Khi ấy, người nông dân cắt mùi sát tận gốc, bó thành từng nắm nhỏ mang ra chợ bán. Những gánh mùi già xuất hiện ở chợ dân sinh vào khoảng 27 Tết, rồi rộ lên bán vào ngày 29, 30 Tết. Một mớ mùi già được bán với giá khoảng 3 ngàn đồng, có khi là 10 ngàn 3 bó, hoặc gặp lúc người bán vội về để kịp đoàn viên gia đình có thể vừa bán vừa tặng người mua. Ra Giêng, nhiều người vẫn gánh cây mùi đi bán.

Cây mùi già ngày Tết có hoa trắng li ti và từng chùm quả nhỏ.


Cây mùi già có đặc trưng thơm lâu, từ lá, hoa, quả đến rễ đều có thể tạo hương thơm. Bởi thế, khi nấu nước lá mùi nên để nguyên rễ, rửa sạch. Không cần cho quá nhiều lá mùi, chỉ cần 2 bó mùi nhỏ nồi nước tắm vẫn sóng sánh một mùi hương nhẹ nhàng, bền lâu. Nhiều người kỹ tính đun lá mùi còn phải để sôi lăn tăn trên bếp độ mươi, mười lăm phút mới tắt bếp để hương thơm lan toả, xông vào từng ngõ ngách trong nhà.

Chiều 30 Tết, khi các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm đoàn viên, mùi thơm thanh khiết, dịu nhẹ của nồi nước lá bay ra, lan toả khắp căn nhà dễ khiến lòng người nhẹ nhõm, bao mệt mỏi, buồn bực được xua tan biến. Nhà cửa như thêm phần thơm tho, sạch sẽ. Các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương nhờ mùi hương đặc trưng của Tết. Với nhiều người, dù trong nhà đã sắm đủ đào, quất, thược dược, violet tím nhưng chưa có hương mùi già hình như Tết vẫn chưa trọn vẹn, Xuân hình như còn thiếu…

Ngày nay, nhiều gia đình trang bị hệ thống nhà tắm hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tắm nước lá mùi già ngày Tết, bởi đó là mùi của thiên nhiên, của đồng quê. Đôi khi với những người xa xứ, đó là mùi của ký ức, của quê hương, cội nguồn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hương mùi già chiều cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.