Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áo Tết

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân| 15/02/2018 07:00

(HNM) - Con trai Lùng là thằng Lèng. Cái thằng chả tài cán gì hơn người nhưng được cái nết giống bố là mê gái đẹp.


Thưa rồi nhưng nghĩ xù cả tóc vẫn chưa ra bạc. 

Đang trong lúc cái suy nghĩ rối như tổ bìm bịp thì thằng Lèng từ lều nương về. Nó đặt lên bàn gỗ, ngay trước mặt Lùng cái vòng vía rồi bảo Lùng mang đi trả người ta. Lùng thấy tội lỗi lắm. Vòng này đeo cổ thằng Lèng từ thuở nó lên bảy, là của ông nội cho nó. Thằng đàn ông, bán cái vòng vía đi để tiêu là việc khó chấp nhận. Tiền trả nợ có khác tiền chi tiêu không nhỉ? Khác chứ! Lùng cứ tự biện hộ như thế đến cả nửa canh giờ rồi mới ngẩng đầu lên, run run chạm tay vào cái vòng bạc. Nhét cái vòng vào trong nách, kẹp lại, Lùng đi sang nhà Vìn. Nhà Vìn có Tết rồi đấy. Đào nhà nó nở rồi. Ngoài sào, quần áo diện Tết đã may xong, phơi óng a óng ánh. Trên thềm, lá gói bánh một thùng đầy. Trong bếp, mùi thảo quả với hạt dổi văng ra thơm ngào ngạt. Vìn có cả đàn trâu mà vẫn muốn mua thêm à? Mà con trâu mấy chục triệu thì ba cái đồng bạc nợ thấm gì. Ừ. Mua trâu là việc của người ta. Đòi bạc về cất trong túi mình cho chắc hay mua sắm gì cũng là của người ta. Lùng đặt cái vòng vía lên bàn và nói. Bạc tốt đấy. Xem đi. Vìn cầm vòng bạc lên, đi ra khép cửa, cố ý chỉ để lọt một tia sáng nhỏ từ khe cửa dội vào chỗ Vìn ngồi. Lùng giơ cái vòng bạc lên để cho ánh sáng chiếu vào. Từ chiếc vòng vía phát ra một quầng sáng màu xanh nhạt mà chỉ người tinh mắt mới nhìn thấy. Tuy nhiên, người đàn ông mới năm mươi như Lùng, chưa đến nỗi mờ mịt con mắt. Sau đó, Vìn ra mở cửa. Vìn đứng tại cửa, đưa cái vòng lên miệng cắn cắn chỗ nhỏ nhất. Rồi Vìn tung tung vòng bạc trên tay mấy lần. Trở về chỗ ngồi, Vìn để cái vòng lên bàn và bảo. Ba đồng chỗ này sao hết? Lùng cười hiền lành. Cứ cầm cả đi, anh em, đi đâu mà hơn thiệt, đã chả tính lãi rồi. Vìn cười kín đáo. Hai người bằng tuổi nhau đấy, thân nhau lắm, nhưng Vìn hai con, ngô nhiều, trâu nhiều, làm ăn gặp may, Vìn khá giả. Vìn cho Lùng vay tổng cộng hai lăm đồng bạc hẹn cho trả mười năm phải xong. Giờ là năm thứ mười và ba đồng cuối cùng rồi. Còn Lùng, đến bảy con, sướng sao được mà chả khổ. Vìn vào buồng một lúc thì đi ra, cầm lấy bàn tay vẫn còn run run của Lùng, lật mở từng ngón và đặt vào đó một đồng bạc. Lùng giãy nảy, nhét trả đồng bạc vào tay Vìn và bảo. Cái vòng không được bốn đồng đâu á, chỉ ba đồng rưỡi thôi. Vìn thả tọt đồng bạc vào túi áo Lùng và kề chén rượu đầy vào miệng Lùng mà dốc vào. Còn nói. Bảo thằng Lèng chăm chỉ thêm nữa, kiếm tiền mà chuộc vòng về.

Lùng chân cẳng liêu xiêu như cây ngô non gặp gió chướng. Đến thềm nhà là ngồi phịch xuống, nước mắt từ từ bò ra hai gò má hốc hác. Con Mo nhìn thấy bố chồng như thế thì chui tọt vào bếp và nói gì đó với Lèng. Lèng đang tẩn mẩn cắt vải đỏ ra thành những dải nhỏ để làm áo cho đồ đạc và nông cụ diện Tết.
Người Mông xưa ăn Tết cả tháng, giờ theo quy định của Nhà nước, không ăn Tết dài thế nữa, chỉ ăn Tết chục ngày thôi. Mai là cho cày bừa, dao cuốc nghỉ Tết rồi. Mo kể vừa nhìn thấy bố về và đang khóc. Lèng không nói gì. Kệ cho khóc. Đàn ông ai lại nhìn nước mắt nhau bao giờ. Mo tần ngần cầm nắm vải đỏ trên tay. Lòng buồn thế. Cũng chỉ tại cái tục lệ thách cưới mà nên nông nỗi này. Suốt mười năm trả nợ. Mười năm làm dâu, chưa năm nào Mo thấy cái Tết nhà chồng được vui vẻ cả…

Lùng sau khi tỉnh rượu thì vội đi rửa cái mặt cho tươi tắn. Hai đứa con Mo và Lèng đang bổ quay chan chát ngoài sân thoáng thấy Lùng đứng ngó nghiêng bên gốc cây đào thì chúng rêu rao. Ế ồ! Ế ồ! Có đứa ông nội khóc nhè. Ba ông cháu dồn nhau chạy ra cổng. Mo hỏi Lèng. Có tiếc không? Lèng lắc đầu. Giờ anh khỏe như trâu, cần gì vòng vía. Nói đến trâu, Mo xị mặt xuống nói nhỏ. Anh Lềnh không cho mượn trâu nữa đâu, vụ này ý. Anh bảo, anh ở riêng rồi, trâu nhà anh cày ruộng nhà anh đã mệt, vụ nào cũng cày thêm ruộng nhà mình, thì nó ốm mất. Nó ốm thì ai chịu trách nhiệm. Chị dâu còn nói, sao nhà mình không mua trâu mà cày, cứ đi mượn. Lèng ức quá. Ai bảo không mua trâu? Nếu mùa đông năm kia, tuyết không rơi dày thế, thì ba con trâu của Lèng đâu có chết. Anh Lềnh cũng biết mà. Sao còn nỡ nói thế? Anh Lềnh lớn nhất nhà, khi ở riêng, bố mẹ cắt cho một phần ba số nương ruộng, một con trâu cái, hai con dê. Như thế còn ít gì. Nhà những bốn anh em trai, ba đứa gái lấy chồng rồi không nói. Giờ, còn hai thằng đã biết thổi khèn tán gái, biết trông vào đâu? Đành rằng bây giờ, tiền thách cưới không còn cao như trước nữa, nhưng để lo vợ con, nhà cửa cho hai thằng em xong, chắc bố mẹ kiệt sức. Anh không cho mượn thì thôi. Đừng nói thế mà vơi cả tình cảm. Thấy Lèng hơi mạnh tay với đồ đạc, Mo khuyên chồng nhẹ nhàng thôi. Lèng thấy mình thật chả ra làm sao. Nông cụ đã được lau chùi cọ rửa sạch sẽ, như là người tắm tất niên ý. Thì “mặc áo Tết” cho nó, mình phải vui vẻ, dịu dàng chứ. Ai lại như bố thí ấy. Đầu tiên là cái cày. Cái cày này, Lèng và bố đi Lùng Vai, chầu chực chờ đợi và tận mắt chứng kiến sự tài tình của ông già chuyên đúc lưỡi cày đã ngoài bảy mươi tuổi. Cái cày này không chê đất nhiều đá, không chê ruộng đầy cỏ, không chê rễ cây, lúc nào nó cũng xoa dịu cánh tay người bằng những đường cày sâu nhất, chắc chắn nhất. Cho mày cái áo to nhất. Mo tủm tỉm cười, buộc cho cái cày một dải vải đỏ vào chỗ tay cầm thon nhỏ, láng bóng. Rồi đến khung cửi. Riêng cái khung cửi này, năm nào, áo của nó cũng dài nhất và xẻ tua ở hai đầu vải, cho điệu. Nếu ví đồ đạc như người thì khung cửi là con gái, còn cái cày là con trai đấy. Rồi dao, búa, bừa, cuốc, cả cái cối xay ngô... Thấy con ngựa già đang gõ móng như giục, Mo vội đi ra, buộc cho nó một dải vải đỏ lên đuôi, trông rất đỏm dáng. Còn không? Nghe chồng hỏi, Mo giơ dải vải đỏ lên, gật đầu. Còn một cái nữa. Lèng cười, sao lại tính thừa nhỉ. Mình có biết không? Dọn cơm mà lấy thừa bát đũa là có khách. Đi nương tra hạt mà mang thừa hạt giống là bội thu. Xuống đồng mà mang dư đồ dùng là có người đến giúp. Còn may áo Tết cho đồ đạc, vật nuôi mà dư là… Lèng chợt dừng lại. Mo sốt ruột hỏi. Là sao cơ?

Đúng lúc ấy thì ngoài cổng có tiếng người nói rõ to. Nhà ơi! Người ta đến để xin áo Tết đây. Phần cho người ta một áo nào. Cả nhà ùa ra, đứng vây lấy chú Vìn. Trên tay chú Vìn là sợi dây thừng. Đầu sợi dây là con trâu cái rất đẹp, có cái xoáy mê hồn và cái bụng tròn xoe, chắc tớp được ngụm cỏ đâu đó ven đường đang bỏm bẻm nhai rất thản nhiên. Lùng từ trong nhà chạy ra sau cùng, nắm lấy tay Vìn. Sao không ở nhà bổ củi, còn dắt trâu đi chơi? Vìn bật cười. Búa nghỉ Tết rồi thì người ta đi chơi chứ. Người ta nói một câu thôi nhé. Nếu cả nhà ưng bụng thì người ta về một mình. Nếu không ưng thì người ta cầm chạc trâu về. Người ta đến để xin cho con trâu ngoan một manh áo Tết, một góc chuồng ấm áp kín gió, một vài bó cỏ thơm, có được không?

Cả nhà Lùng, trừ hai đứa trẻ con, còn lại ai cũng rơi nước mắt. Vìn tốt thế chứ. Vìn nói vậy nghĩa là Vìn cho nhà Lùng vay một con trâu cái, bao giờ ăn nên làm ra thì trả. Lèng vội vàng cầm mảnh vải đỏ tiến lại gần con trâu rồi nhẹ nhàng buộc lên đuôi nó. Con trâu tròn xoe mắt nhìn đám đông, cái đuôi cứ ve vẩy như để tự trấn an. Vìn vỗ vỗ tay vào bụng trâu, giọng trìu mến. Đấy, áo Tết đẹp nhé! Đã diện áo Tết mấy lần rồi mà còn ngượng!

Quay sang Lùng, Vìn hỏi. Ơ… thế rượu đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áo Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.