Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân lên trên mặt đá ong

Nguyễn Quang Hưng| 15/02/2018 20:34

(HNM) - Không cứ người ở đất này thì mới là hay, là có những độc đáo, lạ lùng nào đó riêng có, hay được nâng giữ như bản sắc đặc trưng. Bằng chứng là có bao nhiêu điều đã đi qua, lắng lại và mở sáng nơi đây, nhưng lại được khởi nguồn từ miền đất khác.


Như cái tên tuồng Dương Cốc nổi tiếng phong trào văn nghệ quần chúng khắp Hà Nội, khắp đất Bắc, được khởi lên từ cuộc gieo mầm của các nghệ sĩ tuồng Liên khu Năm thời đạn bom chống Mỹ. Một lần, trong căn hộ cũ nhỏ thuộc dãy nhà ở của các nghệ sĩ tuồng trung ương dưới Khu văn công Mai Dịch (chỉ qua mảnh sân là văn phòng nhà hát, là hội trường, là kho đạo cụ... - bao con người nghệ thuật mà khán giả mến mộ, lâu nay cũng vẫn ở như thế thôi), nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam kể cho tôi nghe về những chiếc xe bò chở đạo cụ mà các nghệ sĩ tuồng - đa phần là người tập kết từ miền Trung ra - đẩy về sơ tán ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Người tài hoa về với làng quê, thì trước hết đem cái tài ấy vào diễn xướng, làm vui, làm lạ, làm ngưỡng mộ, trầm trồ cho bà con đã. Rồi sau đó giai điệu bén vào lòng người đồng áng. Để khi nghệ sĩ còn ở, thì cùng tổ chức nên những “buổi tập đồng bãi”, những “buổi học sân kho” dành cho những nông dân mê tuồng. Và khi nghệ sĩ đi thì nơi này đã có phong trào. Phong trào thấm vào người dân và tỏa lan theo thời gian, đến nay việc hát tuồng, diễn tuồng của người Dương Cốc đã có thể coi như một truyền thống mới khởi sinh trong thời hiện đại.

Lần khác, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Lý, dạo đó đang phụ trách phong trào tuồng ở Dương Cốc, để ông dẫn đến nhà ông bà Huy Thường - Bích Hảo - hai gương mặt sáng của tuồng thôn quê. Ngôi nhà mái ngói, đồ đạc giản dị, bằng khen, giấy khen, chứng nhận giải thưởng các kỳ liên hoan, hội diễn quần chúng... chạy kín quanh bức tường cũ. Ông bà Thường - Hảo trồng cấy, chạy chợ và hát tuồng. Những buổi sáng lạnh buốt, chở ốc chạy xe máy mấy chục cây số theo đường 72 lên Hà Đông bán. Vất vả nhưng có câu hát làm vui, mà nếu không hát, không múa tuồng thì người nó bần thần thế nào ấy! Cho nên lắm khi ru cháu cũng ru bằng tuồng. Người này nhỡ lãng đi một câu thì người kia nhắc.

Tuồng ươm xuống đất Dương Cốc mọc lên xanh, bởi người Dương Cốc yêu văn nghệ. Không riêng tuồng mà nói chung là nghệ thuật quần chúng đã lâu rồi bén vào nhiều gia đình. Tình cờ cũng trong làng ấy, tôi được gặp cụ Lương Ngọc Bỉnh, ngạc nhiên khi thấy ông cụ bát thập da ngăm đen nhanh nhẹn biết chơi nhiều loại đàn sáo, lại còn tự chế ra mấy kiểu đàn cũng lạ nữa. Con trai cụ Bỉnh là NSƯT Lương Ngọc Khánh - biệt danh “Khánh kèn”, nhạc công tuồng trung ương kỳ cựu, cũng được thắp lửa sân khấu từ những năm tháng “tuồng sơ tán” mà đi vào chuyên nghiệp, mà làm sáng bừng bao nhiêu sân khấu bằng tiếng kèn mạnh mẽ, đầy uy lực nhưng cũng rất réo rắt, khéo léo của mình. Một người con khác của cụ là võ sư Lương Ngọc Huỳnh của võ phái Lâm Sơn Động danh tiếng một thời. Một dạo, hồi bao cấp, gia đình đa tài của cụ Bỉnh còn làm cả một nhóm nhạc đi biểu diễn.

Mê nhạc, mê đàn, yêu ca hát và quý trọng những gì là nghệ thuật, đó là những con người tôi đã có dịp gặp và ngạc nhiên trên những nẻo đường xứ Đoài. Không thể không nhắc đến Thượng tọa Thích Trường Xuân ở chùa Long Đẩu - Sài Sơn, Quốc Oai, một người hăng hái gây dựng phong trào văn hóa nghệ thuật sở tại và rất thân mến các nghệ sĩ. Nhờ có bàn tay thầy giúp vào mà rối nước trên chính đất thiêng Sài Sơn được hồi sinh từ lực lượng “nhạc công, ca sĩ nông dân” trong đội nhạc lễ - văn nghệ quần chúng ở địa phương. Nhờ tâm huyết của thầy mà trong các dịp lễ hội chùa Thầy hay Ngày thơ Việt Nam, người dân sở tại được xem thanh thiếu niên Phật tử múa rồng, múa hình tượng Quan âm..., thưởng thức ảnh nghệ thuật, nghe các nghệ sĩ ngâm thơ, hát chèo. Ngày trước có những lần thầy Xuân còn lên sân khấu diễn một đoạn vai chèo Lưu Bình hay hát bài ca Đào liễu, và đến nay vẫn dành thời gian, dù chỉ là chút ít vì thầy cũng bận việc Phật sự quá, để làm thơ! Với thầy, ở những lúc nào đó, hoạt động văn nghệ cũng là hành đạo.

Các nghệ sĩ CLB Tuồng Dương Cốc trình diễn trích đoạn “Trần Bình Trọng” trong chương trình “Hành trình Di sản - Non nước chùa Thầy” năm 2016.


Tôi muốn nghĩ nhiều hơn về những con người hoạt động văn nghệ ở một không gian, không khí với những màu sắc của nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật quần chúng khá đặc trưng như thế. Họ là phần không thiếu được trong mạch chảy trôi không ngừng của đời sống văn hóa ở cơ sở. Và có một điểm độc đáo là sự thỏa mãn nguyện vọng, hứng khởi bản thân nhiều khi rất đỗi vô tư của họ, không nhằm sinh lợi về kinh tế hay danh vọng mà cốt nhen nhóm, tưới tắm cho niềm vui, nụ cười, sự cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn hóa nghệ thuật nơi bà con nông dân, người lao động. Nhất là những người ở các vùng quê xa xa, sâu sâu, ít có điều kiện đón văn công về biểu diễn, ít có dịp về trung tâm phố xá xem nghệ sĩ chuyên nghiệp ca múa hay xem phim âm thanh nổi, “âm thanh đi vòng”...

Họ là những cá nhân, những nhóm yêu nghệ thuật, ít nhiều hiểu biết “nghề chơi”, tự đắm đuối với đàn ca hát xướng, để một cách tự nhiên, làm cho họ mạc, láng giềng xung quanh cũng bị “lây” theo. Đó là những nỗ lực gây dựng, cống hiến đáng quý của những “nghệ sĩ nhân dân” không ăn lương, không phụ cấp, nhiều khi không cả hỗ trợ hay bồi dưỡng, mà bởi chính tự bản thân họ trả công cho mình bằng niềm vui vậy! Tôi đã được chứng kiến đội văn nghệ làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa (theo dẫn giải trong sách thì thuộc vùng Sơn Nam thượng, nhưng nói chuyện văn nghệ thì chả nên tách xứ Nam, xứ Đoài làm gì), họ cùng nhau hát chèo trong đình làng nhân một lễ trao thưởng thơ - cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” khởi lên cũng từ chính tình yêu thơ của những người nông dân trong làng. Họ biểu diễn xen kẽ một số tiết mục. Xong phần tổng kết, trao thưởng, quan khách, văn nghệ sĩ và các tác giả thơ đi sang mé bên kia đình liên hoan cả. Nhóm “nghệ sĩ làng” ngồi lại với nhau, trong đình vắng người, để tiếp tục hát với nhau nhiều bài nữa. Cũng có thể chưa hẳn đã là vui, bởi một bài ca hay gợi lên bao nhiêu là nỗi niềm. Nhưng được sống cùng nó với những tâm sự âm thầm, những hào hứng muốn chia sẻ, những chiêm ngẫm, bộc bạch, thế là ý nghĩa rồi! Hãy hát, hãy đàn khi có thể! Cho người nghe, không thì cho riêng mình nghe!

Có những người đang thắp lửa như thế, từ hát dô, từ chèo tàu, từ cồng chiêng Mường, dân ca Dao... ở xa xa những làng, sâu sâu những lưng đồi, chân núi, phía trong những vườn tược. Họ hát, ngân vang những âm thanh mộc mạc, ân cần. Tình yêu của những người ấy đã mở đường cho thanh âm, và cho chính họ. Và khi tất cả rung lên, thì ta thấy, trước mắt mình, nghệ thuật đang hiện diện, đang sống, đang lấp lánh một vẻ đẹp dung dị nhường nào!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân lên trên mặt đá ong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.