Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẫu lìa ngó ý

Trần Chiến| 15/02/2018 21:57

(HNM) - Cô cứ có cảm giác như mình là Từ Thức về quê, rất lạc loài. Hà Nội thay đổi, nhiều xe đẹp nhà to, nhưng không thuần khiết như cũ. Người xưa đâu nói

Tranh: Phạm Bình Chương.


Tôi cầm lá thư, viết tay, kiểu chữ to, dễ đọc của một thời, chả biết nên vui hay buồn. Cô Hoa tôi gái “Hà Nội gốc”, nữ sinh Đồng Khánh, sang nước người ở mấy chục năm vừa về thăm nhà. Ôi cô ơi cháu đây bạc hết đầu nói hay nhắn tin đều vẫn ô kê, đao lốt cho gọn ạ. Đất nước thông thương, chữ Nam ra Bắc, cháu nói “gầy một cuộc nhậu” nghe quyến rũ hơn hẳn “rủ nhau ăn uống”. Và chiều ngược lại cũng thế. Cuộc sống nó cứ vùn vụt chạy, có đứng lại để “thuần khiết” mãi đâu.

Bâng khuâng với cô, lý sự một chút rồi lại ngẫm nghĩ về cái “tâm lý Từ Thức”. Người đi xa, đi lâu đều vậy, giữ lại những mảnh mẩu một thời của vùng đất yêu dấu, nhất là lời ăn tiếng nói; đâu như bên ngành Xã hội học gọi đây là “tập tính bảo tồn nơi xa”. Trong khi người tại chỗ, dân gốc không đi đâu cả chả ý thức gì lại vô tư tiếp nhận những thay đổi. Đôi bên gặp nhau bèn xảy chuyện...

Sau năm 1975, nhiều người Hà Nội vào Nam sống. Thích nghi là chuyện dĩ nhiên, nhưng còn đó câu “chửi cha không bằng pha tiếng”, ra chợ chỉ cá lóc cứ gọi cá quả. “Cho tôi tách cà phê”, không phải “ly”. Và bát là “bát” chứ không thể là “chén”. Nhiều khi cũng phiền, bèn nhượng bộ gọi những mùi tàu, húng thành ngò, quế. Và pha chữ chứ không pha giọng. Giữ lại tên quê cũng là một cách. Làng Báo Đáp trên Yên Bái, làng Giao Thủy ở Quảng Nam đều do người Nam Định lập.

Vùng kinh tế mới của Hà Nội tại Lâm Đồng lập hồi Thủ đô mở rộng lần đầu có các xã Đông Thanh (Đông Anh, Thanh Trì), Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... Thị trấn Nam Ban (“thủ phủ” vùng kinh tế mới thời kỳ đầu) có trường trung học Thăng Long, các khu phố Thăng Long, Ba Đình, Đông Anh... Tụ tập tứ chiếng, đúng là vùng đất tiểu thuyết, phần nào giống thành phần dân Mỹ lúc lập quốc. Lần đó vào Lâm Hà tôi được đưa đến một điển hình làm ăn giỏi. Giờ đã quên tên cùng thành tích sản xuất, nhưng cái cách bày tỏ của ông cựu thuyết minh chiếu bóng ấy thì không thể.

“Đi xa nhớ lắm, thắt ruột thắt gan, đêm đêm cứ hiện lên cánh cổng tre, bát hương, ông bình vôi”, ông nói rì rầm, dùng nhiều chữ cũ, sự rầu rĩ đè nghít khách. Nhưng khi biểu diễn lại đoạn thoại trong phim Giắc cô đi tìm hạnh phúc mắt mũi lại sáng rực, mái tóc quăn tít xõa xuống rồi vung lên. Ai đó muốn tìm hiểu điện ảnh một thời phải gặp ông này. Một cá tính phóng túng. Một trí tuệ giỏi giang, văn hóa bậc khá trong đám dân khai hoang. Thần thái ông ám ảnh đến nỗi tôi viết được cái truyện vừa, sau truyền hình dựng phim với cái tên Chuyện một người chiếu bóng.

Thi thoảng, tôi lãi to thế, “khai quật” ở tít mù tắp được những mảnh “cổ vật” của chính cái vùng mình đang sống, tưởng đã thuộc làu. Nhu cầu giữ nếp xưa diễn ra ở nơi xa xứ gian nan và cũng bướng bỉnh hơn. Năm 1998 tôi sang Pháp, đến nhà Giáo sư Sử học Lê Thành Khôi, ông chồng hỏi rất Tây “Anh là con Z. à?”, trong khi bà vợ mặc chỉn chu ra chào hỏi vài câu rồi vào phòng trong. “Đấy là lối đàn bà Hà Nội cũ” - bà bác tám chục của tôi “tuyên” khi nghe chuyện. Những đôi kết pha phách thường chồng Tây vợ ta (tốt nhịn) bền chặt hơn, gặp phải chồng “gốc ăn thịt chó” nghe vợ đầm rủa “giống châu Á bẩn thỉu” cho tan ngay. Marseille hồi đó có khoảng 5.000 người mang máu Việt, sinh hoạt trong các hội đoàn Phật giáo, Công giáo, lai, cựu sinh viên... xu hướng chính trị không hề gần nhau.

Nhưng hình ảnh giáo dân đến chùa Việt (và ngược lại) quét tước làm vườn khá phổ biến; để được nghe, được nói tiếng Việt gốc, nhiều khi chỉ ngồi nghe chuông mõ dưới mái nhà “giông giống đao đình” cũng rưng rưng. Những ông giáo dạy tiếng Việt dỗ dành trò kẻo khó quá nó bỏ lớp. Những bố mẹ “lừa” con du lịch Việt Nam chứ không phải về chốn tiên tổ. Bao mảnh văng tung tóe do thời cuộc thay đổi ấy nay dễ không còn, thế hệ sau phai nhòa, đến đằng cháu đứt hẳn. Không lạ, thời Xô viết có nhà văn viết “không phù hợp”, chính quyền cho chọn giữa tha hương và ở lại vạ vật, đã lựa cách sống thứ nhì, tức được tắm gội trong ngôn ngữ, xã hội “của mình”.

Tiếng nói là vậy, nhời ăn thì sao? Mà sao các cụ không nói “miếng ăn” nhỉ. Dẫu thế nào, đây không phải chỉ là cái lùa vào mồm cho có sức lực chiến đấu hay sản xuất gì đó, mà nô dịch con người ta hết sức, càng đi xa càng quay quắt níu kéo. Hồi chưa thông thương nhiều, các bà vào Sài Gòn sống, quay ra đất cũ trở về cứ lễ mễ su hào, súp lơ, hành tỏi, bảo rằng nhỏ hơn và ngon hơn “ở trỏng”. Chủ nhật, cả gia đình Bắc đi ăn phở bò Xóm Lách “làm từ năm năm tư” không đường, giá sống hay giá chụm cũng không có đĩa húng dài thượt trên bàn. Ta có bờ biển dài, cá tôm cua mực ngậm hột muối cho đủ loại mắm rất chi nặng mùi. Âu Mỹ, cả Trung Hoa, đâu như không chịu cái đặc điểm này nên chả xơi, nhưng chợ Việt trên địa cầu đâu cũng có thứ “mở ra ruồi bu” ấy, mỗi tội muốn thịt chó mắm tôm phải thành quân vụng trộm. Nhiều đô thị không sầm uất vẫn có quán “Bếp Việt”, thành phần đã pha phách cho vừa miệng khách. Nhưng theo chiều ngược lại, những Phở Cali, Phở 24 sống lay lắt khi nhập khẩu Hà Nội. Có ông đi vài chục năm, đã thành Parisien (dân Paris) trở về tìm phở Tráng phố Huyền Trân Công Chúa thì cả phở lẫn tên phố không còn, đâm ngao ngán giữa những món cuốn, trộn tân thời.

Phải nói đến tân thời chứ. Là bởi không vì người đi xa hoài tưởng mà tại chỗ không thay đổi. Thay ác liệt, càng đô thị càng ác. “Bảo tồn tại chỗ” nguyên bản nguyên gốc thế nào trong bối cảnh cuộc sống hôm nay khác hẳn hôm qua, ngày mai ra thế nào chưa hình dung được. Người Hà Nội vốn chỉ biết “ăn cơm Tàu, ở lầu Tây, lấy vợ Nhật”, sau thêm bếp Pháp, chê Sài Gòn không có món đặc trưng vì Ấn, Mỹ, Âu, Hoa, Thái đủ cả, giờ chóng mặt giữa giao lưu ẩm thực. Rào rạt phố ăn uống từ sáng choang máy lạnh đến vỉa hè bụi bặm, đủ cả kim chi Hàn su si Nhật và bò Úc. Nem phở chán lại quay về “đặc sản” cơm niêu cá bống kho tộ.

Nhưng quay sang ngôn ngữ thì không còn là chóng mặt nữa. Phát sốt rồi. Dân Thủ đô “chuẩn” giờ không nói “Sao lại không?” mà là “Tại sao không?”, chuyển “Hoa hậu người Tuyên Quang” thành “Hoa hậu đến từ Tuyên Quang”, lơ lớ thế mới sành điệu. Những câu bị động kiểu “Chị được hưởng những tình cảm bởi anh ấy”, những “Là tôi đây!”, thậm chí gọi bà già là “cô ấy” cho “đúng Mỹ”. Có quá đáng không, khi nghĩ dân ta có chút tự ti về đằng ăn nói (đằng sau là văn hóa) khi so đọ ra ngoài, nói cay nghiệt là “giẫm cứt Tây”? Cái này không cần hỏi cô Hoa tôi đã biết câu trả lời rồi.

Nhưng mà mặc lòng. Dị ứng thế nào thì vẫn “bó tay chấm com” giữa xoay vần ĂN - NÓI hôm nay. Cuộc sống cuồn cuộn cái trôi vèo cái lắng lại, phụ thuộc yêu ghét của ta đâu. “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, Nguyễn Du viết thế. Thử hình dung giờ con người phong lưu tài tử “đặc Thăng Long” ấy quay về làm một chàng trai, đi tán các em tóc xù xăm trổ với “phong thái bảo tồn”. Chạy mất dép ạ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẫu lìa ngó ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.