Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo sư Ngô Xuân Bính: Vinh danh tinh hoa Việt

Trà Giang| 15/02/2018 22:01

(HNM) - Trang từ điển Wikipedia ghi: Ngô Xuân Bính là giáo sư, viện sĩ người Việt tại Nga. Ông nổi danh trong rất nhiều lĩnh vực như là võ sư sáng lập môn phái Nhất Nam, một môn võ dân tộc phát triển mạnh ở Châu Âu.


Ông đã từng chữa cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Ông được gọi là một "kỳ nhân" và được nhiều người biết đến trong những lĩnh vực khác nhau như hội họa, thơ, y học, võ thuật, âm nhạc...

1. Đến thăm Giáo sư Ngô Xuân Bính một chiều cuối năm, tôi tình cờ gặp họa sĩ Lê Văn Thìn, bạn thân của gia đình, cũng là người vừa đồng hành với ông trong triển lãm tranh đương đại lớn nhất Việt Nam Du & Dội tại Bảo tàng Hà Nội tháng 11 vừa qua. Ông pha thứ cà phê đặc biệt mời khách với nhiều hương vị được sáng tạo từ những nguyên liệu trong gian bếp “đa quốc tịch” của người vợ, cũng là đồ đệ Nhất Nam - cô gái Nga xinh đẹp Lena. 

Ông lúc nào cũng thế, chân thành, niềm nở dù khách thân hay sơ. Xung quanh ông là chồng lớp những trang bản thảo, những cuốn sách đồ sộ. Ở ông toát ra một nguồn năng lượng khiến những người đối diện cảm thấy choáng ngợp.

Nguồn năng lượng đặc biệt ở Ngô Xuân Bính - cháu trực hệ của danh tướng Ngô Phan - người đã chém đầu tướng Liễu Thăng nhà Minh ở ải Chi Lăng - đã được các bậc cao niên ở vùng đất võ ven sông Lam phát hiện từ khi ông mới 5 - 6 tuổi.

Ông kể: “Năng lực đầu tiên mà các cụ thấy ở tớ là khả năng vận động, nhanh nhẹn, trí nhớ tốt thể hiện trong những trò chơi với bạn bè hay đấm đá, kéo co... Bên cạnh đó là tớ có tính kỷ luật rất cao, hay nói đúng hơn là nghe lời các cụ: Các cụ bảo sao thì mình làm bằng được, mà những đứa trẻ khác có thể không làm vì sợ đau chẳng hạn. Thế là các cụ âm thầm dạy võ cho tớ nhưng yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật”.

Học chuyên toán nhưng cứ đêm về thì Ngô Xuân Bính lại luyện võ với các thầy, có khi trắng đêm. “Đến năm học lớp 9, người thầy dạy võ có yêu cầu tớ tìm một số bạn có khả năng để hướng dẫn, lúc ấy các bạn mới biết mình luyện võ”. 

Đó cũng là những bước đầu tiên để Ngô Xuân Bính trở thành một người thầy dạy võ. Khi là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông đã mở các câu lạc bộ, tạo nên một phong trào học võ sôi nổi. Năm 22 tuổi, Ngô Xuân Bính tham gia công trình nghiên cứu lịch sử về võ thuật Việt Nam của Tổng cục Thể dục thể thao và là người trẻ nhất khi đó thực hiện một công trình lớn như vậy. Năm 24 tuổi, Ngô Xuân Bính đã thống nhất các gia phái, hệ phái võ “Hét” vùng Thanh - Nghệ thành môn phái võ Nhất Nam.

Cũng năm đó, võ sư trẻ Ngô Xuân Bính cho ra đời hai tập sách đồ sộ Nhất Nam căn bản gây kinh ngạc trong giới võ thuật đương thời và đoạt giải Sách thể thao giá trị và hay nhất tại Triển lãm sách khối các nước XHCN tổ chức tại Ba Lan năm 1988. Không mang màu sắc “bí kíp võ công” như truyện kiếm hiệp, Nhất Nam căn bản hướng dẫn cách tập các thế võ dân tộc một cách đơn giản và thực tế nhất, có thể ứng dụng ở bất kỳ đâu. Hiện bộ sách đã được hoàn thiện lên tới 5 tập và được dịch ra nhiều thứ tiếng. 

Khi phong trào tập Nhất Nam bắt đầu được gây dựng mạnh mẽ và có tiếng vang ở Hà Nội thì ông nhận được lời mời sang Liên Xô (cũ) làm việc với tư cách là chuyên gia của Liên đoàn Các môn võ phương Đông và Việt Nam ở Belarus... Từ đó, những đường quyền của Nhất Nam được phổ biến tại châu Âu với 4 liên đoàn võ cấp quốc gia ở Nga, Belarus, Litva, Ukraine và cả một mạng lưới câu lạc bộ ở nhiều nước với hàng chục nghìn môn sinh. 

2. Song song với những năm tháng luyện võ, Ngô Xuân Bính nghiên cứu y học dân tộc, nắm vững về kinh mạch, huyệt đạo và tìm tòi để nâng cao y thuật. Từ chỗ chữa bệnh cho các môn sinh, tiếng lành đồn xa, ông được mời chữa bệnh cho rất nhiều nhân vật quan trọng. Chuyện ông được mời chữa bệnh cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã trở thành những giai thoại trong cuộc đời có phần li kỳ của ông. Ông bảo, không dễ gì để người phương Tây công nhận những thành quả của mình, phong cho mình làm Giáo sư Y học dân tộc nếu những phương pháp của mình không thực sự hiệu quả.

Từ nền tảng y học cổ truyền, ông đã phát triển nó lên với nhiều sáng kiến chữa bệnh đạt hiệu quả cao. Nhìn bộ sách y học đồ sộ Huyết áp cao - Các chứng liên đới (tập 1, 2), Huyết áp thấp - Các chứng liên đới (tập 3, 4) ông đang hoàn thiện để chuẩn bị tái bản, ai cũng ngạc nhiên vì không hiểu ông lấy ở đâu năng lượng làm việc phi thường như thế. Ông cười vui: “Đến ngay cả những người thân trong nhà cũng không lý giải được, không hiểu sao tớ có thể không ngủ suốt một thời gian dài như thế”.

Lao động võ thuật, y học với “sức trăm người”, nhưng dường như năng lượng trong ông vẫn dư thừa, vẫn dồn nén, để rồi “phá bung” ra ở mảng nghệ thuật với hàng nghìn bài thơ, bức tranh. Không ít bài thơ của ông đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ phổ thành nhạc như Chợ quê, Hà Nội trong tôi, Thả thuyền bến mơ, Huế một lần gặp, Tháp Chàm, Nếp nương, Nỗi nhớ quê... Năm 2015, ông có đêm nhạc riêng Ngô Xuân Bính: Ân khúc - giao hòa tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Lê Anh Dũng...

Ông còn là một họa sĩ giành được nhiều giải thưởng mỹ thuật như Giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada (năm 2006), Giải xuất sắc Liên hoan nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ VII tổ chức tại Mátxcơva (năm 2008), danh hiệu Họa sĩ xuất sắc của năm do báo chí Nga bình chọn (năm 2005)... Hơn 300 bức tranh của ông, đủ các thể loại, kích thước, trong đó có những bộ tranh có kích thước đồ sộ trong triển lãm Du & Dội mới đây khiến người xem như bị choáng ngợp, bị chế ngự bởi cảm xúc của tác giả. Ngô Xuân Bính bày tỏ: Khi ông vẽ, ông làm thơ là ông rơi vào trạng thái vô thức, vẽ bằng thứ năng lượng tiềm thức như “lên đồng”.

3. Trong cuộc trò chuyện nối dài từ võ thuật tới y học, qua thơ ca và hội họa, họa sĩ Lê Văn Thìn từ tốn nhận xét: “Ngô Xuân Bính là người rất hiểu mình là ai và rất có trách nhiệm với dân tộc!”. Quả thật, xâu chuỗi tất cả những thành tựu mà Ngô Xuân Bính đã đạt được, đều thấy nó được đi từ cái gốc là truyền thống quý báu của dân tộc, được phát triển trong một cá nhân có năng lượng đặc biệt với một ý thức cao độ trong việc giữ gìn và phát huy tinh hoa ấy.

Nhạc sĩ Huy Thông từng nhận xét: “Thơ của Ngô Xuân Bính không dễ đọc và không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Chúng có sẵn tính nhạc và đầy sự chiêm nghiệm. Đó là sự dồn nén của tình yêu dành cho đất nước, cho văn hóa truyền thống dân tộc”.

Chàng thanh niên khi xưa mong mỏi võ Việt không thể thua kém Nhật Bản, Trung Quốc đã thuyết phục được hàng ngàn thanh niên châu Âu khoác lên mình tấm áo Nhất Nam nhờ tính ứng dụng cao của môn võ này. Cũng chính ông đã vinh danh y học cổ truyền dân tộc bằng nhiều giải thưởng y học quốc tế như Giải thưởng Nikolay Pirogov năm 2007.

Ông được phong hàm Giáo sư Y học dân tộc (thuộc Hiệp hội Y học dân gian Liên bang Nga) năm 2010, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Châu Âu năm 2011 và giữ cương vị Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hội họa và thơ ca của ông thuyết phục người nghe, người xem bởi ẩn chứa tầng tầng lớp lớp những biểu tượng của văn hóa truyền thống trong một tư tưởng và hình thức vừa cổ truyền vừa hiện đại.

Giờ đây, trong ông vẫn là đau đáu những nỗi niềm về phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc và đưa những tinh hoa ấy lên đỉnh cao. Bởi ông luôn quan niệm rằng: “Một dân tộc muốn phát triển, trước tiên phải là một dân tộc khỏe mạnh”; “Tinh hoa văn hóa, truyền thống là cái hồn, thần thái bên trong của một dân tộc chứ không phải chỉ ở hoa văn”... Và thông qua những thành tựu của mình, ông muốn gửi gắm thông điệp về lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Ngô Xuân Bính: Vinh danh tinh hoa Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.