Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Đau đáu với hồn dân tộc

Thảo Nguyên| 15/02/2018 22:44

(HNM) - Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách nổi tiếng là người

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách bên mâm cỗ Trung thu truyền thống và chiếc đèn con cá phục dựng (ảnh nhỏ).


Tấm lòng của người con xa xứ

Không trưởng thành ở Việt Nam nhưng nhà nghiên cứu Trịnh Bách lại có tình yêu và sự am hiểu về văn hóa truyền thống quê hương rất sâu sắc. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, cụ ngoại là Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Toản - người đã đề nghị với triều đình Huế lập ra tỉnh Hà Đông năm 1896 - từ nhỏ cậu bé Trịnh Bách đã có thiên hướng âm nhạc và hội họa. Khi theo gia đình sang Mỹ sinh sống (1972), Trịnh Bách tiếp tục có cơ hội trau dồi và phát triển niềm đam mê nghệ thuật của mình. Ông được học đàn ghita với nghệ sĩ danh tiếng nhất thế giới là Andrés Segovia.

Ở nơi đất khách nhưng bố mẹ ông vẫn luôn giữ nếp sống quê nhà để con cháu không quên cội nguồn. "Tết Nguyên đán, gia đình cũng cúng giao thừa, xuất hành, xông đất, bày cỗ bàn truyền thống...", nhà nghiên cứu Trịnh Bách tâm sự. Điều đó cũng góp phần hun đúc niềm đam mê với văn hóa truyền thống trong ông. Ngoài việc học hỏi từ bố mẹ, Trịnh Bách còn khám phá ra cả một "kho tàng" về văn hóa Việt Nam từ các bảo tàng, thư viện ở các nước như Thư viện Quốc hội (Mỹ), Văn khố Quân đội và Viện Viễn đông Bác Cổ (Pháp)… Đọc và nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trở thành một trong những đam mê lớn của Trịnh Bách, trong đó đặc biệt là tìm hiểu về đời sống trong cung đình Huế.

Năm 1988, khi đoàn làm phim của Pháp sang Việt Nam để làm phim về Đông Dương (Indochina), có 3 đạo diễn Việt Nam cùng tham gia là Hải Ninh, Hồng Sến và Nguyễn Thụ. Ba đạo diễn này có nhu cầu tìm hiểu về nghi lễ cung đình Huế và muốn tìm một chuyên gia để tham khảo. Đạo diễn Phạm Thị Thành đã giới thiệu Trịnh Bách cho họ. Đó cũng là cơ duyên đưa ông trở về Việt Nam sau đó, đầu năm 1994: "Tôi về thăm Việt Nam sau thời gian dài xa quê. Hà Nội những năm tôi mới về rất thanh bình và đẹp. Cái đẹp của một Hà Nội xưa cũ với nếp sống bình lặng và với những phong tục, di tích còn được giữ gìn đầy đủ hơn. Từ lúc đó, tôi đã có ý định trở về Việt Nam".

Giữ truyền thống cho tương lai

Khi về sống ở Việt Nam, Trịnh Bách nhận thấy văn hóa truyền thống xưa giờ đã dần thay đổi và mai một đi nhiều. Ông thấy thương giới trẻ ngày nay không biết các trò chơi dân gian mà suốt ngày chỉ quẩn quanh với máy tính, thiết bị điện tử hay những món đồ chơi dễ dãi, vô hồn. Vì vậy, ông quyết tâm phục dựng lại những giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một, mà phục dựng trang phục cung đình, triều đình nhà Nguyễn là dự án đầu tiên.

"Nghệ thuật thêu cung đình phải tuân thủ nhiều lề lối và đòi hỏi tính kỹ lưỡng, độ chính xác cao. Thị hiếu của người Việt xưa rất trang nhã, dù được thêu, dệt, hay vẽ bằng nhiều màu sắc khác nhau, trang phục và tranh ảnh cung đình ngày xưa dù còn mới cũng vẫn có màu sắc hài hòa êm dịu", cho nên việc dựng lại từng chi tiết không hề dễ dàng. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã lặn lội đến các làng nghề truyền thống, tìm kiếm những nghệ nhân già còn lưu giữ được chút ký ức cũ. Thời gian đầu của dự án, ông mời các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy nghề thêu cho con em những gia đình có nghề thêu truyền thống lâu đời ở huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Bởi các em đã có căn bản nghề nghiệp nhưng chưa bị nhiễm thói cẩu thả của lối thêu "hàng chợ".

Tuy vất vả, cực nhọc và tốn kém nhưng ông sẵn sàng hủy bỏ cả một bộ trang phục đã dựng xong chỉ vì một chi tiết không chính xác, ví dụ như một bông hoa trên ngực áo không đặt đúng chỗ. Với ông, "đã phục dựng là phải chính xác tuyệt đối, nếu không thì đừng làm. Nếu mình dễ dãi, không những mình làm hỏng cả nền văn hóa, mà làm hỏng cả các nghệ nhân mới đang bước vào nghề".

Cho đến nay, nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã phục dựng được hầu hết các mẫu trang phục triều đình nhà Nguyễn. Vì tính cách kế thừa của các triều đại, từ đó có thể phục dựng được trang phục của triều Lê, triều Tây Sơn... Rồi ông tiếp tục phục dựng các đồ gốm sứ, đồ gỗ, hay đồ bạc cung đình cho Hoàng cung Huế. Gần đây nhất, trong năm 2017, là những món đồ chơi truyền thống của Tết Trung thu xưa: "Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới lấy Trung thu làm Tết Nhi đồng. Tết Trung thu truyền thống phải có đầy đủ mâm cỗ trông trăng, các món ẩm thực, bánh trái truyền thống, đặc biệt là đèn lồng và các loại con giống bột, mà nhiều người không hề biết đến đèn lồng Trung thu và con giống bột là gì và trông chúng ra sao".

Kể về những kỷ niệm khi đi tìm hiểu để phục dựng truyền thống, nhà nghiên cứu Trịnh Bách tâm sự: "Rất nhiều thành công trước giờ là do gặp duyên may". Như khi ông tìm đến xóm làm lồng đèn Phú Bình ở Tân Phú, TP Hồ Chí Minh lại tình cờ gặp một nghệ nhân già vốn gốc người làng Báo Đá (Nam Trực, Nam Định) di cư vào Nam. Đã nhiều năm cụ bị tai biến phải ngồi xe lăn một chỗ, không còn quan tâm gì đến việc làm lồng đèn, nhưng khi gặp nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cụ như sống lại một thời tuổi trẻ với những kỷ niệm, những kiến thức và kinh nghiệm làm đèn Trung thu, mà đến cả con cái cụ cũng ngạc nhiên, chưa từng được biết. Đó là những thông tin quý giá góp phần giúp Trịnh Bách phục dựng chính xác những chiếc đèn lồng truyền thống xưa với cách làm đèn, vẽ màu theo đúng lề lối cũ.

Cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ trong việc phục dựng, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cũng cẩn thận chăm chút, hướng dẫn cho những nghệ nhân trẻ cách thực hiện. "Điều may mắn là vẫn còn một số nghệ nhân trẻ tâm huyết với văn hóa truyền thống. Họ sẽ là những người tiếp tục phục dựng, gìn giữ và phát huy những báu vật truyền thống ấy". Đó là cách mà ông đang cố gắng để có thể giữ lại từng chút gì của truyền thống trong một thế giới có quá nhiều thay đổi và biến động như hiện nay. Và cứ mỗi khi đã "phục dựng", gây dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ ở "nghề" này, ông lại chuyển sang phục dựng "nghề" khác.

Như một con ong cần mẫn làm mật giúp đời, nhà nghiên cứu Trịnh Bách muốn làm được nhiều việc hơn nữa để gìn giữ cho thế hệ tương lai "hồn dân tộc" - văn hóa cổ truyền đặc sắc của Việt Nam. "Tôi chỉ là một cá nhân bé nhỏ, nhưng làm được đến đâu thì tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Đó là trăn trở, là sự đau đáu, là nỗi niềm và cũng là sứ mệnh của tôi đối với quê cha đất tổ".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách: Đau đáu với hồn dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.