Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" chuyện bảo tồn ở làng cổ Đường Lâm

Thanh Thủy| 25/03/2018 07:42

(HNM) - Có một nghịch lý tại làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) là có người mòn mỏi chờ kinh phí trùng tu nhà cổ, nhưng có người được hỗ trợ lại kiên quyết từ chối.

Cùng với những vướng mắc trong triển khai giải pháp phát triển du lịch, tình trạng thiếu kinh phí và chất lượng trùng tu nhà cổ hạn chế… là nguyên nhân khiến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm chưa hết "nóng".

Yêu cầu bảo tồn với nhu cầu cuộc sống ở làng cổ Đường Lâm đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Ảnh: Bá Hoạt


Nghịch lý trùng tu nhà cổ

Phát biểu tại cuộc họp thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ do Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm tổ chức ngày 20-3 vừa qua, bà Bùi Thị Thành (thôn Cam Lâm) cho biết, căn nhà cổ mà gia đình bà đang ở đã xuống cấp. Hầu hết nếp cửa, cột, xà bị mọt; tường đất chằng chịt vết rạn, nứt; mái ngói vỡ, hễ mưa là dột khắp nhà. Đã nhiều lần bà xin được hỗ trợ kinh phí tu bổ theo diện nhà cổ nhưng chưa được xét đến.

Cũng như gia đình bà Thành, nhiều chủ sở hữu nhà cổ ở Đường Lâm đang có nhu cầu sửa chữa nhà để cải thiện điều kiện sống. Điểm chung của những ngôi nhà này là ẩm thấp, mối mọt, hầu như nhà nào cũng phải giăng ni lông chống dột. Có hộ gia đình 3-4 thế hệ cùng sinh sống trong không gian chật hẹp nhưng không được cơi nới, mở rộng diện tích sinh sống.

Trái ngược với những hộ kể trên, có những gia đình đã từ chối sự hỗ trợ tu sửa nhà - mà ông Trương Văn Bản (thôn Cam Thịnh) là một ví dụ. Lý do ông đưa ra là không đồng ý với cách thức tu bổ của đơn vị thi công: “Cột hỏng đến đâu họ cắt, nối đến đó, rất chắp vá, chưa kể vật liệu không bảo đảm. Hàng cột các cụ để lại hàng trăm năm mới có dấu hiệu hỏng, trong khi gỗ thay thế vài ba năm đã cong vênh, mối mọt. Nhiều nhà đã bị rồi nên tôi không để họ làm”.

Điều băn khoăn của ông Bản nhận được sự đồng ý của nhiều người khác. Anh Cao Văn Chiến (thôn Cam Thịnh) cho biết: “Chất lượng thi công không tốt. Sau tu bổ, nhà tôi phải bỏ không, phần vì mối mọt xông, phần vì vật liệu, cấu kiện thay không bảo đảm. Mái nhà cổ cả trăm năm không cong vênh, giờ bị tác động, đã có hiện tượng trôi sụt ngói gây dột. Tường nhà ngấm nước, ăn vào các chân cột, sàn nhà bị trũng ngay chân bàn thờ... Nếu biết tu sửa kiểu này, tôi đã không đồng ý”.

Băn khoăn về phương pháp trùng tu, nhiều người từ chối nhận hỗ trợ, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn nói: “Yêu cầu đặt ra là bảo tồn nguyên trạng, nhưng nhiều vật liệu cổ giờ không còn nữa. Đời sống thay đổi, nhu cầu cũng đổi thay nhưng sự bất tiện về sinh hoạt tại nhà cổ chưa thể hóa giải. Với những gia đình muốn tự sửa chữa, Ban Quản lý chỉ còn cách tích cực vận động, đồng thời giám sát quá trình thi công nhằm tránh sai sót làm mất đi giá trị di sản. Tuy nhiên, đó là việc khó, bởi nhà cổ thuộc sở hữu cá nhân và người dân vẫn đang sống trong đó”.

Trách nhiệm gắn liền với quyền lợi

Theo ông Phạm Hùng Sơn, để quản lý trật tự xây dựng, Ban Quản lý đã triển khai dự án mô hình 20 mẫu nhà truyền thống, hỗ trợ kinh phí thiết kế nhằm bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc, cảnh quan. Tuy nhiên, số hộ gia đình “theo” nhà mẫu chưa nhiều khiến bức tranh làng cổ “lộ cộ” trong mắt du khách. “Chi phí xây dựng nhà theo mẫu khá cao, riêng phần mái ngói đã hơn 200 triệu đồng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Nếu Nhà nước hỗ trợ hạng mục này, dự án sẽ được triển khai hiệu quả hơn”, ông Sơn cho biết.

Cái khó trong vận động người dân giữ gìn di sản còn đến từ thực tế là nguồn lợi từ du lịch chưa nhiều cũng như chưa tới được với nhiều hộ dân. Hơn 10 năm được công nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, trung bình mỗi năm Đường Lâm đón hơn 17 vạn khách, nhưng đến nay mới có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa hiệu quả khiến sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, dịch vụ đi kèm thiếu hấp dẫn, chưa đủ sức để níu chân du khách. Dự án sa bàn làng cổ triển khai đã nhiều năm, đến giờ vẫn dang dở do chưa bố trí được nơi đặt mô hình... Thực tế này khiến nguồn thu từ du lịch di sản chưa xứng với tiềm năng.

Trước tình hình này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Ông Phạm Hùng Sơn cho biết: Việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh. Điều này sẽ giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tập trung, hiệu quả hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam, khoanh vùng khu vực bảo vệ theo hướng thu hẹp để bảo tồn có trọng tâm, trọng điểm là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi đã thu hẹp thì với các di tích trong khu vực được khoanh vùng, điều cần làm là xem xét những gì cần bảo tồn, điều gì có thể thay đổi để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Cần sớm bố trí đất giãn dân bởi điều kiện sống chật chội trong vùng lõi vừa gây sức ép lên di sản vừa khiến người dân phải chịu khổ. Cùng với đó, cần có giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ du lịch nhằm gia tăng tỷ lệ hộ dân được hưởng lợi từ du lịch di sản…

“Hạ nhiệt” cơn sốt xuống cấp nhà cổ ở Đường Lâm cần giải pháp đồng bộ, trong đó, lúc này, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng trùng tu, giải quyết nhu cầu nâng cao điều kiện sống trong các ngôi nhà cổ, gắn trách nhiệm bảo tồn với lợi ích từ hoạt động du lịch di sản để công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm có được tính bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" chuyện bảo tồn ở làng cổ Đường Lâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.