Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc không thể chậm trễ

Thanh Thủy| 01/04/2018 06:55

(HNM) - Đình Đan Thầm mục nát, đình Cổ Chế bị sụp mái, lăng đá Quận Vân đổ vỡ… là thực trạng ở một số di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn Hà Nội.

Cụm di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) vừa được tôn tạo từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Anh Tuấn


Nỗi lo có thực

Theo thống kê của Sở VH-TT Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 6.000 di tích, trong đó hơn 1.100 di tích cấp quốc gia, hơn 1.200 di tích cấp thành phố... Có niên đại từ hàng trăm năm đến nghìn năm, hầu hết di tích đều có dấu hiệu xuống cấp; khoảng 2.000 di tích bị hư hại, hàng trăm di tích trong tình trạng “báo động”...

Mang phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng, ngôi đình 300 tuổi ở thôn Cổ Chế (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) sở hữu những mảng chạm khắc tinh tế, mô tả hoạt cảnh dân gian vui nhộn. Nhưng, trái ngược với cảnh sắc ấy là thực trạng hệ thống cột kèo, rui mè mục ruỗng, vòm mái trũng, dột, xập xệ và hiện tượng kê cột, dùng dây néo để chống sập xuất hiện khắp nơi.

Ông Kiều Đức Mạnh, trưởng thôn Cổ Chế cho biết: “Đình có thể đã sập nếu năm 2015 UBND huyện không dành 400 triệu đồng để tu bổ khẩn cấp. Tuy nhiên, khoản kinh phí đó cũng chỉ đủ để di tích “cầm cự”. Để bảo đảm an toàn, di tích đã phải khóa cửa, du khách và người dân được khuyến cáo không lại gần”.

Tương tự, di tích lịch sử cấp quốc gia đình Đan Thầm (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) cũng đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ do hệ thống tường, cột đã quá xuống cấp. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng Trịnh Minh Thủy nhận định: “Di tích có dấu hiệu đổ về phía trước. Nếu không can thiệp kịp thời, di tích sẽ sớm thành phế tích”.

Ngay cả những nơi được tạo dựng từ nguyên liệu đá nguyên khối như di tích lịch sử - văn hóa lăng đá Quận Vân (thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) cũng không thể ngăn quá trình phong hóa dẫn đến bị sứt mẻ, vỡ. Nhiều bức tượng thờ được tạc nguyên khối, qua mưa nắng đã bị sụt lún tới ngang thân. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu lo lắng: “Lăng đá Quận Vân cần được tu bổ cấp thiết, nhưng do địa phương thiếu nguồn lực nên vẫn chưa thể làm gì”.

Vướng mắc của Thường Tín cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác. Huyện Ứng Hòa có 25 di tích bị xuống cấp, trong đó 18 di tích có nguy cơ đổ sập. Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì… cũng có hàng chục di tích cần được trùng tu, tôn tạo gấp mà chưa biết trông chờ nguồn kinh phí từ đâu...

Nhiệm vụ cấp thiết

Mỗi năm, TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã dành hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp cho di tích, chưa kể nguồn kinh phí xã hội hóa được huy động thêm. Tuy nhiên, với thực trạng di tích hiện nay, Thủ đô cần hàng nghìn tỷ đồng để “tiếp sức” cho di sản.

Di tích lịch sử - văn hóa lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín) đang bị xuống cấp nghiêm trọng.


Mới đây, tại kế hoạch “Triển khai giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực theo kết quả kiểm điểm công tác năm 2017 của tập thể Ban Cán sự đảng UBND thành phố và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội”, một trong những điểm đáng chú ý là UBND TP Hà Nội đề nghị các ban, ngành liên quan tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc trùng tu di tích.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến, để giải bài toán nguồn lực, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia; ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, không theo nguyên mẫu. Việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo di tích cần thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc khoa học với sự giám sát của cộng đồng.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương, các địa phương cần làm tốt việc kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư tu bổ, tránh dàn trải. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, làm mất yếu tố gốc của di tích.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ bảo tồn cần có chính sách phù hợp hơn.

Theo Trưởng phòng VH-TT huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, thành phố cần tạo cơ chế thuận lợi, rút ngắn quy trình cấp phép nhằm tránh tình trạng đến lúc được cấp phép thì di tích đã quá xuống cấp. “Địa phương cần được thành phố cho phép thì mới có thể huy động vốn trong dân. Nay, với yêu cầu giải trình rõ ràng kèm theo cam kết về số vốn xã hội hóa thì mới quyết định cho thực hiện, địa phương rất lúng túng vì không thể biết rõ sẽ huy động được bao nhiêu để cam kết”, ông Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đề xuất: Hà Nội cần xây dựng cơ chế thẩm định năng lực chuyên môn của đơn vị thi công; bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm những đơn vị, cá nhân thực hành tu bổ, tôn tạo không đúng quy định, gây hại cho di tích.

Di tích lịch sử, văn hóa phản ánh bản sắc, dấu ấn thời đại mà di sản được hình thành, là vốn quý quốc gia. Trong bối cảnh còn nhiều di tích cấp quốc gia bị xuống cấp, công tác bảo tồn, tôn tạo không chỉ cần giải pháp tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Tháng 9-2017, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đề xuất với UBND thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên; bố trí kinh phí từ Chương trình mục tiêu tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên những di tích xuống cấp nặng, di tích có tiềm năng phát triển du lịch... Trước đó, Quy hoạch phát triển văn hóa TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 cũng nêu mục tiêu 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.