Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thuốc hay” chữa “bệnh” thành tích

Thanh Thủy| 08/04/2018 06:42

(HNM) - Tôn vinh gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa là nội dung cốt lõi của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, song, việc xét tặng, công nhận các danh hiệu còn biểu hiện hình thức, thậm chí là “bệnh” thành tích...

Hội làng truyền thống Ngọc Trục, nét đẹp văn hóa được duy trì trong cộng đồng dân cư phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Bá Hoạt


Cần cách làm mới

Sau 15 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo tiền đề quan trọng cho sự hình thành nếp sống văn hóa, nâng cao nhận thức xã hội về việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, tập tục tốt đẹp song hành với những giá trị, chuẩn mực mới. Tuy nhiên, phong trào cũng bộc lộ không ít hạn chế. Số gia đình, làng, khu dân cư đạt các danh hiệu văn hóa hằng năm chưa sát với thực tế đời sống xã hội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2017, cả nước có 86% số gia đình, làng, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Trong đó, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa là hơn 70% tổng số hộ đăng ký. Tại Hà Nội, kết quả kiểm tra ở gần 20 quận, huyện, sở, ngành cuối năm 2017 cho thấy, 100% địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng các mô hình văn hóa, như quận Thanh Xuân có 93% gia đình văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; quận Bắc Từ Liêm hơn 88% gia đình văn hóa, 82% tổ dân phố văn hóa; huyện Quốc Oai hơn 87% gia đình văn hóa, gần 98% làng văn hóa...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng cho biết, mặc dù tỷ lệ mô hình văn hóa đạt cao, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại không ít hành vi phản cảm, lệch lạc, ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng. Điều này đặt ra câu hỏi: Việc bình bầu, xét tặng các danh hiệu đã bám sát thực tế? Kết quả bình bầu đã phản ánh đúng chất lượng? Những băn khoăn, lo lắng này cũng được đưa ra tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” do Bộ VH-TT&DL tổ chức mới đây. Đó là, không ít gia đình, dù không đăng ký nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa; ở nhiều làng, khu dân cư văn hóa vẫn xảy ra hiện tượng đánh, chửi nhau, xả rác không đúng giờ, đúng nơi quy định...

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, việc xét tặng các danh hiệu văn hóa là một ý tưởng tốt, cổ vũ ý thức sống văn minh, song, tiêu chí xét tặng danh hiệu hiện còn chung chung, trùng lặp; việc tổ chức thực hiện còn qua loa, chạy theo thành tích. Mỗi năm, cả nước có tới 90% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, nhưng qua khảo sát cho thấy, chỉ có 29,5% số người được hỏi khẳng định biết các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, 55,2% có nghe nói và 15,2% không biết gì.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) nhận định, không ít địa phương chưa nghiêm túc trong việc xét tặng các danh hiệu và vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chạy theo thành tích, trọng lượng hơn trọng chất trong bình bầu. Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vì chạy theo thành tích nên danh hiệu trở nên bình thường hóa, nhiều người không còn mặn mà, quan tâm tới các danh hiệu văn hóa và cần thiết phải có cách làm mới, sâu sát, thiết thực hơn...

Tăng tiêu chí, nâng chất lượng

Để hạn chế “bệnh” thành tích, dự kiến tới đây sẽ chỉ còn một danh hiệu duy nhất là Khu dân cư văn hóa. Ảnh: Linh Ngọc


Thực tế cho thấy, nhiều tiêu chí quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL còn chung chung, chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp. Trước thực trạng này, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” theo hướng tăng tiêu chí, nâng chất lượng.

Đóng góp vào dự thảo Nghị định, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang Dương Hồng Cơ cho biết, chỉ nên dùng điểm được chấm làm căn cứ bình xét danh hiệu, không nên “đóng khung” được mức điểm nào đó mới đạt danh hiệu. Bởi, trên thực tế còn phải qua thủ tục bình xét của cộng đồng mới có thể được công nhận danh hiệu hay không. Ngoài ra, Nghị định nên có thêm mục bình bầu, khen thưởng các mô hình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc để kích thích quần chúng tích cực phấn đấu, tham gia xây dựng phong trào.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Bạch Tuyết nhìn nhận, ngoài danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa còn có danh hiệu gia đình nông dân văn hóa, gia đình cựu chiến binh văn hóa - gương mẫu, làng văn hóa sức khỏe… Điều này dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn cho cơ sở trong việc triển khai phong trào. Vì vậy, cần có một nghiên cứu, đánh giá để hợp nhất hoặc xóa bỏ những danh hiệu trùng lặp, không thực sự phát huy hiệu quả.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, trong khi chờ hướng đi mới, đưa phong trào đi vào thực chất, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực tìm giải pháp, đẩy lùi bệnh hình thức, chạy theo thành tích trong xét duyệt, công nhận danh hiệu văn hóa trên địa bàn thành phố, bảo đảm lượng đi đôi với chất. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, công khai, nghiêm túc trong thực hiện xét duyệt, bình bầu, bảo đảm danh hiệu được trao cho nơi thực sự xứng đáng, đồng thời có hình thức vinh danh, khen thưởng để động viên, khích lệ cộng đồng tích cực tham gia hơn. Cùng với đó, cần có cơ chế giám sát, ngăn chặn hiện tượng qua loa, đại khái, hình thức trong xét chọn, khiến danh hiệu mất đi giá trị tôn vinh vốn có.

Dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa” gồm 4 chương, 18 điều, tập trung vào các nhóm tiêu chí xét tặng danh hiệu và có các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí khuyến khích để cộng điểm hoặc bị điểm liệt. Dự thảo cũng quy định rõ thời hạn xét tặng danh hiệu là 3 năm cho “gia đình văn hóa” và 5 năm cho “khu dân cư văn hóa”. Mức thưởng đi kèm với mỗi danh hiệu được quy định cụ thể để các địa phương dễ dàng thực hiện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Thuốc hay” chữa “bệnh” thành tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.