Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Đừng để di tích biến dạng

Hoàng Lân| 10/04/2018 13:46

(HNMO) - Mặc dù nhiều địa phương tiến hành bảo tồn, tôn tạo các di tích xuống cấp trầm trọng nhưng không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả, thậm chí có nơi thực hiện tu bổ sai mục đích, khiến di tích bị biến dạng.


Không thể tùy tiện

Việc tu bổ, tôn tạo di tích tại Hà Nội cũng như tại nhiều địa phương khác gặp không ít vấn đề do Ban quản lý nhiều đình, đền, chùa tiến hành tu bổ, tôn tạo không có kiến thức chuyên ngành và thực hiện tùy tiện. Có nơi vì muốn di tích phải thật hoành tráng để thu hút khách du lịch đã phớt lờ Luật Di sản, tự ý xây dựng các công trình đồ sộ không phép để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Công trình tu bổ lại chùa Trăm Gian từng gây ồn ào dư luận vì vi phạm Luật Di sản


Hà Nội từng có bài học về việc trùng tu, tôn tạo chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ - một di tích lịch sử văn hóa độc đáo, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng cấp Quốc gia, được UBND Thành phố phân cấp cho UBND huyện Chương Mỹ quản lý trực tiếp. Chùa Trăm Gian từ nhiều năm phải đối mặt với vấn đề xuống cấp, được UBND TP Hà Nội và các sở, ngành tìm các giải pháp để giải quyết.

Năm 2012, trong khi chờ hướng giải quyết, nhà chùa đã tự ý hạ giải, tháo dỡ công trình và làm mới. Việc làm này được xem là sai nguyên tắc, vi phạm Luật Di sản bởi việc làm mới chùa Trăm Gian dù thực hiện trên nền móng cũ, sử dụng chất liệu gỗ lim nhưng lại không được thực hiện theo đúng kiến trúc cũ.

Hình ảnh chùa Trăm Gian cổ kính ngày nào được thay bằng diện mạo mới tinh, khiến cho ngôi chùa mất đi vẻ đẹp nguyên bản. Sự việc khiến cho UBND TP Hà Nội phải tiến hành nhiều cuộc họp với Sở VH-TT Hà Nội cùng địa phương liên quan để làm rõ trách nhiệm. Việc tu bổ, tôn tạo sau đó ngay lập tức bị đình chỉ, kiểm điểm nhiều cá nhân liên quan.

Năm 2015, quần thể di tích chùa Hương (vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt) cũng ồn ào, “dậy sóng” dư luận vì những sai phạm của công trình xây dựng không phép - “Hương nghiêm pháp đường”. Công trình này được nhà chùa tự ý xây dựng trên diện tích khoảng 400m2 để phục vụ nhiều chức năng: Làm nhà kho, khu ở của tăng ni Phật tử và du khách, phòng hội họp.

Kèm với công trình này là những công trình phụ trợ gồm tường bao, nhà tháp… có màu sắc sặc sỡ và kiến trúc không ăn nhập với quần thể không gian xung quanh chưa kể công trình còn gắn nhiều tượng con giống ngoại lai. Khi “việc đã rồi”, cơ quan quản lý văn hóa mới họp cùng các nhà văn hóa, lịch sử đánh giá lại mức độ sai phạm nghiêm trọng của công trình. “Hương nghiêm pháp đường” tuy không bị tháo dỡ nhưng phải chỉnh sửa cho phù hợp.

Khi “Hương nghiêm pháp đường” còn để lại nhiều nhức nhối trong vấn đề bảo vệ di sản, thì cơ quan quản lý lại phát hiện việc trùng tu “Tháp chuông” tại chùa Thiên Trù (chùa Hương) gặp sai phạm. Tháp chuông chùa Thiên Trù là một trong những công trình nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích và được coi là một trong những hạng mục quan trọng của khu di tích danh thắng này.

Tháng 7-2015, Bộ VH-TT&DL chính thức ra văn bản thỏa thuận sau khi thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, việc tu bổ gác chuông này đã có nhiều dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ theo đúng các quy trình tu bổ, tôn tạo di sản đã được ban hành trước đó.

Công trình Hương nghiêm pháp đường vi phạm tại chùa Hương (ảnh chụp năm 2015).


Cụ thể, việc che phủ trong quá trình hạ giải cũng như thi công đã không được tuân thủ, nhiều cấu kiện cũ của gác chuông được thay hoàn toàn bằng cấu kiện mới, không đúng với nguyên tắc của trùng tu di sản. Sai phạm trong trùng tu, tôn tạo tại Chùa Hương khiến cơ quan quản lý văn hóa lại đau đầu ngồi họp bàn để tìm giải pháp khắc phục. Đến nay, đó vẫn là những bài học trong bảo tồn, tôn tạo di tích.

Năm 2017, Sở VH-TT Hà Nội kiểm tra việc tu bổ, tôn tạo chùa Khúc Thủy (Thanh Oai) - di tích cấp quốc gia và xác định nhà chùa tự ý xây mới hạng mục nhà tăng trong khuôn viên di tích. Phòng VH-TT huyện Thanh Oai đã yêu cầu UBND xã Cự Khê kiểm tra và yêu cầu nhà chùa dừng xây dựng nhưng bất chấp những yêu cầu của cơ quan chắc năng, nhà chùa vẫn cố ý xây dựng 3 tòa nhà hoành tráng, đưa mới 100 pho tượng kích cỡ lớn được sơn thiếp màu sắc giả cổ, phía nhà Tổ treo các mảng rèm trang trí sặc sỡ. Vụ việc xây dựng chùa trái phép diễn ra nhiều năm liền nhưng việc xử lý khắc phục lại chậm trễ. Lúc này, cơ quan quản lý chỉ có thể yêu cầu địa phương phải khoanh vùng vi phạm, ngăn chặn để xảy ra vi phạm mới.

Trước lễ hội Gióng 2018, di tích quốc gia đặc biệt - đền Phù Đổng (Gia Lâm) Hà Nội cũng khiến cho các nhà quản lý văn hoá “tá hỏa” khi những người thực hiện tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của di tích tiến hành sơn son, thếp vàng rực rỡ. Mặc dù dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục của di tích đã được phê duyệt nhưng trong quá trình tu bổ, các mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng (Gia Lâm) bỗng dưng bị sơn đỏ chót. Những nét chạm nổi phượng, mây lửa bị nhồi sơn đỏ, hoàn toàn không còn sắc nét. Không chỉ có mảng chạm, tất cả vách, cửa, lan can của di tích cũng bị sơn nham nhở.

Việc sơn thếp loang lổ đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản, rất quý có từ thế kỷ 17, đến mức nhiều nhà nghiên cứu văn hóa coi việc trùng tu kiểu này là “tội ác” đối với di sản. Điều đáng nói, việc thực hiện sơn thếp này nằm ngoài các hạng mục tu bổ đã được phê duyệt trước đó.

Cần sự hiểu biết và vào cuộc đồng bộ

Những vụ việc điển hình nói trên cho thấy, việc tôn tạo, trùng tu di sản không thể tùy tiện, nóng vội. Điều đáng nói, tất cả những vi phạm trong quá trình thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích đều là “sự đã rồi”, cơ quan quản lý văn hóa mới biết thông qua phản ánh của báo chí. Điều này phần nào cho thấy, sự lỏng lẻo trong việc giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền sở tại.

Làng cổ Đường Lâm.


Vừa qua, ngay tại phường Văn Miếu (quận Đống Đa), di tích cấp quốc gia chùa Bà Nành (tên gọi khác là Tiên Phúc Tự) khi tiến hành tu bổ đã thay mới nhiều hạng mục, cơi nới và xây dựng lại cổng ra vào khiến người dân bức xúc. Khi báo chí phản ánh, đại diện lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, việc nhà chùa cho tu bổ, tôn tạo được thực hiện hơn 1 năm nay, quận đã có văn bản báo cáo Sở VH-TT Hà Nội.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo quận thừa nhận, cổng chùa xây mới là không đúng quy định. Biết thế, nhưng chính quyền địa phương không hiểu lý do gì lại không có động thái nào về việc “không đúng quy định” này (?). Đại diện Sở VH-TT Hà Nội thì cho hay, chỉ được báo cáo khi “sự đã rồi”. Sở đã yêu cầu chính quyền địa phương sớm có biện pháp khắc phục vi phạm, yêu cầu mọi công tác tu bổ phải đảm bảo đúng quy định của Luật di sản.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, một trong những khó khăn lớn nhất là sự phân bố di tích trải trên địa bàn rộng, việc nắm bắt được đặc điểm, giá trị, hiện trạng của các di tích gặp nhiều khó khăn khi mà nhân sự có hạn, chưa kể đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý có kiến thức không đồng đều, đội ngũ chuyên gia và công nhân có trình độ và tay nghề còn yếu và thiếu. Hơn nữa, số lượng di tích xuống cấp hiện nay rất nhiều, đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Trước những khó khăn, thách thức ấy, bài học về việc tôn tạo, tu bổ di tích tại các địa phương khi tùy tiện phá vỡ di sản đã để lại nhiều hệ quả buồn trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Nó cũng là bài học để các cơ quan quản lý cần kịp thời có những phương án, khắc phục, xử lý đồng bộ đối với những di tích thuộc diện “báo động đỏ”.

Vừa qua, trước cấp bách trong vấn đề bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Đường Lâm khi nguy cơ dột nát, hư hỏng của các ngôi nhà ảnh hưởng lớn đến đời sống ổn định của người dân, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh được xem là giải pháp hợp lý, có thể giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tập trung, hiệu quả hơn.

Không phải di tích nào cũng may mắn có được sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp. Cũng không phải địa phương nào khi tiến hành trùng tu, tôn tạo di sản thực hiện trưng cầu ý kiến của các nhà văn hóa, người dân. Việc tôn tạo di tích, di sản vốn là vấn đề khó khăn, cấp bách nhưng lại đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ càng, không nóng vội… đó là thách thức lớn đối với những người làm công tác quản lý, bảo vệ di sản.

Trong cuộc gặp mặt 128 đại biểu tiêu biểu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội vào cuối năm 2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội đối với công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu làm tốt hơn công tác tuyên truyền để mỗi người dân Thủ đô nói chung và người dân trong khu vực di tích hiểu thấu đáo hơn trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; các địa phương phải tổ chức thực hiện nghiêm Luật di sản văn hóa và các công ước quốc tế, từng cấp chính quyền phải ưu tiên, có cơ chế đặc biệt trong tôn tạo, bảo tồn, nâng cấp di sản, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại cảnh quan, không gian di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Đừng để di tích biến dạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.