Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào khí phách Việt Nam!

Nguyễn Thanh| 30/04/2018 07:50

(HNM) - Luôn mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người xem, thư, nhật ký thời chiến không chỉ truyền tải tâm tư, tình cảm, ước mong bình dị của những người đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết... Qua những trang tâm sự nhuốm màu thời gian và khói bụi chiến trường, người xem cảm nhận rõ ràng hơn khí phách Việt Nam - cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc.


Những cung bậc cảm xúc

Một trong những sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Thủ đô và du khách trong và ngoài nước thời gian này là Triển lãm thư, nhật ký thời chiến, được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018). Hơn 200 hiện vật, hình ảnh đã giúp công chúng cảm nhận sâu sắc hơn về những thời khắc của mỗi con người, của lịch sử dân tộc, qua đó thấu hiểu thế hệ đi trước đã sống, cống hiến như thế nào cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Du khách tham quan Triển lãm thư, nhật ký thời chiến tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.



“Ở đây vui lắm mẹ ạ. Đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường. Còn ban ngày, chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con. Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ bé này…”. Những dòng thư lấp lánh niềm vui, lạc quan và tin tưởng ấy được viết bởi liệt sĩ Võ Thị Tần, 1 trong 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Điều khiến người xem nghẹn lòng xúc động hơn còn là những nét chữ viết vội, ám khói bụi chiến trường ấy được hoàn thành chỉ trước thời điểm chị và đồng đội hy sinh ít ngày.

Nếu như những dòng thư gửi về hậu phương chan chứa niềm vui, lạc quan thì những dòng nhật ký của những người đi giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết lại thể hiện niềm tin son sắt vào một ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước đang đến thật gần, những điều đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Tất cả tạo nên những cung bậc cảm xúc đa dạng ở một giai đoạn khó quên của lịch sử đất nước. Có thể kể đến những dòng nhật ký đong đầy cảm xúc của liệt sĩ Đỗ Đình Xô (Mỹ Lộc, Nam Định) viết trên đường ra trận: “Ta lại ra đi, tiếp những con đường vào gian khó và vinh quang: Chiến đấu. Ta ra đi mang theo tất cả tình yêu đất nước quê hương… Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang chờ đợi chiến thắng của chúng tôi”. Niềm tin mãnh liệt của chiến sĩ Nguyễn Bá Hạnh (Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5) khi khẳng định: “Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ. Duy chỉ có một thứ chiến tranh không thể làm gì được. Đó là mục tiêu, lý tưởng, khát vọng hòa bình và ý chí đấu tranh của người lính Cụ Hồ” hay hạnh phúc vỡ òa của Thiếu tướng Phan Khắc Hy trong những tâm sự gửi người vợ yêu thương: “Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng... Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó… Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh khác, trẻ lại hàng chục tuổi... ”.

Làm dày thêm trang sử hào hùng

Khác với những trang thư, nhật ký thông thường, thư và nhật ký thời chiến có sự đa dạng, khác biệt từ chất liệu truyền tải thông tin đến điều kiện, hoàn cảnh ra đời. Nhiều trang thư, nhật ký được viết từ những trang giấy xé vội hay tận dụng vỏ bao thuốc, mảnh vải quần…, hiện còn hằn dấu mồ hôi, khói bụi hoặc nhòe mờ vì thời gian và nước mắt. Nhiều dòng tâm sự được viết trong thời khắc người gửi đã dần tắt sự sống. Lại có những trang thư, nhật ký viết và gửi từ lao tù “Địa ngục trần gian”; lấy từ thi thể người chiến sĩ… Tất cả làm nên sự khác biệt đầy bi thương và hùng tráng của một thời gian khó mà kiêu hãnh của dân tộc.

Bà Đỗ Kim Định, em gái liệt sĩ Đỗ Đình Xô, rưng rưng: Những trang nhật ký của anh tôi đã phần nào giúp gia đình, người thân vơi bớt nhớ thương, mất mát suốt bao năm tháng qua. Việc nhật ký được giới thiệu rộng rãi tới công chúng qua các hoạt động triển lãm, xuất bản sẽ góp phần giúp thế hệ mai sau hiểu thêm về quan niệm, lý tưởng, sự cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc của nhiều thế hệ cha anh.

Có mặt trong ngày đầu Triển lãm mở cửa đón du khách, Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, (Đại học Quốc gia Hà Nội), xúc động: "Thư, nhật ký thời chiến là lăng kính chân thực, rõ ràng nhất về những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh cho độc lập, tự do dân tộc. Chính những dòng nhật ký, thư cùng bao câu chuyện vượt thời gian của thân nhân liệt sĩ sẽ góp phần truyền đi thông điệp lịch sử, tiếp lửa truyền thống cách mạng để chúng em thêm hiểu, thêm yêu và sống trách nhiệm hơn".

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng chia sẻ, những trang thư, nhật ký thời chiến là những trang viết máu thịt của cuộc đời, cho ta hình dung về từng số phận con người, là minh chứng cho tình yêu Tổ quốc, những hy sinh thầm lặng của quân và dân ta để có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giúp chúng ta có thêm cảm nhận sâu sắc hơn về một thời quá khứ đã lùi xa hơn 40 năm qua. Giữa những con chữ và trang giấy mỏng manh, các thế hệ có thể nhận rõ khí phách Việt Nam - những điều đã làm nên sức mạnh trường tồn của cả dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự hào khí phách Việt Nam!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.