Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hóa ứng xử: “Sức mạnh mềm” của Hà Nội

Thanh Thủy| 15/07/2018 07:08

LTS: Chịu tác động mạnh mẽ từ những hệ lụy của tiến trình đô thị hóa, cùng những xung đột văn hóa của kinh tế thị trường thời hội nhập, văn hóa ứng xử nói riêng, văn hóa người Hà Nội nói chung đang “rung lắc” dữ dội.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học sẽ góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Bài 1: “Chất” Hà Nội đang phôi phai?

Mở những trang báo mạng, mọi người đều có thể bắt gặp các dòng tít “Vỡ trận công viên nước hồ Tây”, “Hỗn chiến ở lễ hội đền Sóc” hay đặc sản “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội… Viết như vậy có là quá mức không? Nhiều người tỏ ra bức xúc, song cũng có thể xem đây là lời cảnh báo về tình trạng phôi phai, đứt gãy trong văn hóa ứng xử ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Một thực tế đáng buồn là, phong cách hào hoa, thanh lịch như một “thương hiệu” của người Hà Nội đang bị bào mòn...

Lung lay nếp sống “có lịch, có lề”

Nếp sống người Hà Nội từ lâu đã được định vị trong những “hào hoa”, “thanh lịch”, biểu hiện ở trí tuệ, tâm hồn, thị hiếu hưởng thụ lẫn lối ứng xử khéo léo, tinh tế. Đón nhận những tác động văn hóa từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia khác nhau, người Hà Nội cởi mở với cái mới, nhưng biết tiếp thu có chọn lọc để làm giàu phong cách, lối sống và hình thành những đặc điểm riêng có của đất kinh kỳ.

Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi tất yếu trong tiến trình phát triển, những giá trị truyền thống của Hà Nội xưa đã mai một dần. Cái cũ mất đi, cái mới chưa được chắt lọc để tạo thành chuẩn mực phù hợp thời đại, nên nhiều lúc cộng đồng lúng túng trước những luồng tư tưởng xung đột. Cũng có thể nói, "hệ miễn dịch" của văn hóa Hà Nội chưa đủ mạnh cho một cơ thể lớn quá nhanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Hương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận xét: Ba, bốn thập niên trở lại đây, truyền thông, cộng đồng lên tiếng rất nhiều về tình trạng phôi phai truyền thống văn hóa. Nét thanh lịch không còn dễ thấy như trước đây, thay vào đó là sự xuất hiện ngày một nhiều các hiện tượng lệch chuẩn: Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; xả rác, tiểu tiện bừa bãi; tranh cướp, chen lấn nơi thờ tự; chặt chém, cân điêu, bán thiếu… Những hiện tượng kể trên diễn ra thường xuyên, nhưng không được nhắc nhở, không bị lên án, tẩy trừ, dần trở thành chuyện bình thường trong xã hội. Ở đây, không lên tiếng trước cái xấu cũng giống như thừa nhận nó.

Hệ lụy từ những vấn đề nêu trên là sự ra đời của hàng loạt sản phẩm văn hóa méo mó, lệch lạc, làm lung lay nếp sống “có lịch, có lề” ở đất nghìn năm văn hiến. Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị, nhưng không ít người đã chấp nhận chuyện “bún mắng, cháo chửi” ở mức được “phơi” lên các kênh truyền thông nước ngoài như một nét riêng. Là nơi có đời sống tinh thần thuộc loại phong phú nhất nước, nhưng sau mỗi khi có sự kiện văn hóa giải trí, nhiều người lại “sôi sục”, thất vọng với đường phố ngập rác; vườn hoa, thảm cỏ bị dẫm nát; sản phẩm trưng bày bị tàn phá hoặc biến thành của riêng… Mỗi lễ hội văn hóa, dân gian, nhất là lễ hội lớn, lễ hội vùng được tổ chức là lại xuất hiện những hình ảnh: Ăn mặc phản cảm, xoa vuốt tượng thờ, đốt vàng mã vô tội vạ…

Báo động những hành vi "lệch chuẩn"

Người Hà Nội và khách quốc tế xếp hàng mua phở ở 49 phố Bát Đàn.


Hơn 32 nghìn kết quả liên quan tới từ khóa “lãnh đạo phát ngôn khó nghe…”; hơn 12 nghìn đường dẫn cho cụm từ “Phó Chủ tịch UBND quận lớn tiếng khi đỗ xe sai quy định…” và cũng một con số tương tự như thế cho tiêu đề “cán bộ một cửa hạch sách người làm giấy chứng tử”... Đây là những sự việc đáng buồn về cách xử sự của cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị của Hà Nội được báo chí phản ánh trong thời gian qua. Rõ ràng, hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử không chỉ xuất hiện ở nơi công cộng với đa dạng thành phần dân cư, mà đã len lỏi vào các công sở, nơi hơn hết cần tỏa sáng văn hóa trong giao tiếp.

Cách đây không lâu, mạng xã hội dậy sóng bởi một clip ghi lại hình ảnh một cô giáo chửi mắng học viên bằng thứ ngôn từ tục tĩu ngay giữa giảng đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, hiện tượng này đã nhận được hàng nghìn bình luận, trong đó không ít người thẳng thắn phê phán thái độ ứng xử phản văn hóa trong môi trường đòi hỏi chuẩn mực văn hóa ở mức độ cao nhất - môi trường sư phạm. Đáng nói hơn, sau khi sự việc xảy ra, cô giáo vẫn khẳng định: Đây là phương pháp giáo dục nghiêm khắc cần có, nếu nhẹ nhàng, học viên sẽ “bổ guốc vào đầu mình ngay”! Về vụ việc này, nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình cho rằng: “Một cơ sở giáo dục, trước hết phải là một cơ sở văn hóa, có quy tắc ứng xử văn hóa. Một “thánh đường” văn hóa như giảng đường không thể là nơi cho lối hành xử vô ý thức, nói năng bậy bạ, vô văn hóa tồn tại”. Có lẽ không phải bàn thêm!

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, nhà quản lý văn hóa cũng thừa nhận, chưa có thời điểm nào, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Nếu không có những định hướng, điều chỉnh cần thiết thì hệ lụy của nó sẽ tác động tiêu cực đến hình ảnh của một Thủ đô có bề dày văn hóa, lịch sử đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy các giá trị di sản bày tỏ: Văn hóa trong giao tiếp đặc biệt quan trọng, bởi nó thể hiện sự văn minh của một đất nước hoặc tư cách của con người. Những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử kể trên, chính là những sự cố văn hóa mà Hà Nội đang phải đối mặt trong tiến trình phát triển với đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa…

Xác định rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp căn cơ, đủ mạnh để định hình những giá trị chuẩn mực phù hợp với thời đại, xây dựng người Hà Nội vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc là nhiệm vụ cấp bách và cũng là thách thức không nhỏ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa ứng xử: “Sức mạnh mềm” của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.