Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những “cơn lốc” của “đô thị hóa”

Thanh Thủy| 16/07/2018 06:50

(HNM) - Thăng Long - Hà Nội là một tiến trình đô thị hóa chưa bao giờ ngưng nghỉ, nên những “va đập” trong quá trình “hội tụ, kết tinh” diễn ra như là một tất yếu.


“Chất” Hà Nội đang bị pha loãng


Đó là một thực tế đang diễn ra trong lòng những con phố cũ, nơi nuôi dưỡng và thể hiện rõ nhất “chất” Hà Nội. Điều này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo từ nhiều năm trước, khi làn sóng chuyển dịch cư dân mới manh nha. Vì những lý do khác nhau, nhiều gia đình trí thức và thương nhân "đậm chất Hàng Ngang, Hàng Đào" chuyển dần ra khỏi vùng lõi, mang theo những thanh lịch, hào hoa trong đời sống hằng ngày khỏi nơi đặc quánh “chất” đô thị.

Người Hà Nội cũ ở lại các khu “phố Hàng” hôm nay phần nhiều là tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ tại các khu chợ, những người cố giữ nghề của cha ông hoặc mở hàng ăn uống, dịch vụ. Họ không dư dả, cũng không bần hàn, nhưng sự thanh lịch “rất chi là Hà Nội” lại chẳng còn được bao nhiêu.

Khi đô thị hóa “bùng nổ”, không gian làng quê cần được bảo tồn và lưu giữ. Ảnh: Bá Hoạt


Thủ đô - Kinh kỳ hơn nghìn năm qua luôn là nơi hội tụ để người tứ xứ đổ về định cư, dựng nghề, khởi nghiệp. Họ mang từ ngoài vào nhiều cái mới, từ cung cách làm ăn đến nền nếp hành xử… Các nhà văn, nhà báo Băng Sơn, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến… đã có rất nhiều bài viết chất chứa suy tư về những công dân mới của Hà Nội thời mở cửa.

Còn ông Nguyễn Anh Dũng (phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy), người có nhiều đời sinh sống ở Hà Nội, thì khẳng định: “Không nói chuyện ai hơn ai, cái tôi thấy là những người lớn không dạy con trẻ cách cầm bát, múc canh hay cách ngồi, cách đi đứng, nói chuyện… Điều này rất khác với các gia đình trí thức, thương nhân Hà Nội xưa”.

“Chất” Hà Nội loãng dần ở nơi được xem là “gốc” của Hà Nội và cũng không có bao nhiêu ở những chung cư, những đô thị mới - được xem là một biểu tượng của thành phố hiện đại. Có thể nói, “nhặt” chuyện cách ăn, nếp ở tại các chung cư, buồn nhiều hơn vui.

Một anh bạn đồng nghiệp sinh sống ở một tòa chung cư trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa kể: “Đặt bàn viết cạnh cửa sổ, văn chương chưa kịp ra đã thấy vỏ chuối, bã cà phê bay vèo vèo, nếu trách vài câu không khéo còn bị mắng. Hàng xóm va “chan chát” nơi thang máy, hành lang nhưng mồm miệng như “ngậm hột thị”, chẳng chào nhau lấy một câu. Rồi nhà cửa thì vuông vắn, hiện đại, nhưng đồ dùng nội thất lỉnh kỉnh những món cổ kim, không ăn nhập…”.

Anh bạn đồng nghiệp này cũng nhận xét, những người đồng hương thường kéo nhau về một chỗ mang theo nếp sinh hoạt “đậm” tính vùng miền. Không thể buộc những công dân mới của Hà Nội một sớm, một chiều thích nghi được với lối sống cao ốc, song “ở đâu” thì cũng phải “âu đấy”…

Thăng Long - Hà Nội là một tiến trình đô thị hóa chưa bao giờ ngưng nghỉ, nên những “va đập” trong quá trình “hội tụ, kết tinh” là một tất yếu. Người tứ xứ mang tinh hoa của các vùng miền về Hà Nội. Và sẽ là không thừa nếu ai đó đặt câu hỏi: Thành phố hơn nghìn năm tuổi này sẽ ra sao, nếu không có những chị gánh hàng rong, những chú bé đánh giày? Tuy nhiên, đời sống đô thị đòi hỏi phải có kỷ cương, chấp pháp. Cư dân đô thị không thể tùy tiện với “cái tôi” của mình, dẫu rằng chỉ bởi thói quen lâu ngày khó bỏ.

“Lốc xoáy” qua các miền quê

Như một tất yếu, quá trình thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị luôn song hành. Mỗi người Hà Nội đều có thể cảm nhận được sự “va đập” giữa “văn hóa làng” - “văn hóa phố” hiển hiện trong đủ thứ chuyện vui, buồn.

Ông Cấn Hoàng Uyển, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai nêu: “Làng lên phố, trở thành khu đô thị, khu công nghiệp. Giá đất nhảy bậc thang theo rộng dài quy hoạch. Nông dân “chân lấm tay bùn” được tiền đền bù hoặc bán đất hương hỏa, với cái giá “trong mơ”, trở thành triệu phú, tỷ phú. Không ít người sắm sanh đủ kiểu, chi tiêu bừa phứa cho cuộc sống “lên đời”, thậm chí “hụi họ”, cờ bạc để rồi tiền “bay theo gió”. Đất đai không còn, thế là thành nông dân tay trắng, không biết làm gì để sống đâm ra ấm ách, ứng xử mất cân bằng”.

Mặt khác, đô thị hóa “bùng nổ”, không gian đình chùa, miếu mạo bị thu hẹp, mất dần sự tôn nghiêm. Cây đa, giếng nước, sân đình không còn như xưa, hồn cốt làng cổ cũng theo đó mà phai nhạt. Người dân bỏ quê ra phố kiếm sống, “năng nhặt chặt bị”, rồi mang thói sống đô thị về làng. Thay vì gia cố, sửa chữa những ngôi nhà truyền thống vẫn tồn tại hiền hòa cùng vườn cây, ao cá, người ta dựng "nhà hộp" với đủ thứ bê tông nóng bức.

“Con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà nọ đua nhà kia, ti vi, tủ lạnh, máy giặt… hì hục khuân về. Làng quê không còn yên ả, thanh bình. Chuyện đầu làng “tung trời” karaoke, cuối xóm ỉ eo “nhạc chế” có thể thấy ở rất nhiều vùng quê của Hà Nội. Cuốn trong vòng xoáy đô thị, nếp ứng xử của người làng cũng chẳng còn chân chỉ, thuần nhất như xưa nữa…

Ông Kiều Văn Hợi ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai kể, mấy cậu thanh niên giờ có tật sáng ra xách xe đẹp, xe sang phóng bạt mạng đầu làng, cuối phố. Nhìn qua tưởng bận công to việc lớn gì, hóa ra đi ăn sáng, thả lô đề. Thói khoe mẽ, trưng trổ đời nào cũng nảy ra những chuyện “cười ra nước mắt”như thế!

Tiến trình đô thị hóa ập đến buộc con người phải chuyển động theo tốc độ của nó. Cái cũ mất đi, cái mới ùa vào. Không gian văn hóa truyền thống bị phá vỡ, phong tục tập quán nhạt dần, cung cách ứng xử thuần hậu, chân quê phôi phai ở ngay nơi sản sinh và lưu giữ nó. Tuy nhiên, những hệ lụy không chỉ đến từ tiến trình đô thị hóa. Còn có nhiều vấn đề khác, Hà Nội đã và đang phải đối mặt trong vòng xoáy của sự phát triển.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những “cơn lốc” của “đô thị hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.