Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Niềm tin từ “trầm tích”

Thanh Thủy| 18/07/2018 07:40

(HNM) -

Hà Nội đã tạo lập nhiều không gian văn hóa mới. Ảnh: Thái Hiền


Phong độ văn hóa Hà Nội

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nhiều lần khẳng định: “Thăng Long - Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có sắc thái ngôn ngữ riêng, bản lĩnh riêng”. Phong độ ấy được khẳng định bởi nền tảng văn hóa, tồn tại như những “trầm tích”, hình thành qua quá trình “gạn đục, khơi trong” suốt tiến trình lịch sử. Thực tế cho thấy, dẫu có lúc bị khuất lấp trong nhiều luồng văn hóa với bao "sự cố", “trầm tích” Hà Nội vẫn như mạch ngầm lấp lánh. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, Hà Nội trải qua hơn nghìn năm với bao binh biến, thăng trầm vẫn vang danh cốt cách “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Sự va đập giữa những giá trị, quan niệm có thể tạo nên những tiếp biến nhưng nền tảng, cái lõi văn hóa Hà Nội vẫn âm thầm tồn tại, khi có điều kiện lại hiện ra lấp lánh giữa đời sống chúng ta.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long dẫn chứng: Hà Nội hôm nay có nhóm bạn trẻ duy trì nếp cuối tuần nhặt rác quanh Hồ Gươm; nhiều nhóm khác theo đuổi hành trình “Biến bãi rác thành vườn hoa”, “Tái chế ve chai, giải cứu môi trường”,… hay “Hà Nội bộ hành” tuyên truyền quảng bá di sản kết hợp gây quỹ ủng hộ. Ở nhiều con đường, góc phố không khó để bắt gặp những ấm trà, tủ bánh, quán cơm, điểm giao nhận quần áo từ thiện, phục vụ người nghèo… Khuất lấp trong nhiều ngõ là những phòng khám, lớp học miễn phí... của những cán bộ hưu trí nặng lòng với xã hội. Đó là những nét đẹp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và con người với di sản.

Điều đó cho thấy, việc khơi dậy nét đẹp ứng xử không phải là bất khả thi. Nếp sống đô thị cần được hình thành, nuôi dưỡng từ nền tảng văn hóa; đồng thời, bổ sung thêm cung cách ứng xử mới cho phù hợp với thời đại, như: Tư duy đô thị, phong cách công nghiệp, tinh thần thượng tôn pháp luật…

Phát huy bản sắc kinh kỳ

Nhà văn hóa Hữu Ngọc từng nói: “Cần phải biết tự trào về những thói hư, tật xấu của mình. Không nên coi đó là chuyện “vạch áo cho người xem lưng”; có bệnh thì chữa và đó chính là sức mạnh”. Những “sự cố” văn hóa xuất hiện trong muôn mặt đời sống đòi hỏi người Hà Nội phải xây dựng cho được một hệ thống giá trị cơ bản mang tinh thần thời đại; những giải pháp căn cơ, đủ mạnh để loại bỏ hệ lụy từ quá trình tiếp biến văn hóa khi mở cửa và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Niềm tin càng được nhân lên từ những kết quả bước đầu trong tiến trình Hà Nội triển khai Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, chú trọng đầu tư; công nghiệp văn hóa đang từng bước được định hướng phát triển ở cấp độ mới; rồi bảo tồn di tích, tạo dựng những không gian văn hóa mới (phố đi bộ) kết hợp với phát triển du lịch di sản, du lịch văn hóa… Người Hà Nội đang làm giàu cho văn hóa Hà Nội và ở chiều ngược lại, đây chính là nền tảng để xây dựng văn hóa người Hà Nội.

Một bước hiện thực hóa Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy, tạo dựng “thương hiệu” văn hóa người Hà Nội làm nền tảng trong giai đoạn phát triển mới trước những thách thức mới, thành phố đã tập trung thực hiện cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với quy mô lớn - được triển khai tới từng cơ quan, đơn vị. Cụm từ “quy tắc ứng xử” đã đến với mỗi người dân trên địa bàn và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện qua những việc làm, những chương trình như: Dự án camera 360 trẻ; cuộc thi ảnh báo chí “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh”; những tọa đàm tìm hiểu quy tắc ứng xử, hội thi nét đẹp công sở…

Hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” đã lắng xuống sau khi bị chỉ mặt; tình trạng ăn mặc hở hang tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được ngăn chặn, nhiều di tích đã cho du khách mượn áo choàng miễn phí; hành vi ném rác bừa bãi thưa dần, bởi sự lên án của cộng đồng... Ông Lê Thế Vĩnh (phường Xuân La, quận Tây Hồ) nhận xét: Có rất nhiều thay đổi từ việc triển khai quy tắc ứng xử. Sau một thời gian kiên trì bảo ban, nhắc nhở nhau, những hiện tượng phổ biến một thời như: Mang bếp than ra đường đun nấu, thả rông vật nuôi, treo biển quảng cáo, xả rác bừa bãi… đã được đẩy lùi một phần.

Cùng với đó là những việc làm hay, hành động đẹp ngày một lan tỏa. Từ việc trông xe miễn phí của Đoàn Thanh niên Công an quận Tây Hồ tại Di tích phủ Tây Hồ đã hóa giải được tình trạng nhộn nhạo, thu tiền không đúng quy định... tại khu vực này. Để rồi, việc làm này được nhiều nơi khác học tập, nhân rộng. Rồi con đường tranh gốm ở phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, với mục tiêu ban đầu chỉ là ngăn chặn rác quảng cáo nhưng sau những hành động đẹp, bức tường bê tông xám xịt đã biến thành nơi kể chuyện văn hóa, lịch sử về đất kinh kỳ... Bà Bùi Thị Sinh, Tổ phó tổ dân phố 28, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy kể: Từ những việc nho nhỏ như thế, người dân trong khu phố đã nỗ lực tạo nên những điều ý nghĩa, tô đẹp nơi cư trú, đồng thời là chất keo gắn kết cộng đồng.

Đánh giá hiệu quả bước đầu triển khai Chương trình 04-CTr/TU (giai đoạn 2016-2020), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Sức lan tỏa của Chương trình góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố. Đặc biệt, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với thực hiện hai quy tắc ứng xử đã có nhiều chuyển biến, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng xã hội. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án và tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng để có thêm sáng kiến, giải pháp trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bồi đắp và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Niềm tin từ “trầm tích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.