Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ Chingiz Aitmatov - Nhà văn huyền thoại

Thu Hằng| 01/08/2018 11:07

Xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Chingiz Aitmatov là lòng yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm con người, là sự phấn đấu cho con người được sống trong một xã hội nhân ái, hài hòa với tự nhiên.

Người đại diện ưu tú nhất của núi đồi và thảo nguyên Kyrgystan

Chingiz Aitmatov là nhà văn, dịch giả, nhà báo, nhà ngoại giao nổi tiếng, Anh hùng Lao động Liên Xô, Giải thưởng Lênin (1963), Giải thưởng Nhà nước các năm 1968, 1977, 1983… Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học -Nghệ thuật châu Âu, Paris 1983. Ông là “báu vật”, là niềm tự hào không thể thay thế của người dân Nga và Kyrgystan (trước đây là nước cộng hòa Kirghizia thuộc Liên Xô) quê ông.

Nhà văn Chingiz Aitmatov năm 1978.


Sinh tại thung lũng Talax (Kyrgystan), Chingiz Aitmatov xuất thân trong một gia đình phải chịu nhiều biến cố của cuộc sống. Cha ông, một cán bộ đảng, bị đưa đi cải tạo rồi bị xử tử năm 1938. 60 năm sau, thi thể cha ông mới được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở miền Bắc Kyrgystan. Mẹ ông, một diễn viên nhà hát địa phương, gốc Tacta, phải một mình làm lụng vất vả để nuôi 4 người con.

Học xong lớp 8 (1948), Aitmatov thi vào trường Trung cấp Thú y Dzhambul và tốt nghiệp xuất sắc nên được tuyển thẳng vào Đại học Nông nghiệp Kirgiz. Ngay từ thời sinh viên, Aitmatov đã say mê viết văn. Từ 1956 đến 1958, ông theo học Viện Văn Gorki ở Moscow rồi chuyển sang hoạt động báo chí và văn học. Thời gian này, Aitmatov xuất bản hai tuyển tập truyện ngắn bằng tiếng Nga và tiếng Kirgiz. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, ông đã chứng tỏ sự trưởng thành về mặt tư tưởng, nghệ thuật và tài năng của mình.

Truyện “Giamilia” (1958) ca ngợi khát vọng tìm kiếm tự do của con người thông qua hình ảnh Giamilia - một phụ nữ trẻ mạnh mẽ người Kirgiz, dám chống lại những phong tục tập quán cổ hủ, lỗi thời để đến với tình yêu.

Bản in "Người thầy đầu tiên" kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn (12-12-2018).


Tập “Núi đồi và thảo nguyên” (1961) gồm 3 truyện vừa: “Người thầy đầu tiên”, “Cây phong non trùm khăn đỏ” và “Mắt lạc đà” mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc từ những trang viết chân thật, giản dị nhưng toát lên vẻ đẹp lạ lùng. Ai cũng yêu mảnh đất có núi đồi thảo nguyên hùng vĩ, thơ mộng; yêu những câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn; yêu những con người như Đuysen, Antunai, Ilyax, Axen… Tình yêu lứa đôi, tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước được nhà văn thể hiện hết sức xúc động. Ngòi bút của ông đã đi vào những góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn con người.

Sau hai tập truyện trên, mỗi tác phẩm mới của Aitmatov ra đời là một sự kiện mới trong đời sống văn học Xô viết. Hầu hết các sáng tác của Ajtmatov như: “Cánh đồng mẹ” (1963), “Vĩnh biệt Gulsary” (1966), “Con tàu trắng” (1970), “Sếu đầu mùa” (1975), “Con chó khoang chạy ven bờ biển” (1977), “Một ngày dài hơn thế kỷ” (1980), “Đoạn đầu đài” (1986)… đều viết về dân tộc Kirgiz. Các tác phẩm đều khẳng định sức khám phá, sáng tạo của một nghệ sĩ lớn khi khái quát hiện thực xã hội. Chingiz Ajtmatov đã kết hợp tài tình tính dân tộc và tính hiện đại trong khi vận dụng nhuần nhuyễn truyền thuyết và huyền thoại dân gian lẫn khoa học viễn tưởng vào tác phẩm của mình. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim.

Viết bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Nga, văn phong của Chingiz Ajtmatov giản dị, tế nhị nhưng hàm súc, cô đọng, giàu chất trữ tình và chất suy tưởng. Theo số liệu của UNESCO, các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng và luôn được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, Aitmatov là một trong những nhà văn Xô viết được yêu mến nhất, bởi các tác phẩm của ông được xem là biểu tượng của văn chương đích thực, mang đậm lý tưởng nhân văn, hướng thiện.

Lớn lên từ câu chuyện cổ tích của bà

Truyện của Aitmatov đầy chất thơ, chất trữ tình theo kiểu riêng. Ngay cả khi nhà văn nói về những hoàn cảnh bi đát, những số phận khốn khó… vẫn đem lại cho người đọc niềm tin vào lương tri và lẽ phải.


Là người con của Kyrgizia nên ông gắn bó rất sâu nặng với di sản văn hóa cổ xưa của dân tộc mình. Aitmatov tâm sự: “Trong sáng tác của tôi gần như ở tác phẩm nào cũng có hướng tới các chủ đề thần thoại. Đó là nguồn chất liệu cực kỳ giàu có. Nhờ bà tôi mà các truyền thuyết, truyện cổ, các trường ca dân gian đã tác động rất mạnh mẽ tới tôi ngay từ thời thơ ấu. Bà tôi là một người cực kỳ đặc biệt, một nhà kể chuyện cổ tích vĩ đại. Thời ấy làm gì có truyền hình, đến đài phát thanh cũng chưa có. Có thể nói chính bà tôi là tivi của tôi”. Nhà văn đã kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với chất thi ca của truyền thuyết, hòa trộn với hiện thực đời sống để tạo nên một giọng điệu không thể bắt chước. Trong tiểu thuyết “Một ngày dài hơn thế kỷ”, Aitmatov đã kể chuyện một cậu bé giết chết mẹ mình vì hắn không nhớ ra mẹ là ai. Một khi văn hóa dân tộc bị lãng quên, ký ức cội nguồn bị xóa bỏ, con người sẽ trở thành nô lệ cho kẻ khác, cho văn hóa của kẻ khác. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông đã lấy lại từ “mankurt” trong truyền thuyết Thổ Nhĩ Kỳ để nói về những “kẻ mất gốc”. Và từ tiểu thuyết, “mankurt” đã trở thành một danh từ chung chỉ loại người mất văn hóa, mất ký ức cội nguồn. Aitmatov đã gióng lên lời cảnh báo ấy trong nhiều tác phẩm của ông.

Tiểu thuyết “Đoạn đầu đài” được xem là tác phẩm bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Aitmatov. Ở tác phẩm này, ngòi bút Aitmatov đã tìm cách đi sâu phanh phui bản chất của cái ác đang có nguy cơ hủy diệt nhân tính. Ông nhìn thấy con người đang đi đến “đoạn đầu đài” của mình bằng sự suy thoái nhân phẩm, sự đầu độc bản thân, sự tàn phá thiên nhiên, săn đuổi động vật…

Nhà văn Chingiz Aitmatov bên gia đình.


Có thể nói, những sáng tác của Aitmatov nổi bật ở tình yêu với con người, thiên nhiên và cả loài vật, vì vậy nó mang ý nghĩa triết lý nhân sinh và giá trị nhân đạo sâu sắc. Hiện thực cuộc sống được tái hiện một cách sống động bằng một tư duy nghệ thuật đặc sắc của ông đã tạo nên một sự lôi cuốn, hấp dẫn và hứng thú đối với độc giả. Cùng với việc hướng đến và phản ánh những vấn đề hiện thực mang tính trữ tình lãng mạn thấm đẫm chất thơ và chất sử thi; quan tâm những vấn đề mang tính đạo đức xã hội trên bình diện triết học ở tầm vĩ mô của cả loài người… sáng tác của Aitmatov nổi bật việc tái tạo thời gian nghệ thuật ở nhiều cấp độ khác nhau, góp phần chuyển tải những tín hiệu thẩm mỹ đến người đọc. Chính điều đó đã tạo nên phong cách Aitmatov và hệ thống thi pháp của nhà văn.

Có một nhà ngoại giao Aitmatov

Nhà văn của núi đồi và thảo nguyên từng giữ nhiều trọng trách từ thời Liên Xô trước đây và ở nước Cộng hòa Kyrgystan sau này. Năm 1990, ông được Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Luxembourg. Giai đoạn 1994-2008, ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kyrgystan ở Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Liên minh châu Âu (EU) và UNESCO. Trên cương vị đại sứ, Aitmatov luôn là người kêu gọi sự đoàn kết, cùng phát triển giữa các dân tộc dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Tuy nhiên, có người trách ông đã phung phí quá nhiều thời gian vào những trọng trách xã hội. Dù đã cố gắng tận dụng hoàn cảnh của mình nhưng đôi lúc Aitmatov trăn trở: “Rất nhiều dự kiến sáng tác vẫn chỉ ở giai đoạn mới bắt đầu và đấy chính là bi kịch lớn nhất đối với tôi. Các ý tưởng vẫn đang tồn tại rất sống động nhưng tôi lại không đủ thời gian để biến chúng thành hiện thực. Hình bóng các nhân vật ám ảnh, đeo bám trí óc, thậm chí đôi khi còn bủa vây đến nghẹt thở. Giá tôi có được thêm một kiếp nữa, hẳn tôi sẽ triển khai được phải biết…”.

Nhà văn Chingiz Aitmatov ký sách tặng độc giả.


Năm 2008, Chính phủ Kyrgystan quyết định chọn là “Năm Aitmatov”. Nước Cộng hòa Kyrgystan dự định sẽ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của nhà văn vĩ đại vào tháng 12-2008. Khi bộ phim tài liệu về cuộc đời Aitmatov đang được thực hiện thì ông lâm bệnh và không thể bình phục lại. Ngày 10-6-2008 tại một bệnh viện ở thành phố Nurenberg (Đức), Chingiz Aitmatov đã mãi mãi bay về với những đồng cỏ, núi đồi và thảo nguyên bao la của vùng đất quê hương mà ông đã dành cả đời để viết về nó một cách khó quên nhất.

“Đây là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Chingiz Aitmatov luôn ngự trị trong ký ức chúng ta như một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà trí thức và nhà nhân đạo vĩ đại” - Thủ tướng Nga Vladimir Putin viết trong điện chia buồn. Trong đám tang ông, nhà văn Nga Victor Yerofeyev nghẹn ngào: “Aitmatov ngập trong quà tặng, huy chương và những lời tán tụng nhưng vẫn luôn lương thiện và không thể bị mua chuộc” . Đó là lời tiễn biệt ý nghĩa nhất. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Chingiz Aitmatov - Nhà văn huyền thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.