Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư: Lợi ích “kép”!

Linh Nhi| 11/08/2018 08:04

(HNM) - Hương ước là tập hợp các quy tắc xử sự chung mang tính tự quản do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội, qua đó giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 2175/UBND-NC triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện hương ước, quy ước đem lại lợi ích "kép". Báo Hànộimới trích đăng một số ý kiến về vấn đề này:

Lễ hội ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) được tổ chức văn minh, mang đậm bản sắc truyền thống theo đúng quy định của hương ước, quy ước thôn, làng. Ảnh: Anh Tuấn


Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội:
Thực hiện hương ước mang lại hiệu quả "kép"

Theo Thông tư liên tịch số 03 ngày 31-3-2000 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hương ước, quy ước là một công cụ tự quản ở cộng đồng dân cư, phát huy vai trò quyền lực của Nhà nước trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động khác do trung ương và địa phương phát động làm nổi bật vai trò của chính quyền cơ sở trong việc thực thi quyền lực nhà nước... Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền vận động nhân dân thực hiện hương ước gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả, đến nay, 76,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 87% gia đình đạt văn hóa; 60% thôn, làng văn hóa; 70% tổ dân phố văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,69%... Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng vận động nhân dân thực hiện hương ước gắn với phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; chỉnh trang khu dân cư, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông và phát triển ngành nghề truyền thống... Hương ước đã mang lại hiệu quả “kép”: tạo dựng những khu dân cư văn hóa, đoàn kết, hướng mọi người vào chuẩn mực đạo đức, tuân thủ pháp luật.

Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông:
Công cụ tự quản hữu hiệu ở địa bàn dân cư

Việc thực hiện hương ước trên địa bàn quận Hà Đông đã góp phần giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp, tạo sự ổn định chính trị xã hội; tạo niềm tin cho nhân dân vào chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng địa phương phát triển vững mạnh, đúng hướng. Kể từ ngày 1-8-2018, công tác xây dựng Quy ước tổ dân phố trên địa bàn quận Hà Đông được UBND quận thực hiện theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã chỉ đạo UBND các phường rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy ước tổ dân phố hoặc ban hành mới quy ước với các nội dung phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; thực hiện dân chủ cơ sở; chính sách dân số trong tình hình mới; xây dựng nếp sống văn minh, quy tắc ứng xử nơi công cộng; bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự ở cộng đồng dân cư... Đây thực sự là công cụ tự quản hữu hiệu ở địa bàn dân cư, làm cơ sở để chính quyền xử lý các vi phạm, hỗ trợ pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ nhân dân trước yêu cầu thực tiễn về quản lý xã hội.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm):
Công khai, đồng thuận xây dựng, thực hiện quy ước

Trước đây, phường Bạch Đằng có 81 tổ dân phố đều có quy ước và được UBND quận phê duyệt, khi thực hiện Đề án 06 của TP Hà Nội rút gọn lại còn 47 tổ dân phố, quy ước cũ không còn phù hợp, phường đã xây dựng quy ước mới, phù hợp với từng tổ dân phố, trên cơ sở quy ước trước khi sáp nhập, cộng thêm sự đồng thuận cao từ nhân dân tại các hội nghị đại biểu nhân dân. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi căn cứ tình hình thực tế, hằng năm quy ước được đưa ra bàn, bổ sung, gắn với nhiệm vụ của địa phương từng thời điểm. Mới đây nhất, theo Công văn số 2175/UBND-NC của UBND thành phố, phường Bạch Đằng đã chỉ đạo các khu dân cư, tổ dân phố rà soát, bổ sung nội dung quy ước gắn sát hơn với thực tiễn như bỏ quy định sinh con thứ 3 thì không đạt gia đình văn hóa, thêm nội dung thực hiện tốt quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh... Quy ước đi vào cuộc sống sẽ là cơ sở để mọi người cùng chung sức xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, tổ dân phố văn hóa.

Ông Phạm Văn Lê, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy):
Không còn e ngại né tránh nhắc nhở người có sai phạm


Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, tổ dân phố chúng tôi đã tập hợp những cán bộ cao cấp nghỉ hưu, hiểu biết về luật, dự thảo quy ước rồi tổ chức lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, đưa ra họp bàn với nhân dân trước khi trình chính quyền xem xét phê duyệt. Quy ước của tổ dân phố gồm 9 điều: Thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; xây dựng cảnh quan môi trường; xây dựng tổ văn hóa an toàn..., bảo đảm bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật, trong đó nêu trách nhiệm của từng người dân trong việc bảo đảm đoàn kết tình làng nghĩa xóm, trật tự xã hội, các vấn đề dân sinh về văn hóa, môi trường... Có quy ước mọi người không còn e ngại né tránh nhắc nhở những ai vi phạm các điều đã được quy định. Đặc biệt, nhờ có quy ước tổ dân phố đoàn kết hơn, trách nhiệm với cộng đồng hơn, trong hai năm qua, chúng tôi quyên góp được 700 triệu đồng để sửa sang, nâng cấp đường, ngõ, trồng cây, tạo cảnh quan môi trường xây dựng tổ dân phố văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư: Lợi ích “kép”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.