Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng quy chế quản lý hoạt động phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Theo Đinh Thuận (TTXVN)| 25/11/2018 10:47

Không thể phủ nhận hiệu quả của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sau gần hai năm đi vào hoạt động, song để khu vực này trở thành một không gian văn hóa đúng nghĩa, còn rất nhiều việc cần hoàn thiện.


Một số tồn tại đã được chỉ ra từ vấn đề giao thông tĩnh, hàng rong, vệ sinh môi trường, biểu diễn nghệ thuật... Vì vậy, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, ứng xử có văn hóa tại không gian đi bộ đang được thành phố Hà Nội tính đến và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.

Với những cô bé, cậu bé thì đây thực sự là những trải nghiệm tuổi thơ tuyệt vời và bình dị khi được cùng cha mẹ chơi các trò chơi dân gian truyền thống tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN


Vẫn còn tồn tại

Những con số có thể coi là ấn tượng khi quận Hoàn Kiếm đưa ra, đó là ban ngày lượng khách đến vui chơi tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ 3.000-5.000 người, song buổi tối có thể tăng lên từ 15.000-20.000 người.

Khách du lịch quốc tế lưu trú đến quận Hoàn Kiếm tăng nhanh, số cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ dịch vụ du lịch tăng. Điều đó cho thấy, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm không chỉ là nơi vui chơi của người dân, góp phần phát huy giá trị văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm mà còn thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch cho quận Hoàn Kiếm.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, việc tổ chức không gian đi bộ là hướng đi đúng của thành phố, tạo điểm nhấn du lịch cho trung tâm Hà Nội.

Do vẫn ở giai đoạn thí điểm nên không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm còn nhiều bất cập, chính quận Hoàn Kiếm cũng đã thừa nhận. Bất kỳ buổi tối cuối tuần nào tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đều chứng kiến hàng rong tập kích vào khu vực này, tập trung ở khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Lực lượng chức năng đến "dẹp", những người này ẩn nấp đâu đó, sau lại tái xuất.

Từ đồ chơi trẻ em, hàng ăn uống đến hàng loạt hàng hóa khác khiến không gian đi bộ ít nhiều lộn xộn. Các cửa hàng trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền lấn chiếm vỉa hè, khách ngồi tràn lan nên tình trạng vứt rác tùy tiện thường xuyên diễn ra. Cho dù đơn vị vệ sinh môi trường cắt cử người dọn dẹp nhưng do ý thức của người dân và du khách nên nhiều khu vực vẫn tồn đọng rác.

Hơn nữa, nhiều nhóm nhạc và cá nhân tự phát biểu diễn nghệ thuật tại không gian đi bộ, không thông qua cơ quan quản lý là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, mở loa công suất lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh và gây xung đột lẫn nhau.

Cũng do không xin phép cơ quan chức năng nên chất lượng nghệ thuật chưa đảm bảo, nhiều nhóm nhạc và cá nhân biểu diễn với mục đích xin tiền, tạo nên hình ảnh không đẹp. Đặc biệt, khu vực này xuất hiện một số trường hợp người nước ngoài biểu diễn xin tiền. Dù vậy, khi kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ dừng ở mức nhắc nhở, không có chế tài xử lý.

Tình trạng quá tải ở một số điểm giao thông tĩnh, người dân tự ý trông giữ xe trái phép thu giá cao, dắt súc vật vào không gian đi bộ, cho thuê xe điện, giày trượt patin... chưa giải quyết triệt để.

Xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa

Việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, ứng xử có văn hóa tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm không phải bây giờ mới nhắc tới. Thực tế từ năm 2017, quận Hoàn Kiếm đã ban hành nội quy tạm thời quản lý các hoạt động trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm dành cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và nhân dân đến tham quan, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí.

Trong đó, quận Hoàn Kiếm quy định tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; có thái độ ứng xử văn hóa; không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu thiếu văn hóa.

Các tổ chức, cá nhân không tự ý tổ chức, biểu diễn hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát ra âm thanh công suất lớn. Gia súc, gia cầm cũng bị cấm dắt vào không gian đi bộ. Hàng rong, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua hàng, xin tiền cũng bị cấm tuyệt đối. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa được xử lý triệt để bởi chưa có chế tài xử lý, chưa có sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Để khắc phục tồn tại này, nhất là khi Hà Nội đang triển khai sâu rộng Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tế, việc tạo môi trường văn minh, văn hóa tại không gian đi bộ là vấn đề đang được thành phố quan tâm.

Không dừng lại ở quy định thuộc sự quản lý của cấp quận, UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, với trách nhiệm tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị và địa phương. Trong đó, thành phố vẫn chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong không gian đi bộ.

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, việc xây dựng quy chế cho không gian đi bộ là rất cần thiết và cần có sự xác định rõ phạm vi, chức năng tuyến phố đi bộ để xây dựng quy chế phù hợp.

Hiện quy chế đang trong quá trình hoàn thiện để sớm đưa vào triển khai. Khi đó, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ ít nhiều hạn chế được những bất cập để trở về đúng nghĩa là không gian văn hóa, điểm đến hấp dẫn của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quy chế quản lý hoạt động phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.