Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ vai trò Phật hoàng Trần Nhân Tông với lịch sử dân tộc và tư tưởng Phật giáo

Hoàng Lân| 05/12/2018 16:02

(HNMO) - Nhân kỷ niệm 760 năm ngày sinh và 710 năm ngày Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) nhập niết bàn, ngày 5-12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm khoa học “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”.

Toàn cảnh của hội thảo.


Thăng Long – Hà Nội đã trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm, dưới thời Trần, Hoàng thành và Kinh thành tiếp tục được gia cố, xây dựng thêm so với thời Lý. Nhà Trần cũng xây dựng nhiều ngôi chùa trong hoàng cung, làm nơi thực hành nghi lễ Phật giáo Hoàng gia.

Thời nhà Trần, Thăng Long đối mặt với những thử thách cam go khi vó ngựa Nguyên – Mông xâm lược. Nhưng quân dân Đại Việt đã ba lần đánh tan giặc Nguyên – Mông. Người hai lần lãnh đạo quân dân đánh tan quân Nguyên là Vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, đồng thời cũng là người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề: Khẳng định vai trò trung tâm của Vua Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc, sự phát triển của văn hoá Thăng Long; những phát hiện mới về hệ thống di tích chùa tháp Trúc Lâm trên địa bàn Đông Triều; những nét đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; phát huy tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống đương đại...

Toạ đàm đã cung cấp những cứ liệu khoa học khẳng định tài năng chính trị, quân sự; giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lãnh đạo đất nước, trong phát triển Phật giáo; di sản liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử...

Cũng trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung.

Trong lĩnh vực chính trị, quân sự, khi đối mặt với giặc Nguyên mạnh, ngoài tài năng quân sự, Vua Trần Nhân Tông đã thể hiện tầm vóc của một nhà lãnh đạo tài ba bằng tổ chức hội nghị Bình Than bàn kế sách, đặc biệt là việc tổ chức Hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến các bô lão, vừa thể hiện tinh thần coi trọng nhân dân, vừa có ý nghĩa khích lệ tinh thần đoàn kết một lòng đánh giặc.

Việc Vua Trần Nhân Tông giao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng như việc thời Trần xuất hiện hàng loạt danh tướng, nhà chính trị tài ba đã thể hiện tầm nhìn, khả năng trong sử dụng người tài.

Khi chiến tranh kết thúc, Vua Trần Nhân Tông thiết lập một nền chính trị khoan hoà, lấy dân làm gốc. Chính ngài đã sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm dấu ấn tư tưởng Việt Nam, kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội thống nhất, xây dựng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trở thành Thiền phái độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam với tinh thần nhập thế, gắn bó với dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ vai trò Phật hoàng Trần Nhân Tông với lịch sử dân tộc và tư tưởng Phật giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.