Theo dõi Báo Hànộimới trên

GS.TSKH Lê Thế Trung: Nghề y phải lấy tâm, đức làm đầu

Đức Trung| 03/02/2010 06:51

(HNM) - Vẫn tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt sáng và giọng nói sang sảng, không ai nghĩ GS.TSKH Lê Thế Trung đã ở tuổi 82. Ông bảo:

Có thế mới nói, mới khuyên bảo được bệnh nhân chứ". Cả quãng đời sự nghiệp cho đến bây giờ ông vẫn luôn tâm niệm, người làm nghề y muốn giúp ích được cho mọi người, nhất là người bệnh nghèo thì phải lấy cái tâm, cái đức làm đầu.

Trai gốc Hà Nội, sinh tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Học xong Trường Bưởi, ông tham gia Đoàn thanh niên Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, gia nhập Tự vệ thành rồi vào Vệ quốc đoàn. Năm 1946, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp trao bằng y tá, ông bắt đầu nghề thầy thuốc. Hai mươi mốt tuổi, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng sau đó, người thanh niên Hà Nội Lê Thế Trung đã được tín nhiệm cử làm Chủ nhiệm Quân y của Trung đoàn Sông Lô (thuộc Đại đoàn 312).

Năm 1959, ông được điều về Trường Sĩ quan Quân y. Do chiến tranh ác liệt, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá, bác sĩ Lê Thế Trung được đơn vị cử sang Liên Xô học đại học chuyên ngành Bỏng. Năm 1964 về nước, ông là người đầu tiên sáng lập khoa Bỏng (sau này là Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác). Trực tiếp cứu chữa thương binh trong các chiến dịch lớn, ông đã mang những điều mắt thấy đến Hội nghị Oslo (Nauy) để nói cho thế giới biết về tội ác của đế quốc Mỹ trong việc sử dụng các vũ khí hủy diệt ở Việt Nam. Năm 1986, bác sĩ Lê Thế Trung bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô và trở về Tổ quốc, giữ trọng trách Giám đốc Học viện Quân y cho đến năm 1995.

Luôn miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, GS.TSKH Lê Thế Trung trở thành tác giả của nhiều công trình khoa học nổi tiếng. Ông là người đã tìm ra trên 50 cây thuốc chữa bỏng, điển hình là cây sến (Maduxin). Với những kiến thức đã học được ở nước ngoài cộng với vốn hiểu biết về y học cổ truyền, ông đã nghiên cứu và sử dụng rộng rãi da ếch trong điều trị bỏng, đồng thời ông còn là chủ đề tài Khám lưỡi để chẩn đoán bệnh, châm tê để mổ và là chuyên gia hàng đầu về ghép tạng và ung thư... Những công trình của GS.TSKH Lê Thế Trung đã góp phần không nhỏ trong việc điều trị bỏng, đưa chuyên ngành bỏng của Việt Nam sánh ngang tầm với các nước trong khu vực.

Không chỉ là người tâm huyết, giỏi nghề, mà với người bệnh, ông luôn ân cần chăm sóc, động viên người bệnh, nhất là bệnh nhi, coi họ như ruột thịt của mình. Mỗi khi nhắc đến bé Diệp ở Nam Định là bệnh nhi đầu tiên được ghép gan tại Việt Nam, ông lại ngập tràn cảm xúc và tình yêu thương. Bản thân bé Diệp và gia đình bé từ lâu đã gần gũi, coi ông là ân nhân. GS.TSKH Lê Thế Trung đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

GS.TSKH Lê Thế Trung luôn tâm niệm: Người thầy thuốc phải lấy cái tâm, cái đức làm đầu, không được làm giàu trên nỗi đau của người bệnh. Đấy mới là cái đạo của những người làm nghề y. Điều này được các con ông ghi nhớ và coi đó là hành trang để trưởng thành. Chẳng thế mà 8 trong số 9 người con của ông đã tham gia lực lượng vũ trang, đa số phục vụ và đều thành danh trong ngành quân y. Điển hình là người con trai cả - Đại tá PGS.TS Lê Trung Hải. Hiện nay, PGS.TS Lê Trung Hải cũng là một trong số ít chuyên gia hàng đầu về ghép tạng và phẫu thuật gan mật của Việt Nam. Trong ca ghép gan đầu tiên ở nước ta, anh là cánh tay phải đắc lực cho GS Mashito Makuchi, người thực hiện ca mổ. Với anh, người cha và gia đình chính là động lực lớn giúp anh tiến lên chinh phục các đỉnh cao của khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TSKH Lê Thế Trung: Nghề y phải lấy tâm, đức làm đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.