Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để không phải… kiện ?

Bảo Nga| 05/09/2011 06:06

(HNM) - Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã trở thành

Trước thực trạng đó, BHXH thành phố đang hoàn tất việc khởi kiện ra tòa 10 doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ đọng tiền BHXH, BHYT của người lao động. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến của những người trong ngành BHXH cũng như của chính người lao động...

Ông Trương Trọng Thắng (Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội): Sớm nâng mức lãi suất truy thu
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái, việc một số doanh nghiệp (DN) bị thua lỗ, buộc phải trả chậm tiền BHXH là có thể thông cảm được. Tuy nhiên, nhiều DN có uy tín, qua theo dõi kết quả báo cáo tài chính đều cho thấy họ làm ăn tốt, nhưng lại cố tình chây ỳ không nộp BHXH cho người lao động là không thể chấp nhận được. Nguyên nhân chính khiến ngay cả các DN làm ăn có lãi vẫn cố tình không nộp BHXH là do hiện nay phần truy thu nợ đọng BHXH chỉ tính lãi suất 10,5% và 8% với BHYT, trong khi lãi suất ngân hàng mà DN vay cao gấp đôi. Chưa kể, muốn vay tiền của ngân hàng, DN phải có một tài sản thế chấp tương đương. Nếu nợ đọng tiền bảo hiểm khoảng 1 tỷ đồng trở lên, coi như DN đã có thêm một nguồn vốn kinh doanh với "lãi suất" thấp. Chính vì vậy, BHXH thành phố Hà Nội kiên quyết khởi kiện ra tòa các đơn vị cố tình không nộp, dù việc khởi kiện cũng không mấy dễ dàng. Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là việc lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện DN. Để "lách luật", nhiều chủ sử dụng lao động thường trốn đoàn kiểm tra, để cấp phó làm việc với đoàn và ký vào biên bản. Trong khi đó, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp lại không chấp nhận chữ ký của cấp phó.

Theo tôi, để hạn chế nợ đọng BHXH, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, công bố danh tính DN, tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các đơn vị nợ đọng BHXH..., các cơ quan chức năng cần sớm nâng mức lãi suất truy thu của BHXH lên ngang với lãi suất ngân hàng. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ khởi kiện DN, tạo điều kiện cho cơ quan BHXH sớm truy thu được số tiền nợ đọng.

Ông Lê Minh Hoàn (Phó Giám đốc BHXH quận Ba Đình): Biện pháp đòi nợ chưa quyết liệt
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có biện pháp đòi nợ của BHXH thành phố chưa quyết liệt, nhất là việc khởi kiện ra tòa dân sự các đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT. Đã 3 năm nay, năm nào BHXH một số quận, huyện cũng đưa hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT ra tòa, nhưng thực tế tòa dân sự mới xử được duy nhất một DN. BHXH thành phố Hà Nội cũng chưa có kế hoạch cụ thể với Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để làm cơ sở cho BHXH, tòa án các quận, huyện khởi kiện và xét xử các đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT. Thủ tục khởi kiện các đơn vị nợ tiền BHXH cũng chưa được phổ biến cụ thể, rõ ràng, vì vậy một số BHXH quận, huyện phải đi lại tòa dân sự nhiều lần mới hoàn chỉnh được hồ sơ…

Để thực hiện nghiêm Luật BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xây dựng, sửa đổi một số chế tài xử phạt các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT nghiêm khắc hơn. Cơ quan BHXH thành phố Hà Nội cũng khẩn trương làm việc cụ thể với ngành tòa án thành phố về việc khởi kiện và xử kiện kịp thời một số đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT.

Anh Nguyễn Quốc Hùng (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng): "Ăn bớt" quyền lợi của người lao động
Mới ra trường, tôi dự thi và trúng tuyển vào một cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố. Ngay từ khi phỏng vấn, tôi đã cẩn thận hỏi rõ về chế độ và yên tâm khi được trả lời BHXH được đơn vị thực hiện ngay sau khi ký hợp đồng chính thức. Trong suốt hơn 9 năm công tác, tháng nào tôi cũng bị trừ tiền BHXH, BHYT theo mỗi kỳ lương, nhưng khi chuyển sổ bảo hiểm sang chỗ làm mới, tôi mới biết đơn vị cũ còn nợ BHXH, BHYT từ nhiều năm nay. Thực chất "sổ bảo hiểm" mà họ bắt chúng tôi phải đóng hằng tháng chỉ là sổ bảo hiểm khống, không có số đăng ký tại cơ quan BHXH, nên không có giá trị. Trên thực tế, không chỉ có các DN mới xảy ra tình trạng chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, mà ngay tại các cơ quan hành chính sự nghiệp cũng xảy ra tình trạng này.

Việc chậm, không đóng BHXH, BHYT là sự chiếm dụng vốn của ngành BHXH và "ăn bớt" quyền lợi của người lao động. Theo tôi, đã đến lúc phải xem khởi kiện ra tòa các DN, đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT là việc làm thường xuyên. Bởi lẽ, chỉ khi pháp luật được thực hiện nghiêm thì các sai phạm mới giảm xuống và quyền lợi của cả cơ quan BHXH và người lao động mới không bị xâm hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để không phải… kiện ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.