Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần xây dựng xã hội hòa nhập

Quỳnh Anh| 25/10/2011 06:00

(HNM) - Mặc dù việc giảng dạy cho người khiếm thính đã được nhen nhóm cách đây 125 năm với sự ra đời của trường câm điếc Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương nhưng cho đến nay vẫn chưa có một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) thống nhất trong cả nước.

Nhiều bạn trẻ tới lớp học ngôn ngữ ký hiệu ban đầu vì tò mò nhưng sau đó bắt đầu yêu thích và đam mê.


Tại hội thảo "Tham vấn xây dựng chương trình dạy NNKH trên truyền hình" do Hội Người khuyết tật Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia trong ngành đều khẳng định, hiện việc dạy và phổ biến NNKH có quá nhiều hạn chế và bất cập. Nước ta có khoảng một triệu người khiếm thính (chiếm 13,5% số người khuyết tật), trong đó rất nhiều người chưa được học NNKH do thiếu trường, thiếu thầy, thiếu tài liệu. Cả nước có 70 trường học, trung tâm dành cho người khiếm thính nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Tổng số học sinh khiếm thính được nhập học mới mỗi năm khoảng 700 em. Mỗi tuần các em chỉ có 1-2 tiết học NNKH. Như vậy, khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của người khiếm thính là rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Tiến sĩ Lê Văn Tạc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, ở nước ta NNKH ra đời từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có một hệ thống NNKH và ngữ pháp thống nhất. Mỗi vùng, mỗi địa phương hoặc mỗi nhóm người lại sử dụng những ký hiệu khác nhau, trong đó có ba phương ngữ ký hiệu được sử dụng chính là ở Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã thu thập, nghiên cứu và chuẩn hóa ký hiệu được khoảng gần 2.000 từ nhưng vì một số hạn chế, kết quả của dự án được giới thiệu nhưng chưa có điều kiện phổ biến. "Nguồn tài liệu về NNKH quá ít, lại không được phổ biến rộng rãi không chỉ gây khó khăn cho người khiếm thính mà còn cho cả những người muốn giao tiếp với người khiếm thính (gia đình, bạn bè, giáo viên, nhân viên các cơ quan và tổ chức cung cấp dịch vụ công như: y tế, hành chính, tư pháp, bưu điện...), ông Lê Văn Tạc nhấn mạnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội cho biết, nước ta có hơn 40.000 trẻ từ 5 đến 17 tuổi điếc nặng (rất khó khăn để nghe) hoặc điếc sâu (không thể nghe). Hầu hết trẻ khiếm thính được sinh ra từ bố mẹ có khả năng nghe bình thường, vì thế phần lớn các bậc phụ huynh (cũng như những người không khiếm thính) có rất ít nhận thức về cộng đồng, về ngôn ngữ và văn hóa của người khiếm thính. Phương pháp giao tiếp chủ yếu của người khiếm thính là dùng NNKH nhằm truyền tải thông tin nhưng nước ta chưa có trường đào tạo chuyên ngành chính quy cho giáo viên dạy NNKH. Tại các trường câm điếc chỉ có 1-2 giáo viên dạy NNKH. Mặt khác, nguồn chính đào tạo NNKH là ở khoa giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm nhưng NNKH chỉ được giới thiệu cơ bản với số tiết học giới hạn nên sinh viên khó có thể giao tiếp thành thạo với người khiếm thính.

 NNKH không được phổ biến rộng rãi khiến người khiếm thính khó hòa nhập với xã hội và có xu hướng giao tiếp, sinh hoạt co cụm trong một nhóm nhỏ của mình. Họ phải bỏ qua các chương trình giải trí, thông tin trên truyền hình vì hiện chỉ có một vài chương trình có phiên dịch hoặc chú thích bằng chữ . Mặt khác, do rào cản về ngôn ngữ, người khiếm thính khó tiếp cận với các dịch vụ công cộng như chăm sóc y tế, hành chính, ngân hàng... Rào cản ngôn ngữ cũng là một trong những nguyên nhân chính để nhà tuyển dụng không tuyển dụng người khiếm thính. Tài liệu NNKH quá ít và không phổ biến rộng rãi không chỉ gây khó khăn cho người khiếm thính mà ngay cả người bình thường cũng gặp phải trở ngại khi muốn giao tiếp với người khiếm thính. Hội Người khuyết tật Hà Nội đang thu thập ý kiến của người khiếm thính và các chuyên gia để xây dựng chương trình mang tên: "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình". Chương trình sẽ phát sóng thử nghiệm trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 1-12-2011 và phát sóng chính thức từ tháng 1-2012. "Chương trình sẽ giúp người khiếm thính, gia đình người khiếm thính và các cá nhân quan tâm có một kênh thông tin, giáo dục NNKH từ xa, góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập và không rào cản với người khiếm thính để người khiếm thính có thể cho và nhận những cử chỉ yêu thương từ xã hội", ông Vũ Mạnh Hùng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần xây dựng xã hội hòa nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.