Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rất đáng báo động

Đào Huyền| 11/06/2012 06:15

(HNM) - Những cây gỗ sưa quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt trong vườn quốc gia bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá cảnh báo vấn nạn phá rừng, chống người thi hành công vụ đang ở mức nguy hiểm.

Nạn phá rừng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.


Điển hình cho vụ việc phá rừng khai thác lâm sản quý hiếm thời gian qua là vụ chặt phá gỗ sưa tại Quảng Bình, khai thác gỗ quý tại các cánh rừng Hà Tĩnh và các tỉnh Tây Nguyên. Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tỉnh Quảng Bình có 486.688ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên 447.837ha, rừng trồng 38.851ha. Rừng tự nhiên có nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, gụ, huê, mây... với trữ lượng 31 triệu mét khối. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã thu giữ được một khối lượng gỗ sưa bị các đối tượng khai thác trái phép với trị giá khoảng 10 tỷ đồng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đó nhiều vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng bị ngành kiểm lâm địa phương phát hiện, xử lý. Hiện vụ việc đang được lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm điều tra làm rõ để sớm có biện pháp xử lý. Không chỉ tại Quảng Bình, nhiều tỉnh tại Tây Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh tình trạng phá rừng cũng đang ở mức báo động. Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 610 vụ vi phạm lâm luật.

Cùng với việc phá rừng trái pháp luật, tình trạng chống người thi hành công vụ cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Bốn tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 7 vụ chống người thi hành công vụ làm 10 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Đáng lưu ý trong số các đối tượng bị bắt có cả chủ rừng và cán bộ kiểm lâm. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, lâm tặc hiện được trang bị rất nhiều vũ khí, khai thác có tổ chức, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng nên gặp rất nhiều khó khăn. Các tỉnh thuộc địa bàn Tây Nguyên như Gia Lai, Ðắk Lắk, Ðắk Nông đang là những địa phương có diện tích rừng bị phá hoại nhiều nhất. Bên cạnh đó, hiện đang là cao điểm mùa cháy rừng, 15 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng ở cấp IV và cấp V - cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, khu vực trọng điểm là các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ...


Bốn tháng đầu năm nay đã xảy ra 1.644 vụ khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật.Ảnh: Thế Lập-TTXVN

Hầu hết các vụ chặt phá rừng trái pháp luật xảy ra là do người dân lấy đất sản xuất phục vụ nhu cầu sinh sống của hộ gia đình và tình trạng buôn bán lâm sản quý hiếm ngày một lớn với nhiều biện pháp tinh vi. Đặc biệt, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng lấy đất rừng để mua bán, sang nhượng trái phép, khai thác khoáng sản, khai thác gỗ, lâm sản có giá trị cao diễn ra công khai, có tổ chức tại các khu rừng đặc dụng và khu vực rừng tự nhiên. Ông Hà Công Tuấn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Song việc buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm tại một số địa phương đang tạo điều kiện cho lâm tặc phá rừng. Ngoài ra, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất để sản xuất hoặc do mâu thuẫn lợi ích giữa họ với chủ các dự án nông, lâm nghiệp không được giải quyết nên dẫn tới tình trạng tự ý phá rừng để lấy đất canh tác.

Trước tình trạng phá rừng và cháy rừng đang ở mùa cao điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai, nhằm chủ động thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2012. Để giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng cần nâng cao nhận thức của nông dân trồng rừng, sự kết hợp liên ngành trong việc quản lý rừng. Đặc biệt cần cải thiện đời sống cho người trồng rừng, nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị rừng đối với sự an toàn của đất nước trước sự biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, bất thường như hiện nay. Đặc biệt cần "thanh lọc" những cán bộ kiểm lâm thông đồng với lâm tặc phá rừng, khai thác gỗ trái phép và các lâm sản quý hiếm khác.

Theo Cục Kiểm lâm, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 7.112 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có 3.407 vụ thuộc hành vi vận chuyển, buôn bán lâm sản trái pháp luật (chiếm 47,9%); 1.644 vụ khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật và vi phạm về chế biến gỗ (chiếm 23,1%); 249 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng; 135 vụ vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy rừng. Diện tích rừng bị phá trái pháp luật là 323ha (giảm 48% so cùng kỳ năm 2011).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rất đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.