Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu cơ chế đặc thù trong tổ chức bộ máy

Việt Tuấn| 23/09/2012 07:12

(HNM) - Theo quy định Điều lệ Đoàn, hệ thống của Đoàn thanh niên có 4 cấp, nhưng tại Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ thực tế đã hình thành nhiều cấp trực thuộc hoặc cấp trung gian, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty có nhiều công ty con, công ty trực thuộc… Sắp xếp, đổi mới sao cho phù hợp, để hoạt động đoàn hiệu quả là bài toán khó.


Chồng chéo trong quản lý

Năm 2007, thực hiện yêu cầu nhiệm vụ, TƯ Đoàn đã sắp xếp xây dựng Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ là tổ chức Đoàn tương đương cấp tỉnh. Theo đó, hầu hết tổ chức Đoàn thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ có mô hình hoạt động tương đương cấp huyện. Tuy vậy, thực tế, ở một số tập đoàn kinh tế, mô hình tổ chức Đoàn chưa thống nhất với mô hình tổ chức Đảng và chính quyền. Có đơn vị chuyên môn được quản lý theo ngành dọc, nhưng Đảng, đoàn thể trực thuộc địa phương nơi đặt trụ sở. Thêm nữa, theo quy định của Điều lệ Đoàn, hệ thống của Đoàn có 4 cấp, nhưng thực tế ở Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ đã hình thành nhiều cấp trực thuộc hoặc cấp trung gian, nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty có nhiều công ty con, công ty trực thuộc.


Đoàn viên thanh niên Điện lực Hà Nội (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ra quân tuyên truyền tiết kiệm điện.Ảnh: Trọng Hải


Thực tế hoạt động những năm qua còn cho thấy những bất cập, ngay từ việc đặt vị trí Đoàn tương đương cấp huyện cũng không chuẩn vì tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ không có thanh niên đường phố, thiếu nhi. Bên cạnh đó, Đoàn khối có nhiều tầng, nhiều nấc, đầu mối, thậm chí có chi đoàn sắp xếp lại lên đến hơn 1.000 đoàn viên… khiến cho việc quản lý, sinh hoạt và tổ chức phong trào gặp nhiều khó khăn. Việc sinh hoạt Đoàn định kỳ hằng tháng đối với các chi đoàn hàng nghìn đoàn viên và tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ không thể thực hiện đúng điều lệ. Chi đoàn có số đoàn viên quá lớn trải dài từ Bắc vào Nam, muốn làm quy trình giới thiệu đoàn viên ưu tú kết nạp Đảng phải gửi hồ sơ, cử đoàn viên đó đến Đoàn cơ sở để gặp mặt, xác minh làm căn cứ ra nghị quyết giới thiệu... chi phí đi lại tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động của tổ chức Đoàn và bản thân đoàn viên được giới thiệu. Chưa kể đến việc tại một số tổng công ty, tập đoàn có trường nghề trực thuộc với số lượng đoàn viên từ 2.000 đến 5.000 người. Vậy để thành lập tổ chức Đoàn và công nhận các đơn vị này là cấp nào; quy định về số lượng BCH, chế độ phụ cấp đối với cán bộ Đoàn ra sao… vẫn chưa có được sự thống nhất…

Giải pháp nào hữu hiệu?

Trong lúc ngành tổ chức của Đoàn còn đang lúng túng trong việc hình thành các phương án để đề xuất với Ban Bí thư TƯ Đoàn giải pháp khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, sắp xếp cách nào thì cũng phải bảo đảm nguyên tắc sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất và không quan trọng Đoàn cần có mấy cấp mà cốt lõi vẫn là nơi nào có thanh niên thì nơi đó có tổ chức Đoàn phù hợp nhằm thu hút, tập hợp thanh niên. Theo TS Lê Văn Cầu, Tổng biên tập Tạp chí Thanh niên, sắp xếp mô hình tổ chức nhằm mục đích thực hiện chức năng của Đoàn là bảo đảm giáo dục chính trị, tư tưởng và phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên. Cách tốt nhất, mô hình cơ cấu tổ chức của Đoàn tương ứng với cấp ủy, chính quyền, để thuận cho lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thanh niên.

Đề xuất giải pháp về tổ chức Đoàn tại các tập đoàn, theo anh Hoàng Văn Hòa (Ban Tổ chức TƯ Đoàn), Điều lệ Đoàn được thông qua tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2012-2017 sắp tới cần quy định thêm thẩm quyền hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn của Ban Thường vụ TƯ Đoàn để có thể chủ động sắp xếp mô hình tổ chức theo yêu cầu thực tiễn. Đối với các tổ chức Đoàn có số lượng đoàn viên lớn, đầu mối trực thuộc nhiều, hoạt động theo lĩnh vực ngành nghề đặc thù và phân theo nhiều cấp quản lý, thì nghiên cứu đề xuất thành lập Đoàn cấp tỉnh trực thuộc TƯ hoặc Đoàn cấp tỉnh thuộc Đoàn cấp tỉnh (cấp tỉnh loại 2). Cấp huyện cũng nên quy định tương tự như vậy... Phó Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ Vũ Đức Tú cũng kiến nghị với TƯ Đoàn, cho phép nhiệm kỳ đại hội Đoàn tương đương cấp huyện loại 2 là 5 năm và Đoàn thanh niên cấp chi đoàn là 5 năm 2 lần. Đối với những chi đoàn cơ sở, có số lượng đoàn viên đông, cần có con dấu để thuận lợi trong triển khai các hoạt động. Đối với Đoàn cơ sở có từ 300 đoàn viên trở lên cần ít nhất 1 cán bộ chuyên trách (thay vì từ 500 theo quy định hiện nay); nếu có từ 1.000 đoàn viên trở lên thì cần ít nhất 2 cán bộ chuyên trách.

Khi còn những bất cập trong bộ máy thì chắc chắn việc tổ chức các phong trào thanh niên cũng gặp nhiều hạn chế. Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ có vị trí quan trọng, vì vậy sớm tháo gỡ khó khăn về tổ chức bộ máy trong Đoàn khối là yêu cầu cấp thiết cần Ban Bí thư TƯ Đoàn sớm có hướng dẫn tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cơ chế đặc thù trong tổ chức bộ máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.