Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện việc cưới văn minh: Để chỉ thị đi vào cuộc sống

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 09/10/2012 07:09

(HNM) - Trong những ngày qua, người dân Thủ đô rất quan tâm đến việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị

Đám cưới tập thể không chỉ vui mà còn văn minh, ý nghĩa lại tiết kiệm rất nhiều chi phí. Ảnh: Bảo Lâm


Ông Trần Ngọc Minh (thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín): Ai kiểm tra, giám sát?

Chỉ thị của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới được đông đảo người dân hoan nghênh và đồng tình ủng hộ, tuy nhiên nhiều người còn băn khoăn, ai sẽ là người kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Thực tế ở địa phương tôi, những đám cưới to nhất, nhiều người đến dự nhất, ăn uống linh đình nhất lại chính là đám cưới của người thân các cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Mặt khác, quy định đám cưới mời không quá 300 người dự, không tổ chức nhiều lần, nhiều ngày… mới chỉ mang tính chất "định tính". Bởi nếu chỉ nhìn vào hình thức của tiệc cưới, địa điểm tổ chức, số người mời… không thể đánh giá chính xác mức tốn kém cũng như "thu nhập" mà gia chủ thu được qua việc tổ chức tiệc cưới. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các nội dung trên, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong việc giám sát, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện…

Ông Hoàng Ngọc Thảo (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm): Có chế tài đủ mạnh

Thời gian qua, có một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đi ngược lại chủ trương chung, tổ chức tiệc cưới xa hoa, phô trương, mang đậm tính "thương mại", vụ lợi…, không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc, mà còn gây ảnh hưởng xấu trong dư luận. Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là đi kèm với quy định này, chế tài xử phạt sẽ ra sao? Liệu có đủ mạnh để người định vi phạm từ bỏ ý định hay họ sẽ tìm mọi cách để "lách" quy định? Mặt khác, cần có quy định cụ thể về đơn vị giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại các đám cưới. Có như vậy, Chỉ thị của Thành ủy mới phát huy hiệu quả và đi được vào cuộc sống…

Bà Nguyễn Thị Hiền (phường Định Công, quận Hoàng Mai): Giám sát chặt chẽ giờ mời khách

Theo quy định, các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải làm việc đến 11h30 mới được nghỉ trưa. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các đám cưới mời ăn vào buổi trưa, lúc 10h30-11h. Nếu cưới vào ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật thì không nói làm gì, nhưng nếu vào các ngày thường thì đương nhiên cán bộ, công chức, viên chức phải "ăn bớt" giờ làm việc để đi dự đám cưới. Theo tôi, cần phải thực hiện thật nghiêm việc không được mời khách trong giờ làm việc, đồng thời giao cho công đoàn, thanh tra nhân dân của các cơ quan giám sát.

Sara_pham@gmail.com: Coi trọng vai trò của các dòng họ

Để việc cưới văn minh, tiết kiệm trở thành một nét đẹp văn hóa, tôi cho rằng bên cạnh tuyên truyền, vận động các đoàn thể, tổ chức, cơ quan, cần quan tâm hơn nữa đến vai trò của các dòng họ. Nếu phát huy tốt vai trò của dòng họ, chắc chắn việc cưới lành mạnh, tiết kiệm sẽ thực hiện được. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ, gắn thực hiện xây dựng nếp sống văn minh với các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là hết sức cần thiết. Đó cũng là một cách góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở mỗi khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì): Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm

Liệu chỉ thị có được thực hiện nghiêm túc hay không, khi mà ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách… của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn hạn chế. Theo tôi, để từng bước khắc phục tình trạng tổ chức cưới hỏi linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí như hiện nay thì cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phải tăng cường giám sát việc thực hiện chỉ thị tại khu dân cư, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm.

Bùi Văn Phái (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai): Cần gắn với xây dựng khu phố, làng, gia đình văn hóa

Lần này, Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô với mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, được đông đảo quần chúng nhân dân hoan nghênh. Theo tôi, nên đưa việc tổ chức đám cưới văn minh vào tiêu chí xây dựng khu phố, làng, gia đình văn hóa. Ngoài ra, cần lên án, phê phán mạnh mẽ việc lợi dụng tổ chức cưới để trục lợi, tổ chức đám cưới tốn kém, trái với thuần phong mỹ tục.

Anh Nguyễn Nam Phong (đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy): "Đầu tàu" phải gương mẫu

Thiết nghĩ, dù có theo "trào lưu" thời đại thì những gia đình ở tầng lớp bình dân như chúng tôi cũng chỉ có thể tổ chức được đám cưới với vài ba chục mâm cỗ mời họ hàng, bạn bè, láng giềng thân thiết. Còn thực tế, chỉ những gia đình có điều kiện, có chức quyền, nhiều mối quan hệ mới tổ chức được những đám cưới "hoành tráng" với số lượng đến trăm mâm cỗ cùng các dịch vụ hỗ trợ cầu kỳ. Vì vậy, để thực hiện tốt lễ cưới văn minh, tiết kiệm, những người đi tiên phong không ai khác là các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao. Khi những "đầu tàu" này thay đổi sẽ đem lại tác động to lớn trong quần chúng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện việc cưới văn minh: Để chỉ thị đi vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.