Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết ba bên

Kim Vũ| 11/10/2012 06:18

(HNM) - Hội nghị khu vực về đào tạo nghề Việt Nam lần đầu tiên vừa diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua 10-10, đã chứng minh cho sự quyết tâm đổi mới chiến lược dạy nghề với những bước đột phá mới.


Chất lượng đào tạo nghề thấp


Những năm qua, mạng lưới cơ sở dạy nghề ở nước ta đã được mở rộng, quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 32%, số lượng tuyển sinh nghề lên gần 1,9 triệu người. Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách tạo cơ hội học nghề để người dân có nhu cầu được tham gia học nghề một cách dễ dàng. Dạy nghề cho lao động nông thôn bước đầu được chú trọng, bình quân mỗi năm có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo nghề để chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ hoặc nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt, hợp tác quốc tế về dạy nghề được tăng cường ở tầm quốc gia và ở các cơ sở dạy nghề.


Đổi mới chiến lược dạy nghề là điều kiện tốt để người lao động Việt Nam có kỹ năng nghề tương đương với các nước trong khu vực. Ảnh: Thái Hiền

Tuy nhiên, trong các mặt đánh giá là tích cực của dạy nghề Việt Nam những năm qua vẫn không có sự đột phá nào mang lại chất lượng bền vững. Những hạn chế yếu kém cũng tỷ lệ thuận với những tích cực đã nêu. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, hiện nay, Việt Nam có chất lượng lao động đào tạo nghề vào loại thấp trong khu vực. Trong nước, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, khoảng cách về kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn là quá lớn. Cơ cấu đào tạo theo cấp trình độ và nghề đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương. Sự gắn bó giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề còn hiếm hoi nên đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động, còn sinh viên nghề vẫn thất nghiệp. Sự thiếu liên kết này được đánh giá là do có sự thiếu hụt về các văn bản pháp lý và những quy định về cộng đồng doanh nghiệp.

Đâu là điểm đột phá?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ đang và sẽ tập trung mọi nỗ lực để hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam. Mặt khác, đào tạo theo hướng cầu của thị trường là cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả, tạo cơ hội cho NLĐ được học tập suốt đời, có năng lực thích ứng và chuyển đổi nghề nghiệp. Do vậy, những quan điểm đưa ra tại hội nghị thực sự quan trọng. Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến định hướng hợp tác với DN. Hiện các DN đang đứng ngoài "lề" với sự phát triển của đào tạo nghề. Thực tế, các nước có hệ thống đào tạo nghề hoạt động hiệu quả thường có sự tham gia mạnh mẽ của DN. Các vấn đề về quy hoạch, xây dựng chính sách, tổ chức đào tạo nghề, cấp giấy chứng nhận… đều có sự tham gia của các DN. Các cơ sở dạy nghề ở các nước thường không cung ứng đủ số lượng lao động có trình độ chuyên môn cho thị trường lao động… Điều này ngược lại ở Việt Nam khi DN chật vật trong tuyển dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chuyển các khâu đào tạo thực hành từ nhà trường cho DN; kết hợp đào tạo tại cơ sở dạy nghề với việc chuẩn bị các sản phẩm hoặc dịch vụ được làm riêng theo yêu cầu đặc biệt của DN… Phó Thủ tướng mong muốn Việt Nam có thể phát triển từ hệ thống dạy nghề có 2 trụ cột là Nhà nước - cơ sở dạy nghề thành hệ thống có 3 trụ cột là Nhà nước - cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp. Sự "bắt tay" giữa ba bên nếu thành hiện thực sẽ là một trong những bước đột phá cho dạy nghề Việt Nam.

Các ý kiến liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đều đồng nhất quan điểm có sự tham gia của các thành viên đến từ DN (đại diện DN, NLĐ, các hội nghề nghiệp), cơ cấu thành viên có thể chiếm tỷ lệ 50%. Hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia do Nhà nước (các bộ, ngành) chủ trì và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong tương lai, các DN và giới chủ sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm chính thông qua các Hội đồng kỹ năng nghề. Việt Nam sẽ chọn một số nghề phổ biến thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn để thí điểm thành lập các hội đồng kỹ năng nghề, chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, chứng chỉ hành nghề cho NLĐ thuộc lĩnh vực hoạt động kinh tế của mình. Tình trạng thiếu hụt đáng kể số lượng giáo viên có kỹ năng thực hành và kinh nghiệm cũng đáng suy nghĩ. Bởi điều này đã dẫn đến tình trạng đào tạo có xu hướng lý thuyết, khiến kết quả đào tạo không đạt yêu cầu. Do vậy, các mục tiêu thay đổi để đột phá chính là đào tạo nối tiếp sư phạm cho các học viên tốt nghiệp đại học (bằng cử nhân hoặc thạc sĩ) trong các ngành học nghề chính thông qua đào tạo bổ sung…

Mới đây, Việt Nam và CHLB Đức đã có hợp tác toàn diện về tư vấn hệ thống phát triển dạy nghề, hoàn thiện pháp luật dạy nghề, liên kết đào tạo các nghề trọng điểm và đào tạo nghề cho DN theo mô hình đào tạo song hành, xây dựng một số cơ sở dạy nghề, trung tâm dạy nghề chất lượng cao… Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN, đến năm 2015 các nước ASEAN sẽ trở thành cộng đồng, sẽ công nhận kỹ năng nghề của NLĐ giữa các nước trong khối. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể xây dựng khung chính sách phù hợp để hướng tới công nhận kỹ năng nghề của NLĐ giữa các nước và làm thế nào để đạt được điều này?

Phấn đấu đào tạo mới 2,9 triệu người trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề trong giai đoạn 2016-2020; đến năm 2015 có 190 trường cao đẳng nghề, trong đó có 26 trường chất lượng cao; và sẽ có 40 trường chất lượng cao trong số 230 trường cao đẳng nghề vào năm 2020… Đồng thời đạt 23,5 triệu lao động qua đào tạo nghề, đạt 40% vào năm 2015 và 55% lao động, tương đương 34,4 triệu người vào năm 2020; sẽ có 51.000 giáo viên dạy nghề trong năm 2015… Đó là những mục tiêu đột phá mà Việt Nam phải đạt được. Đồng thời tập trung các giải pháp chính: xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; "bắt tay" với DN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết ba bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.