Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa thể tăng lương

Kim Vũ - Lê Bảo| 25/10/2012 07:47

(HNM) - Theo đề xuất của Bộ Tài chính, do ngân sách gặp khó khăn nên có thể hoãn tăng lương tối thiểu năm 2013.


Việt Nam có hai hệ thống lương cho khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Nguồn lương từ ngân sách trả cho khu vực nhà nước, còn khối doanh nghiệp tự cân đối. Theo tính toán của Bộ Tài chính việc cân đối ngân sách cho khu vực nhà nước đang gặp khó khăn nên nếu tăng lương thì đi kèm theo đó là việc tăng trợ cấp cho người có công, người đang hưởng các chế độ bảo trợ xã hội. Với tình hình hiện nay, dự báo trong những năm tới ngân sách sẽ tiếp tục gặp khó.


Do ngân sách gặp khó khăn nên có thể hoãn tăng lương tối thiểu năm 2013. Ảnh: Phương An

Cải cách tiền lương là một nội dung trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Trong đó Chính phủ xác định, đến năm 2020 lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Tuy nhiên, việc cải cách này mới chỉ là bước tăng lương tối thiểu còn các vấn đề khác như nâng cao chất lượng đội ngũ, hệ thống thang bảng lương, đổi mới cơ chế tài chính… hầu như chưa chuyển động. Vì vậy, việc tăng lương từ ngân sách trong thời buổi suy giảm kinh tế là bất lợi cho những người hưởng lương nhà nước.

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, vẫn cần thiết phải thực hiện tăng lương theo lộ trình. Các nhà hoạch định nên tính toán, tạo ra cơ chế để bảo đảm nguồn, không nên coi lương là một khoản cân đối được ngân sách thì chi, không thì hoãn lại. Với cách tăng lương theo kiểu cơ học hiện nay dù có tiết kiệm chi cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề cải cách tiền lương. Các ý kiến khác đồng thuận với việc không nên tạm hoãn tăng lương. Bởi kinh tế giảm sút là người lao động đã gặp khó khăn, nếu lương vẫn "dậm chân tại chỗ" trong khi giá tăng hàng ngày thì họ sẽ không biết trang trải chi tiêu như thế nào và họ buộc phải "nhảy việc" đến với nơi có thu nhập cao hơn. Hơn nữa, xét mặt bằng chung, người lao động hiện đang nhận mức lương khá thấp, khó có thể yên tâm làm việc.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cũng đồng tình cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là căn cứ vào tinh thần nghị quyết của Đảng, căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện. Bộ luật Lao động cũng quy định rõ "mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp được sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động. Tiền lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu". Việc tăng lương năm 2013 là hết sức cần thiết để kích cầu tiêu dùng và kích cầu cho nền kinh tế. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay một số mặt hàng có tỷ lệ tồn kho cao, sức mua giảm, như vậy điều chỉnh tăng lương tối thiểu chính là liều thuốc hiệu quả để kích thích cho nền kinh tế nói chung.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) thì cho rằng, với bối cảnh kinh tế như hiện nay không nhất thiết phải tăng lương tối thiểu đồng loạt mà phải xem xét tìm ra những đối tượng cần hỗ trợ, người có thu nhập thấp. Giải pháp này đã được nhiều nước áp dụng rất hiệu quả vừa bảo đảm cân đối ngân sách mà vẫn bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Tuy nhiên, xét về lâu dài hiện lương tháng của người lao động vẫn rất thấp. Chính vì vậy, phải tiếp tục thực hiện như lộ trình đã đề ra, hiện tại kinh tế khó khăn có thể tạm hoãn lộ trình tăng lương nhưng vào các năm sau phải tăng nhanh và tăng mạnh hơn để bù vào lúc khó khăn.

Sau khi Đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội giai đoạn 2008-2012 được phê duyệt, các chuyên gia kỳ vọng rằng người lao động sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào lương tối thiểu vốn sát với ngưỡng nghèo đói. Tuy nhiên, kỳ vọng đó chưa được thực hiện nên người lao động vẫn trông chờ việc tăng lương tối thiểu vì đó là nguồn thu nhập chính. Lương tối thiểu hiện đang là căn cứ để thực hiện 8 chính sách trong đó có BHXH, BHYT, trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội, lương hưu… thậm chí cả việc bồi thường tai nạn giao thông. Bởi vậy, việc tăng lương tối thiểu cũng đồng nghĩa với 8 chính sách kia tăng theo và ngân sách nhà nước ngày càng "nặng gánh" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể tăng lương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.