Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoãn tăng lương - Phải chăng đã hết cách?

Đà Đông| 30/10/2012 09:48

(HNM) - Đề xuất chưa tăng lương theo lộ trình từ ngày 1-5-2013 do chưa cân đối được nguồn của Chính phủ đang là vấn đề thời sự



Nên cắt giảm chi tiêu

Cách đây hơn 10 ngày, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH và ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tư QH khóa XIII, trong Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và trong Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đều cho rằng, tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước nên Chính phủ chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013. Chính phủ sẽ nghiên cứu xem xét tình hình thực tế cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, báo cáo vấn đề này tại kỳ họp thứ năm.


Giảm đầu tư dàn trải là giải pháp được nhiều đại biểu QH đề ra nhằm bảo đảm tiến trình tăng lương tối thiểu trong năm 2013.Ảnh: Ý Như

Đề xuất trên đã không nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu QH. Trao đổi với báo chí bên hành lang QH và tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ tư QH khóa XIII đang diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tăng lương. Bởi theo tính toán của Chính phủ, từ ngày 1-5-2013, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25 lên 30% thì cần khoảng 60.000 tỷ đồng. Đây không phải là số tiền quá lớn, không thể không thu xếp được, trong khi đó phương án cân đối đã bố trí được trên 28.900 tỷ đồng.

Theo đại biểu QH Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), sẽ là không hợp lý nếu Chính phủ giãn tăng lương cho công chức, người lao động, trong khi chưa cải thiện tình trạng đầu tư ngân sách dàn trải, có biểu hiện chi bất hợp lý, chi trùng lặp. Lo ngại khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình đốn, song kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2013 vẫn bình bình như mọi năm, đại biểu Quyền đề xuất cần cắt bỏ hoàn toàn các khoản chi không cần thiết để chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đề nghị Chính phủ thực hiện tăng lương theo đúng lộ trình, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) dẫn chứng, đời sống của một bộ phận rất lớn người dân, trong đó chủ yếu là công nhân, nhân viên, người lao động đang ngày càng chật vật. Theo đại biểu, thay vì giãn tiến độ tăng lương, Chính phủ cần rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản đầu tư công để tập trung cho tăng lương, nếu không tăng được tất cả thì cũng phải tính toán cho một bộ phận. Việc thực hiện cải cách tiền lương cũng cần tách bạch khối hành chính công và khối doanh nghiệp.

Tháo gỡ "nút thắt", tinh giản bộ máy

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bảo đảm việc tăng lương triển khai theo đúng lộ trình, với tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu dân cử đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.

Với cái nhìn bao quát, đại biểu Nguyễn Bắc Son (đoàn Hà Nội) nhận định, nợ xấu và hàng tồn kho là hai nút thắt của nền kinh tế hiện nay. Giảm hàng tồn kho là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay. Các ngân hàng nhà nước cũng cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; có giải pháp xử lý nợ xấu nảy sinh từ tồn kho hàng hóa, bất động sản, xây dựng - đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ. Bên cạnh đó, ngoài việc cắt giảm các khoản chi cũng cần có chính sách thiết thực đối với người dân, nhất là bà con nông dân như hỗ trợ giá, cây, con giống, ngăn chặn tình trạng "được mùa rớt giá". Đại biểu Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, nếu xử lý được những "nút thắt" trên sẽ tạo tiền đề tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và như vậy việc tăng lương theo lộ trình sẽ mang tính khả thi hơn.

Tại diễn đàn QH, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, cùng với việc tăng lương theo đúng tiến độ cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh giản bộ máy của các cơ quan, tổ chức. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, chậm được sửa đổi. Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác kiểm tra, giám sát còn nhiều yếu kém, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái, không làm tròn trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân. Nếu những tồn tại này không sớm được rà soát, loại bỏ, việc tăng lương sẽ không hiệu quả mà còn có thể gây ra những tác dụng tiêu cực.

Tăng lương là cần thiết để bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc tăng lương theo đúng lộ trình hay giãn tiến độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 22 triệu lao động. Và cử tri đang chờ những tín hiệu tích cực từ nghị trường QH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoãn tăng lương - Phải chăng đã hết cách?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.