Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng mức hỗ trợ để thu hút lao động học nghề

Lê Bảo| 01/11/2012 07:43

(HNM) - Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ người lao động (NLĐ) thất nghiệp học nghề, tìm việc làm nhưng sau gần 4 năm Luật BHTN đi vào cuộc sống, số người được hỗ trợ học nghề chưa đến 4.000 người. Để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ,TB&XH).


Đào tạo nghề sửa chữa xe máy cho các học viên tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Từ Liêm. Ảnh: Đăng Khoa

- Ông có thể cho biết kết quả của chính sách BHTN trong gần 4 năm qua.

- Sau gần 4 năm triển khai thực hiện với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” chính sách BHTN đã đạt được những thành công bước đầu rất quan trọng, đó là số người tham gia BHTN tăng liên tục qua các năm: Năm 2009 với gần 6 triệu người, đến năm 2011 đã có 7,9 triệu người và 7 tháng đầu năm 2012 là 8,1 triệu người. Tính từ ngày 1-1-2010 đến ngày 20-9-2012 thì số người đăng ký thất nghiệp là 912.856 người, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 766.106 người, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp một lần là hơn 19.000 người. Số người đăng ký hưởng BHTN gia tăng song quỹ vẫn luôn giữ ở mức ổn định và bền vững, không có chuyện vỡ quỹ như lo ngại của nhiều người.

- BHTN là một chính sách tích cực, bên cạnh việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHTN còn nhằm mục đích nâng cao năng lực nghề nghiệp cho NLĐ nhưng số NLĐ được hỗ trợ việc làm còn quá ít, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Đây là vấn đề khiến các nhà quản lý “đau đầu” và đang tìm các giải pháp để khắc phục. Theo thống kê của các địa phương, tính đến tháng 9-2012 chỉ có chưa đến 4.000 người được hỗ trợ học nghề, con số này so với con số 766.106 người hưởng trợ cấp thất nghiệp là quá ít. Sau 4 năm triển khai Luật BHTN cho thấy, mặc dù các trung tâm đều rất tạo điều kiện cho NLĐ học nghề nhưng số lao động có nguyện vọng được hỗ trợ học nghề không nhiều. Nguyên nhân do NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông trong khi đó nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn nên NLĐ dễ tìm kiếm việc mới sau thất nghiệp. Bên cạnh đó, do thời gian học nghề theo quy định quá ngắn cộng với khoản tiền hỗ trợ 300.000 đồng - quá thấp nên NLĐ không mặn mà với học nghề. Do đó, để khuyến khích NLĐ học nghề sau thất nghiệp, Bộ LĐ,TB&XH đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, trong đó quy định mức hỗ trợ học nghề sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, Bộ LĐ,TB&XH cũng đang dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ học nghề để trình Chính phủ, trong đó mức hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cao hơn trước đây nhằm tạo điều kiện hơn nữa để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề. Khi Nghị định này được phê duyệt, chắc chắn số lao động đăng ký học nghề sẽ tăng.

- Doanh nghiệp (DN) phải hoạt động cầm chừng nên gần đây rộ lên thông tin DN “bắt tay” với NLĐ để trục lợi từ tiền BHTN. Ông cho biết ý kiến về việc này, cơ quan chức năng đã phát hiện bao nhiêu vụ việc như vậy?

- Ngay từ khi Luật BHTN được triển khai, Bộ LĐ,TB&XH đã chuẩn bị các tình huống, khả năng trục lợi BHTN như: NLĐ và chủ sử dụng lao động thông đồng làm các thủ tục thôi việc để hưởng BHTN, nhưng thực tế vẫn làm việc tại DN; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp NLĐ đã có việc làm nhưng vẫn nộp hồ sơ và hưởng trợcấp thất nghiệp… và yêu cầu các Sở LĐ,TB&XH, các trung tâm giới thiệu việc làm phát hiện các hành vi trục lợi BHTN. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát và nắm bắt tình hình tại các địa phương chưa phát hiện các trường hợp có thể trục lợi thuộc các trường hợp nêu trên và thực tế hiện tượng NLĐ thông đồng với doanh nghiệp làm các thủ tục thôi việc để hưởng BHTN rất khó xảy ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng mức hỗ trợ để thu hút lao động học nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.