Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu lao động nữ: Nguy cơ giảm bền vững gia đình

Lâm Vũ| 10/11/2012 08:38

(HNM) - Báo cáo của Cục Quản lý lao động nước ngoài cho thấy, 10 năm qua, trong tổng số hơn 600.000 lao động xuất khẩu nước ngoài, có 224.785 lao động nữ, chiếm khoảng 32,6% lực lượng lao động di trú quốc tế.


Theo tính toán, lượng kiều hối tiền gửi của những người đi lao động xuất khẩu bình quân đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm. Xuất khẩu lao động nói chung hằng năm cũng giải quyết được khoảng 70.000 việc làm cho người dân. Trong điều kiện kinh tế đất nước đang ở giai đoạn khó khăn, tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa có việc làm cao thì con số trên là minh chứng cho thấy đóng góp quan trọng của xuất khẩu lao động trong việc cải thiện nền kinh tế và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.


Lao động nữ Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.

Ở cấp hộ gia đình, xuất khẩu lao động nữ còn góp phần nâng cao thu nhập và tích lũy cho gia đình. Hơn 1/3 số người trong 171 gia đình được Viện Gia đình và Giới phỏng vấn ở Đông Tân (Thái Bình) khẳng định, hằng năm đã gửi về nhà khoản tiền từ 41-60 triệu đồng, có hơn 1/4 số lao động nữ đã gửi từ 61-132 triệu đồng. Đây là những khoản tiền lớn nếu so sánh với thu nhập trung bình của một hộ gia đình nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng (khoảng 24-30 triệu đồng/năm). Trong nghiên cứu ở Đông Tân, khi được hỏi về mức sống gia đình thay đổi như thế nào khi người vợ đi xuất khẩu thì có 77,8% hộ gia đình thừa nhận có mức sống khá hơn nhờ tiền của vợ gửi về. Đứng về mặt xã hội, xuất khẩu lao động cũng làm thay đổi sự phân công lao động theo hướng tiến bộ hơn. Sự di cư của phụ nữ đã thay đổi phân công lao động truyền thống trong các gia đình, đưa phụ nữ từ chỗ chỉ là lao động phụ trở thành người làm kinh tế chính. Những việc trước đây đàn ông thường khoán trắng cho vợ, như chăm con, nuôi dưỡng con, giúp con học, cơm nước... giờ đã khá quen thuộc với nam giới.

Quan hệ gia đình lỏng lẻo

Đóng góp của lao động nữ xuất khẩu thì đã rõ, nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là sự vắng mặt của các chị đã khiến hôn nhân của nhiều gia đình có nguy cơ không bền vững. Có gần 50% số hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng, quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Số liệu định lượng cho thấy đã xuất hiện các tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, quan hệ ngoài hôn nhân (27% nam giới được hỏi cho biết đã đi uống rượu giải sầu khi xa vợ, 62,9% nam giới quan hệ với gái mại dâm). Bên cạnh đó, người chồng gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, giáo dục con cái và quản lý gia đình. Tiếp tục khảo sát ở Đông Tân (Thái Bình) đã cho kết quả: 70,7% nam giới trả lời họ gặp khó khăn trong chăm sóc con cái và 37,4% người cho rằng con cái họ khó bảo hơn, nghịch ngợm hơn khi mẹ chúng đi vắng, 17,7% ý kiến cho biết trẻ nhỏ thường ốm đau vì không có mẹ chăm sóc, 83,5% ý kiến bày tỏ việc trẻ em buồn nhớ mẹ và đây là một khó khăn mà người bố khó có thể làm cho các con yên lòng. Một ông bố tâm sự: "Nói chung là các cháu buồn. Chúng không tâm sự bằng lời nhưng biểu hiện bằng hành động. Con mới 3 tuổi, thường khi mẹ ở nhà thì cháu nằm ngủ ôm mẹ, mẹ đi thì cháu ôm bố, tự nhiên cứ thấy con chảy nước mắt thì mình cũng chảy nước mắt theo".

Không chỉ tác động đến tâm lý tình cảm của con trẻ, xuất khẩu lao động nữ cũng còn tác động đến việc học hành của con cái 16,4% người được hỏi nói rằng, con cái họ học kém hơn khi mẹ đi xuất khẩu lao động và 18,7% cho rằng họ thực sự gặp khó khăn trong việc giáo dục, đôn đốc con học hành. Một vấn đề khác là mâu thuẫn gia đình tăng trong việc quản lý và chi tiêu tiền gửi. Kết quả đánh giá của Tổ chức Health Bridge cho thấy, có 42,7% số người được hỏi đã nói về mâu thuẫn gia đình khi gửi tiền về. Tiền gửi về, ở một số hộ đã bị người chồng "nướng" vào cờ bạc, ăn chơi mà không dùng vào chi tiêu gia đình và chăn nuôi sản xuất. Cũng có những phụ nữ do lo sợ chồng tiêu pha bài bạc nên đã gửi tiền về bên ngoại cất giữ và điều này đã gây nên mâu thuẫn gia đình.

Lao động nữ di cư là dòng chảy tất yếu của cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, để hạn chế mặt chưa tích cực của nó, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Gia đình và Giới), chính quyền địa phương và các đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ ở nơi có nhiều lao động nữ xuất khẩu nên có các sáng kiến "giúp đỡ nam giới" qua các hoạt động cụ thể như củng cố hệ thống nhà mẫu giáo, nhà trẻ để giảm nhẹ công việc chăm sóc trẻ em, giúp đỡ các ông chồng có vợ đi xuất khẩu có thêm thời gian cho lao động hoặc nghỉ ngơi. Hội phụ nữ các địa phương phối hợp với các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu nên xây dựng các chương trình tư vấn về cả kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong quan hệ gia đình cho phụ nữ đi lao động xuất khẩu để giúp họ có cách ứng xử tốt, không tạo ra tâm lý tự ti cho các ông chồng trong con mắt của người vợ và họ hàng… có như vậy mới giúp gia đình được yên ấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu lao động nữ: Nguy cơ giảm bền vững gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.