Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí Quỹ bảo trì đường bộ: Không thể “phí chồng phí”

Hà Phạm| 24/11/2012 07:47

(HNM) - Tới thời điểm này, thời gian áp dụng Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về thu phí Quỹ bảo trì đường bộ chỉ còn hơn một tháng (ngày 1-1-2013). Các DN vận tải ở TP Hồ Chí Minh một lần nữa lại kiến nghị bãi bỏ quy định trên bởi cho rằng có quá nhiều bất cập, gây nhiều thiệt hại trong hoạt động kinh doanh.

Các DN vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị nên thu phí qua xăng dầu.


Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP cho biết, theo quy định, đối tượng chịu phí là rơ moóc và sơ mi rơ moóc. Điều này cần được bãi bỏ, bởi đây chỉ là tổ hợp cơ khí khi kết hợp các thùng hàng và đầu kéo mới lưu thông được. Do đó, các phương tiện chỉ chịu đóng phí đường bộ với điều kiện được vận hành trên đường. Quy định "phí sử dụng đường bộ tính theo năm và chu kỳ đăng kiểm của xe" tại điều 7 cũng bất hợp lý, vì theo pháp lệnh thuế và phí quy định đóng từng tháng, chứ không thể đóng trước khoản tiền lớn như thế khi mà chưa biết sẽ được sử dụng như thế nào. " Đây không khác gì hình thức chiếm dụng tiền của các DN", ông Dinh bức xúc.

Ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas) cho hay, nghị định ra đời ngay khi nền kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các DN vận tải. Đối với ngành logistics nước ta chiếm tới 25% GDP của cả nước. Thế nhưng nếu Quỹ bảo trì đường bộ được áp dụng, chi phí vận tải chiếm tới 50 đến 60% trong hoạt động logistics, từ đó làm tăng chi phí logistics, giá cả và cả mặt hàng của nước ta trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt với hàng ngoại nhập. "Việc đóng Quỹ bảo trì cao như vậy, liệu chất lượng đường có tốt lên không? Có giảm được thời gian vận chuyển? Xe khác trọng tải và cùng loại cũng đóng phí như nhau, thậm chí xe không chạy cũng phải đóng, điều nghịch lý chưa từng xảy ra. Theo ước tính nếu áp dụng, nhà nước sẽ thu được hàng nghìn tỷ đồng/năm, vậy số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào? Mục đích ra sao?...", ông Hiền đặt câu hỏi.

Theo bà Lương Phạm Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH DV giao nhận vận tải và thương mại Công Thành (quận Thủ Đức), dù thế nào thì thiệt hại vẫn là DN. Bà Tuyết chứng minh, hiện tại công ty có tổng cộng 1.000 sơ mi rơ moóc và 500 đầu kéo, nếu nghị định được áp dụng trung bình 1 tháng sẽ phải bỏ thêm 1 tỷ đồng nữa so với mức thu phí qua xăng dầu như hiện nay cũng đã khiến cho DN khốn đốn. Trong khi so với cùng kỳ năm ngoái, hiện DN cũng chỉ hoạt động được 1/3 công suất.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH giao nhận vận tải Tú Hương (quận Bình Thạnh) cho hay, các DN vận tải thường có số lượng sơ mi rơ moóc nhiều gấp 2 đến 3 lần đầu kéo. Công ty có 25 đầu kéo nhưng có trên 60 sơ mi rơ moóc và không phải tất cả số lượng rơ moóc đều chạy ngoài đường hằng ngày. Do đó nếu thu phí rơ moóc thì không chỉ bất hợp lý mà còn gây thiệt hại đáng kể cho DN. "Nếu áp dụng thu, công ty sẽ thiệt hại gần 40 triệu đồng/tháng. Nếu kéo dài tình trạng này, trong bối cảnh DN làm ăn khó khăn như hiện nay thì chỉ có nước ngưng hoạt động. Vì vậy tôi cho rằng thu phí qua xăng dầu được xem là giải pháp không thể thay thế hiện nay, vì chạy bao nhiêu đóng bấy nhiêu, không chạy không thu, bảo đảm công bằng cho DN", ông Tú nói.

Trước tình hình lo lắng của nhiều DN vận tải hàng hóa, ông Đinh Nam Dinh cho rằng cần sửa đổi phương thức sang thu phí qua xăng dầu, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng "phí chồng phí".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu phí Quỹ bảo trì đường bộ: Không thể “phí chồng phí”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.