Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất giảm diện tích nhà ở xã hội: Chỉ là giải pháp gỡ bí!

Ngân - Khánh| 24/11/2012 07:52

(HNM) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất với Chính phủ xin giảm diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội xuống còn 25m2, thay vì 30m2 trở lên như quy định hiện hành cho phù hợp với khả năng thanh toán của nhân dân. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân...

Đề xuất chia nhỏ căn hộ để bán, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở tiếp cận được thị trường. Ảnh: Trung Kiên


Bà Nguyễn Thanh Nga (KĐT Việt Hưng, quận Long Biên): Không chỉ đơn giản là chia tách diện tích

Đề xuất chia nhỏ chung cư đã nảy sinh từ mấy năm nay, trước khi thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu trầm lắng và gần đây được đề cập nhiều hơn khi thị trường này đóng băng khá lâu, chưa có dấu hiệu phục hồi. Trước tiên, phải nói chủ trương này chỉ nhằm vào giải phóng số hàng tồn kho của những chủ đầu tư đã xây dựng phân khúc căn hộ không sát nhu cầu sử dụng của người dân. Để quảng cáo cho sản phẩm của mình, trước đây họ chỉ đề cập đến môi trường sống văn minh hiện đại, tiện nghi, không gian thoáng đãng… mà không quan tâm đến khả năng người dân có điều kiện để sở hữu không? Nay khi hàng loạt các dự án BĐS ế ẩm đã hạ giá vài lần vẫn không có khách mua, các chủ đầu tư và nhà quản lý mới nghĩ đến việc chia nhỏ căn hộ để vừa túi tiền của người mua nhằm kích cầu thị trường BĐS. Lúc này, người bán lại không đề cập đến những phức tạp khi chia nhỏ một căn hộ chừng 70-100m2 thành 2 đến 3 căn nhỏ: lối đi lại như thế nào, khu vệ sinh ra sao, nhân đôi căn hộ tức là nhân đôi số lượng dân cư có dẫn đến việc quá tải hạ tầng kỹ thuật, tiện - bất tiện trong sử dụng ra sao?... Thúc đẩy thị trường BĐS nhằm đáp ứng nhu cầu ở của người dân là cần thiết, nhưng nó phải được triển khai trong một kế hoạch dài hơi, tạo ra sản phẩm cho đúng đối tượng có nhu cầu sử dụng chứ không phải là giải pháp gỡ thế bí.

Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Đề xuất mới có "vênh" với những quy định hiện hành?

Trong báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Quốc hội, tôi thấy tình trạng số lượng căn hộ tồn kho hiện rất đáng báo động. Không chỉ căn hộ chung cư hoàn thiện bị tồn kho (Hà Nội có 2.300 căn, TP Hồ Chí Minh trên 10.100 căn), căn nhà thấp tầng (Hà Nội trên 3.000 căn, TP Hồ Chí Minh trên 1.000 căn), mà còn có cả những sản phẩm xây dựng dang dở - số lượng này cũng khá lớn. Dựa trên mức thu nhập của người dân thì giá nhà ở tại Việt Nam thuộc diện đắt trên thế giới. Vì vậy, mặt tích cực từ việc thị trường BĐS đóng băng thời gian qua đã phần nào khiến giá nhà đất quay về giá trị thực, giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý. Tuy nhiên, với đại đa số người dân, việc sở hữu một căn hộ vẫn đang rất khó khăn. Với đề xuất chia nhỏ căn hộ ra để bán, tôi thấy chủ trương này là hợp lý, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở tiếp cận được thị trường. Song vấn đề đặt ra là, Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 1-7-2006) quy định: "Chung cư thương mại phải là căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ không thấp hơn 45m2". Với diện tích nhà ở xã hội, luật cũng quy định: "Diện tích mỗi căn hộ không được thấp hơn 30m2 sàn". Hà Nội đang có quy định diện tích nhà đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu (30m2) thì không được cấp sổ đỏ. Vậy với đề xuất chia nhỏ căn hộ để "cứu" thị trường BĐS có "vênh" với quy định trên?

Bà Vũ Phương Thảo (KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Nên có sự hỗ trợ cho người mua nhà

Đa phần các giải pháp, chính sách "phá băng" thị trường BĐS được đề xuất trong thời gian vừa qua tôi cho rằng mới chỉ nhằm "gỡ khó" cho DN kinh doanh BĐS, ngân hàng, chứ chưa quan tâm dành các "gói" hỗ trợ cho người mua nhà. Phần lớn người dân có nhu cầu mua nhà trong giai đoạn hiện nay là những người thật sự có nhu cầu thực sự. Đây là những người có thu nhập ổn định thuộc dạng trung bình, đa phần phải vay mượn thêm mới có thể mua được căn nhà cho mình. "Cứu" thị trường BĐS, bên cạnh việc hỗ trợ các DN địa ốc, tôi mong rằng Chính phủ cũng cần quan tâm, dành chính sách hỗ trợ cho người mua nhà như: giảm thuế, cho phép khấu trừ lãi vay ngân hàng vào thu nhập chịu thuế; ưu đãi về lãi suất tạo điều kiện cho người dân đang ở nhà chật hẹp (diện tích bình quân 5m2/người/hộ) được mua căn hộ mới... Những chính sách trên sẽ giúp giảm khoảng 20% chi phí lãi vay cho người mua nhà. Do đó nếu khấu trừ lãi suất ngân hàng vào thuế thu nhập chắc chắn sẽ là một biện pháp kích cầu BĐS hiệu quả. Ngoài ra, cách quản lý tốt nhất thị trường BĐS hiện nay theo tôi là cần thực hiện đánh thuế lũy tiến lên số nhà sở hữu như các nước trong khu vực và thế giới đã làm. Tức là sở hữu nhà thứ nhất không đánh thuế hoặc thuế thấp, nhà thứ hai đánh thuế gấp đôi, nhà thứ ba thuế 100%... Công cụ thuế mạnh này không chỉ dẹp biệt thự hoang, nhà hoang, chung cư hoang mà còn là biện pháp chống tham nhũng, rửa tiền tốt, góp phần làm cho giá nhà đất phù hợp với đại bộ phận dân chúng.

Anh Phùng Quang Huy (phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy): Cần đầu tư xây dựng căn hộ cho thuê

Trong chủ trương xây dựng nhà ở xã hội có hẳn kế hoạch xây dựng căn hộ cho thuê với quy định về tiêu chuẩn người được thuê, thời gian thuê và đóng góp tài chính. Nhưng cho đến nay, trong khi các dự án nhà ở thương mại lẫn nhà ở xã hội đều đang ế khách vì người dân chưa thể chạm tới ngưỡng mua nhà thì chưa hề có một dự án nhà thuê nào được triển khai. Nguyên nhân quá rõ ràng, DN không mặn mà với việc đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm và những rủi ro trong quá trình quản lý cũng không thể lường trước được. Trong khi đó, loại hình thuê nhà ở đã diễn ra từ vài chục năm nay đối với một bộ phận lớn nhân dân. Số tiền thuê nhà chiếm một phần trong chi tiêu sinh hoạt thường kỳ để đến khi đủ điều kiện họ có thể mua lại căn nhà thuê đó hoặc trả nhà thuê để cho người khác thuê lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giảm diện tích nhà ở xã hội: Chỉ là giải pháp gỡ bí!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.