Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạo lực gia đình, nhức nhối xã hội

Minh Ngọc| 28/11/2012 07:10

(HNM) - Hầu hết các quốc gia trên thế giới nhìn nhận bạo lực gia đình (BLGĐ) là sự vi phạm nhân phẩm con người, vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).


Mất 1,78% GDP vì bạo lực

"Khi bị BLGĐ, phụ nữ giảm năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thu nhập tới 35% khiến nền kinh tế đất nước bị giảm thu khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương với 1,78% GDP mỗi năm" - con số này được bà Yuriko Shoji, quyền Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố tại hội thảo "Xây dựng cơ chế điều phối quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình" do Bộ VH,TT&DL vừa phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Như vậy, BLGĐ không chỉ gây tổn hại tinh thần cho người bị BL mà còn gây thiệt hại vật chất không nhỏ cho xã hội vì ở nước ta hiện nay cứ ba phụ nữ đã có chồng thì có một người trong số họ (tương đương 33,3%) đã từng bị chồng BL về thể xác hoặc tình dục.


Bác sĩ tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đức Giang. Ảnh: Linh Tâm


Kết quả khảo sát về thực trạng phụ nữ bị BLGĐ ở hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam do Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) công bố tháng 10 vừa qua cũng cho thấy, đa số phụ nữ phải chịu ít nhất một dạng BL. Tại tỉnh Hòa Bình, phụ nữ bị BL là 59,9%; còn tại tỉnh Hà Nam, con số này là 62,37%, trong đó, BL tinh thần chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,67%, BL thể chất đứng thứ hai với 35,75%. Nguy hại hơn, khoảng 17% phụ nữ bị BLGĐ có ý định tự tử, 19,3% đã từng có hành vi tự tử; hơn 30% người bị BL phải chịu các loại thương tích. Các tác hại khác của người bị BL là đau đầu, mất ngủ căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, khó khăn trong việc ra quyết định (63,6% phụ nữ bị BL ở Hòa Bình và 46,9% phụ nữ bị BL ở Hà Nam chịu những ảnh hưởng này).

Phụ nữ là người có ảnh hưởng rất lớn tới gia đình và con cái, nên khi họ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, dai dẳng từ BLGĐ thì con cái và gia đình họ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Theo khảo sát, gần 30% trẻ em trong các gia đình có hành vi BL học hành sút kém, thường xuyên gây gổ, đánh nhau với bạn bè. Nguy hại hơn, có tới 3,3% số trẻ em đó còn có hành vi BL lại với chính bố mình. CSAGA khẳng định, những kết quả trên không có điểm khác biệt nhiều so với những nghiên cứu ở tầm vĩ mô khác.

Cần xây dựng cơ chế điều phối quốc gia

Từ những nghiên cứu thực tế này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ ở Hà Nam, Hòa Bình nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung còn bị BLGĐ ở mức cao nhưng chỉ có 4,6% phụ nữ tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan chức năng là vì các văn bản quy phạm cấp nhà nước được ban hành nhưng chưa được các địa phương triển khai đầy đủ. Công tác quản lý nhà nước về gia đình được Bộ VH,TT&DL phân theo ngành dọc, tức là cán bộ văn hóa các cấp được giao trách nhiệm xử lý, nhưng hầu hết cán bộ văn hóa lại không được trang bị kiến thức về gia đình, phòng chống BLGĐ. Trong quá trình giải quyết các vụ BLGĐ, những người có chức năng xử lý thường có mối quan hệ họ hàng, làng xóm với người gây BL nên đa số người gây BL chỉ bị nhắc nhở, răn đe.

Đồng quan điểm này, bà Lê Thị Ngân Giang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đưa ra dẫn chứng, từ khi ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ đến nay, các bộ, ngành đã soạn thảo, ban hành tới hơn 10 văn bản hướng dẫn thi hành, song việc thực thi luật hiệu quả đến đâu, có những thuận lợi hay bất cập nào thì chưa có đánh giá tổng thể. Hơn nữa, nhiều vấn đề cần được quan tâm, như mối liên hệ giữa thừa nhận hôn nhân đồng tính và phòng, chống BLGĐ; đánh giá và xử lý với rối nhiễu tinh thần của trẻ em và phụ nữ sống trong BL vẫn chưa được đề cập hoặc đề cập chưa rõ trong Luật Phòng, chống BLGĐ.

Để giải quyết vấn đề BLGĐ, bà Yuriko Shoji cho rằng, Việt Nam nên xây dựng một khung giám sát, đánh giá, thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành để tất cả nạn nhân BLGĐ đều được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, được bảo vệ và hỗ trợ pháp lý có hiệu quả. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới khuyến nghị Nhà nước nên xây dựng chiến lược quốc gia ứng phó với BLGĐ; đồng thời đầu tư nguồn nhân lực, tài chính phù hợp để triển khai chiến lược đó.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ, Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp liên ngành, huy động sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, thiết lập mạng lưới phòng, chống BLGĐ trên phạm vi toàn quốc nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạo lực gia đình, nhức nhối xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.