Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo quy định cho thuê lại lao động: Nhiều vấn đề cần điều chỉnh

Hà Phạm| 01/12/2012 07:49

(HNM) - Còn nhiều bất hợp lý là ý kiến của nhiều DN tại buổi hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định về loại hình cho thuê lao động (LĐ) do Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Hình thức cho thuê LĐ ở nước ta đã có trên 10 năm nay, tuy nhiên do chưa có bộ luật quy định về vấn đề này dẫn tới người LĐ không được hưởng nhiều quyền lợi như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, thất nghiệp, y tế… Do đó dự thảo nghị định là rất cần thiết. Tuy vậy, theo ông Đỗ Huy Lê, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực (quận 1), về điều kiện ký quỹ được quy định tại điều 5, khoản 2 của dự thảo nghị định nêu rõ các DN phải ký (để bảo đảm quyền lợi cho LĐ) ít nhất 1 tỷ đồng, trong khi đó tại điều 6, khoản 1 lại quy định mức vốn DN cho thuê là 2 tỷ đồng trở lên. Điều này rất phi lý, bởi tiền ký quỹ đã chiếm 50% số vốn thì với 50% vốn còn lại DN khó có thể hoạt động được. Vậy nên nghị định cũng cần quy định cụ thể với quy mô của từng DN.

Ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (quận 5) cho biết, hiện DN có 1.500 lao động cung ứng cho thị trường trong nước, phục vụ chủ yếu ngành rượu bia và may mặc. Tuy nhiên quy định tại dự thảo bất cập ở chỗ khi người LĐ xảy ra biến cố, chẳng hạn bị tai nạn, điều vô lý là DN cho thuê lại phải đứng ra chịu trách nhiệm kể cả tiền bạc lẫn pháp lý. Do đó, cần phải quy định trách nhiệm cụ thể hơn cho DN đi thuê với quyền lợi LĐ.

Mặt khác, hiện nay việc ký kết giữa các DN đi thuê với người LĐ chỉ có thời hạn 12 tháng. Sau đó người LĐ muốn làm việc nữa thì phải ký lại. "Đây là điều bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người LĐ. Bởi do thời gian ngắn nên người LĐ sẽ không được hưởng mức lương tăng theo quy định, khiến đồng lương luôn thấp và nghề nghiệp không ổn định, chưa kể các chế độ bảo hiểm khác cũng không có. Do đó, cần có nghị định hướng dẫn tiếp theo để quy định rõ ràng, chi tiết hơn về phí dịch vụ, trách nhiệm của các bên khi xảy ra tai nạn, nhất là quyền lợi cho LĐ", ông Thạnh kiến nghị.

Chưa hết, theo phân tích của TS Hồ Xuân Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐTB-XH TP), tại điều 25, khoản 3 của dự thảo có nêu "LĐ có chất lượng chuyên môn kỹ thuật cao" là không thực tế. Bởi, hầu hết LĐ cung ứng cho thị trường trong nước chủ yếu là LĐ phổ thông và thực tế ngành nghề làm việc cũng không cần đến điều này. Do đó, dự thảo cần quy định danh mục các ngành rộng và cụ thể hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP, hiện nay DN có LĐ xuất khẩu đi nước ngoài đều được báo cáo trực tiếp cho Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH), trong khi mỗi lần xảy ra vấn đề lại "kêu" Sở xử lý, rõ ràng làm khó cho Sở nên cần được quy định trách nhiệm đi đôi với thẩm quyền của địa phương.

Với những bất cập trên, hầu hết các DN TP mong muốn bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh hoàn thiện để nghị định khi ra đời đáp ứng được thực tế cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo quy định cho thuê lại lao động: Nhiều vấn đề cần điều chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.