Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đoàn kết hướng về quê hương

Đình Hiệp| 17/12/2012 07:03

(HNM) - Kể từ khi Việt Nam và Liên Xô ký kết Hiệp ước hợp tác và hữu nghị năm 1981, cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga hiện đã có nhiều thay đổi. Tuy là một cộng đồng trẻ nhưng bà con Việt Nam tại Nga luôn đoàn kết, gắn bó và tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động hướng về quê hương.


Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga luôn có nhiều hoạt động tích cực hướng về quê hương.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, hơn 200 nghìn công nhân Việt Nam sang lao động tại Liên Xô. Họ có mặt hầu khắp các TP của nước Nga và các nước Cộng hòa. Trước khi Liên Xô tan rã, các công nhân sống tập thể trong các ký túc xá, được gọi là Ốp (viết tắt từ chữ ký túc xá trong tiếng Nga). Sau khi Liên Xô tan rã, hàng loạt nhà máy phá sản, nhiều người Việt Nam làm việc không có lương nên gặp rất nhiều khó khăn. Các Ốp trở thành những xã hội Việt Nam thu nhỏ, gọi là Thương xá bởi đây vừa là nơi ở vừa là điểm kinh doanh. Những tên tuổi như Đôm 5, Bến Thành, Xaliut, Búa Liềm, Sông Hồng… đã trở nên quen thuộc và được coi như những chiếc nôi đầu tiên của cộng đồng người Việt tại đây.

Sau hơn 30 năm, ba thế hệ người Việt Nam đã sinh ra và lớn lên tại LB Nga. Theo Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nga Lê Ngọc Hường, hiện cộng đồng người Việt Nam có rất nhiều tầng lớp, trong đó có hơn 5.000 học sinh, sinh viên, các nhà khoa học đang học tập và công tác tại các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của Nga. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm DN hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, tư vấn pháp luật; hàng chục nghìn người tham gia hoạt động kinh doanh trực tiếp tại các trung tâm thương mại và các công ty bán buôn, bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Nga trên tại hầu hết các thành phố lớn. Những đơn vị lớn của người Việt Nam như Tập đoàn FG Group, Xí nghiệp may LIVA (ở Moscow), Công ty Vonga - Việt (ở thành phố Volgograd)... đã và đang sản xuất ra các mặt hàng chất lượng cao, phục vụ thị trường Nga, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người Việt.

Với mục đích tập hợp, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng trong các hoạt động làm ăn, sinh sống ở nước sở tại, tháng 1-2004 Hội Người Việt Nam tại LB Nga được thành lập. Đến nay, Hội có 3 tiểu ban hoạt động là Tiểu ban Đối ngoại - Văn hóa - Xã hội, Tiểu ban Pháp luật - An ninh, Tiểu ban Kinh tế - Tài chính và 20 chi hội cơ sở trên khắp các vùng miền của nước Nga.

Không chỉ thành công trong hoạt động kinh doanh, cộng đồng người Việt Nam tại Nga còn có đời sống văn hóa hết sức phong phú. Cũng như thực hiện rất nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần phát triển và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác cùng có lợi với nhân dân Nga. Từ khi Nhà nước có chính sách động viên, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương tham gia xây dựng đất nước, Hội Người Việt Nam tại Nga phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã có nhiều chương trình "đưa" DN Việt Nam tại Nga đầu tư về nước. Không ít đã thành công ở thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều mà TS Nguyễn Huy Hoàng, Đại học Tổng hợp Moscow, người vừa tham gia Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư tại Hà Nội, cũng như nhiều người Việt thế hệ thứ nhất tại Nga hết sức lo ngại là việc dạy tiếng Việt cho các cháu thế hệ thứ 2, thứ 3. TS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, nếu không có sự quan tâm thích đáng, thì trong tương lai gần, thế hệ người Việt mới tại Nga sẽ đánh mất chiếc cầu nối quan trọng nhất đối với dân tộc là ngôn ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết hướng về quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.