Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh biệt Phạm Tiến Năm: Cây bút điều tra sắc sảo

Thọ Cao| 19/12/2012 06:23

(HNM) - Tốt nghiệp khóa sư phạm, tháng 9-1958, Phạm Tiến Năm được cử về dạy học tại Trường Phổ thông cấp 1 xã Thượng Cung (Thường Tín) sau về trường xã Vạn Phúc (Thanh Trì) thời ấy thuộc tỉnh Hà Đông (cũ).


Rồi từ miền xuôi, Tiến Năm được điều lên công tác trên miền Tây Bắc xa xôi. Ông đã trải qua 9 năm làm hiệu trưởng tại 4 trường phổ thông cấp 1 thuộc các châu Than Uyên, Mai Sơn, Sơn La (khu tự trị Thái Mèo) và Trường Phổ thông cấp 1 xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phú). Ông thường xuyên viết bài đăng Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Vĩnh Phú. Thấy ông viết tốt, Ban Biên tập Báo Vĩnh Phú đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy điều ông về làm báo.


Ngay buổi đầu hội nhập nghề mới, Tiến Năm được cử đi học Khoa báo chí, Trường Tuyên giáo TƯ. Khi trở về, ông lần lượt theo dõi các ngành giáo dục, y tế, công nghiệp, thương nghiệp trong hai năm 1965-1966. Đầu năm 1966, ông được chuyển về Báo Thủ đô Hà Nội, năm sau hợp nhất với Báo Thời mới thành Báo Hànộimới.

Là phóng viên Tổ Nông nghiệp (sau đổi thành Ban), Tiến Năm có 19 năm gắn bó với ngoại thành Hà Nội, bám vào mũi nhọn cuộc sống nông thôn, nắm chắc sự phát triển các đội sản xuất, HTX nông nghiệp. Là cây bút say nghề, xông xáo, ông viết được một số bài điều tra có hiệu quả. Bài "Phải đình chỉ ngay việc nấu rượu lậu ở Yên Ngưu" đăng buổi sáng, buổi chiều ở huyện, ở xã nháo lên, nhiều người chạy đi mua báo. Hôm sau, mấy cơ quan nội chính ở huyện về thẩm tra những nhà nấu rượu lậu. Kết quả: Một số cá nhân, tập thể bị xử lý. Bài "Một đội trưởng ở Liên Ninh tham ô" báo đăng buổi sáng, buổi chiều đội trưởng chạy trốn nhưng CA huyện kịp thời bắt ngay và anh ta phải ngồi tù. Bài "Đi xem bói" được Bác Hồ đọc và chỉ thị khắc phục ngay. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, các cán bộ chủ chốt xã Đông Mỹ mở cuộc điều tra, xác minh. Người thầy bói lấy nhiều tiền, lễ vật của dân bị xử lý. Việc dân đổ xô đi xem bói chấm dứt. Bài "Bám chiếu ngồi lỳ" giúp xã Đông Mỹ dấy lên phong trào bắt bạc. Một số người bị phạt. Những điều tra kể trên không những làm tăng uy tín của tờ báo Đảng với độc giả, còn có sức mạnh phê phán những cá nhân, tập thể làm sai.

Được Ban Biên tập tín nhiệm đề bạt Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Nông nghiệp (1987-1999), ông đề cao tinh thần trách nhiệm, cũng là người cẩn trọng, kỹ lưỡng trong văn phong, không để sai sót nào trên chuyên trang nông nghiệp, lại có những ý kiến chỉ đạo xác đáng, bám sát nông vụ và cuộc sống nông dân.

Trong 9 năm liền (1990-1999) ông còn được Ban Biên tập tín nhiệm, giao thêm nhiệm vụ phụ trách công tác tổ chức - cán bộ.

Trong khoảng thời gian này, ông đã làm quyết định để Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn ký, rồi chuyển sang Ban Tổ chức Thành ủy duyệt, tuyển vào làm ở cơ quan báo tới vài chục trường hợp. Sau khi được tuyển dụng, những người này đều nhìn ông bằng con mắt khác trước, cứ tưởng đến với ông là phải "làm luật" cho ông. Tới bây giờ, mỗi khi trông thấy ông tới họp mặt ở cơ quan khi đã nghỉ hưu, họ đều chào từ xa "bác Tiến Năm" và nắm chặt tay ông như muốn nói: Thời buổi này, tìm được một nhà báo, một cán bộ tổ chức, một đảng viên liêm khiết như ông thật hiếm!

Câu chuyện thân tình giữa tôi và Tiến Năm vào một sáng giữa xuân Canh Dần 2010, cách đây mới ba năm. Không ngờ, ở tuổi 78 cây bút nông nghiệp một tờ báo hằng ngày của người Hà Nội đã vội vã ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Tôi quý ông ở lòng yêu nghề, càng quý ông vì đạo đức liêm khiết. Tôi cũng biết ông không tin vào số phận nhưng dường như sự sắp đặt và dẫn dắt của định mệnh là điều hoàn toàn có thể. Thôi, chúc Tiến Năm yên giấc ngàn thu trên đất cố hương Đông Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt Phạm Tiến Năm: Cây bút điều tra sắc sảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.