Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu quy định trách nhiệm người đứng đầu

Hà Phong| 22/12/2012 06:15

(HNM) - Có hiệu lực từ ngày 1-6-2006, tuy nhiên, tại hội thảo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2013, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính tổ chức mới đây, câu hỏi đang được không ít chuyên gia pháp luật đặt ra là, liệu luật này có thực sự còn cần thiết?

Thất thoát trong đầu tư công

Theo tổng kết của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới nhất, tình hình lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là "điểm nóng" trong năm 2012. Nguyên nhân do chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số ngành, vùng còn hạn chế. Nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách gây lãng phí lớn do quy hoạch thiếu tính chiến lược hoặc quy hoạch chồng lấn quy hoạch. Một số dự án phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm cho cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Lâm nghiệp.


Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tình trạng không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính vẫn xảy ra, gây thất thoát lớn. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2012, Kho bạc Nhà nước phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa thực hiện đúng thủ tục, chế độ quy định, đã từ chối thanh toán trên 371 tỷ đồng. Đồng thời, các cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 3.529 tỷ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm. Đó là những con số lãng phí lớn đối với một quốc gia nghèo và lạc hậu như Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, việc thực hành tiết kiệm lại không mấy khả quan. Theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, từ năm 2008 đến 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản công là 467 tỷ đồng. Ngay cả "phong trào" tiết kiệm "rầm rộ" của các tập đoàn kinh tế, thì đến nay, tổng chi phí đã tiết kiệm được hết sức khiêm tốn, chỉ đạt 1/2 so với số đã đăng ký… Dù Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có tới 40 điều khoản quy định trực tiếp từ xử phạt, kỷ luật, bồi thường thiệt hại do lãng phí, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm, nhưng trong suốt 7 năm qua chưa có trường hợp nào bị kỷ luật, xử phạt.

Chưa sát thực tế

Theo Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội, đối tượng gây ra lãng phí phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự là cán bộ có chức, quyền. Nhưng không có ai tự ký quyết định kỷ luật chính mình. Lãng phí do cơ chế, chính sách là lãng phí lớn nhưng lại khó quy trách nhiệm vì chưa có trong quy định của luật. Một bất cập nữa là phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật quá rộng, bao trùm tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, nên không thể có những chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm. Do đó, việc xác định rõ định mức, chế độ, tiêu chuẩn, hoặc mục tiêu theo quy định hoặc đã định trước là căn cứ quan trọng, chủ yếu phục vụ công tác đánh giá lĩnh vực đó có tiết kiệm không, có lãng phí không thì gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, khoản 1, điều 18 quy định cán bộ khi mua sắm tài sản cơ quan nếu có khoản hoa hồng phải tự giác kê khai, nộp lại cơ quan, tổ chức để quản lý, sử dụng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức. Trên thực tế, chưa ai tự giác thực hiện. Mặt khác, sự chồng lấn giữa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với hàng loạt luật đã ban hành như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự… đã làm hạn chế sự độc lập của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do vậy, vấn đề mấu chốt là hãy "vá" những lỗ hổng kể trên. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, chức danh cụ thể chứ không nên quy định trách nhiệm cá nhân, tổ chức một cách chung chung như hiện nay. Cần liệt kê rõ các cơ quan, đơn vị, tổ chức nào phải xây dựng phương án thực hành tiết kiệm phù hợp với tình hình từng đơn vị, hằng quý, hằng năm phải có báo cáo, đánh giá một cách trung thực, công khai, rõ ràng, cụ thể.

Một kiến nghị quan trọng nữa được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề xuất là cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục.

Hai loại ý kiến trên đều có những căn cứ nhất định và triển khai theo hướng nào tùy thuộc vào sự nhập cuộc, thẩm tra đánh giá của Quốc hội và Chính phủ. Song điều quan trọng nhất là cần xúc tiến sớm xem xét để khắc phục tình trạng luật làm xong để đấy, không hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy định trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.