Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đã thấy ”lỗi” thì nên sửa

Đà Đông| 29/12/2012 06:15

(HNM) - Là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm việc cấp chứng minh thư nhân dân (CMTND) theo mẫu mới, từ tháng 9-2012, Công an TP Hà Nội triển khai tại ba quận, huyện là Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm.


CMTND mới có 12 số, được làm bằng nhựa, mặt trước ghi thông tin cơ bản của công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú; mặt sau có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.

Ngay từ khi chuẩn bị triển khai, nhiều chuyên gia pháp luật và dư luận đã có ý kiến trái chiều, đề nghị bỏ quy định ghi tên cha mẹ. Tuy nhiên, đề xuất này không được xem xét. Tại phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật Quốc hội vừa được tổ chức, một lần nữa các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật tiếp tục chất vấn Chính phủ về vấn đề này và kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công an dừng ngay việc cấp CMTND mới, chờ sửa nghị định. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng thừa nhận, Bộ đã rút kinh nghiệm, kiểm điểm trong khâu thẩm định thông tư của Bộ Công an. Ông cho biết, việc thẩm định được căn cứ vào các nghị định 05 và 170 của Chính phủ. Nghị định 05 ban hành từ năm 1999, thời kỳ công tác ban hành, thẩm định văn bản chưa được nền nếp. Đến năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 170, nêu lại nội dung của nghị định cũ nên sau đó, khi Bộ Công an trình thông tư hướng dẫn thì Bộ Tư pháp đã đồng tình. Ông Cường đánh giá: "Việc thẩm định máy móc, cái gì đã có thì cứ thế mà làm chứ không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay và dưới góc độ của người dân".

Trong khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận có "lỗi" thì những ngày này, dư luận cũng ồn ào bàn tán về những phiền toái do CMTND mẫu mới gây ra. Đặc biệt, trong các giao dịch với ngân hàng, nhiều người đã dở khóc dở cười khi không rút được tiền do mẫu CMTND mới không được chấp nhận. Muốn được việc, người dân phải quay về địa phương xin xác nhận.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc cấp CMTND theo mẫu mới là cần thiết, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần lắng nghe tiếng nói của người dân, đã thấy "lỗi" thì nên sửa để có thay đổi cho phù hợp. Thời điểm thực hiện cũng nên lùi lại bởi cần có sự kết nối đồng bộ thông tin giữa cơ quan công an, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị có liên quan khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã thấy ”lỗi” thì nên sửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.